Phụ nữ viết tiếp khúc tráng ca trong Kỷ nguyên mới

Phạm Thương
30/04/2025 - 07:27
Phụ nữ viết tiếp khúc tráng ca trong Kỷ nguyên mới

Khối Phụ nữ diễu hành trong Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh minh hoạ: TN

Truyền thống gia đình cách mạng đã nuôi dưỡng, hun đúc trong những người phụ nữ ấy ý thức sống trách nhiệm, tinh thần cống hiến để hôm nay, họ nối bước cha ông viết tiếp khúc tráng ca của dân tộc trong kỷ nguyên mới.
Từ chối cơ hội ở nước ngoài, về nước cống hiến

PGS.TS Lê Ngọc Liễu, giảng viên trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM, được nhiều người biết đến bởi sự tận tâm và những đóng góp nổi bật trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đặc biệt là công nghệ thực phẩm và môi trường. 

Năm 2013, chị là đại diện duy nhất của Việt Nam được nhận Giải thưởng Tài năng trẻ tại Đức. Đến năm 2019, chị tiếp tục được vinh danh là 1 trong 10 nhà khoa học trẻ tiêu biểu nhận Giải thưởng Quả cầu vàng.

Hoàn thành chương trình tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Singapore, sau đó, chị tiếp tục làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Ả-rập Xê-út. Dù nhận mức lương lên đến 100 triệu đồng/tháng tại đất nước Ả-rập Xê-út, chị vẫn quyết định trở về Việt Nam, theo đuổi con đường giảng dạy với mong muốn đóng góp cho quê hương. 

PGS.TS Lê Ngọc Liễu chia sẻ rằng, được học tập và nghiên cứu tại nhiều quốc gia là cơ hội giúp chị tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để phục vụ đất nước.

Một trong những nghiên cứu ấn tượng của chị là tìm kiếm nguồn năng lượng từ biển, phát triển quy trình chuyển hóa chênh lệch áp suất thẩm thấu của nước biển với nước từ sông ngòi thành điện năng. 

Phụ nữ viết tiếp khúc tráng ca trong Kỷ nguyên mới- Ảnh 1.

PGS.TS Lê Ngọc Liễu, giảng viên trường Đại học Quốc tế - ĐH Quốc gia TPHCM

Đây là 1 trong 100 đề án nghiên cứu khoa học toàn thế giới được thuyết trình tại Berlin trong cuộc thi Falling Walls Lab (Đức, 2014) và cũng được cấp bằng sáng chế của Hoa Kỳ. Chị còn nghiên cứu về vấn đề xử lý nước thải và tận dụng các nguồn phế phẩm từ nông nghiệp để phát triển thành sản phẩm có giá trị kinh tế cao như bao bì phân hủy sinh học. 

Đề tài này được tài trợ bởi Quỹ Phát triển khoa học và Công nghệ Quốc gia. Hiện tại, chị đang thực hiện một dự án nghiên cứu với đối tác tại Vương quốc Anh về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong an toàn thực phẩm. 

"An toàn thực phẩm đang là mối quan tâm hàng đầu tại Việt Nam. Thông qua dự án nghiên cứu này, tôi mong muốn ứng dụng AI để dự đoán sớm tình trạng hư hỏng của thực phẩm, thay vì quan sát bằng mắt thường hay dựa vào các lớp nhãn cảnh báo trên bao bì", PGS.TS. Lê Ngọc Liễu phân tích.

Chia sẻ về động lực giúp chị vững vàng vượt qua khó khăn, theo đuổi đam mê nghiên cứu, PGS.TS. Lê Ngọc Liễu cho biết, đó chính là truyền thống gia đình. Ông nội của chị là liệt sĩ, ông ngoại là cựu chiến binh, còn ba mẹ chị luôn sống mẫu mực và đặt giáo dục lên hàng đầu. 

Chị Liễu được sinh ra và lớn lên ở Trảng Bàng (Tây Ninh) - vùng đất giàu truyền thống cách mạng, là huyện được Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Môi trường sống đó đã nuôi dưỡng, hun đúc trong chị tinh thần yêu nước, quyết tâm đóng góp cho sự phát triển của đất nước từ sớm. 

Thời đi học, chị không ngại khó khăn, tích cực tìm kiếm tài liệu khoa học tự nhiên để theo đuổi con đường tri thức, nuôi dưỡng đam mê nghiên cứu khoa học.

Trong không khí hân hoan kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước, chị mong muốn các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học nữ, sẽ có điều kiện thuận lợi hơn nữa để phát triển và cống hiến nhiều hơn.

Tận tụy với công tác Hội

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, ông nội là liệt sĩ, ba mẹ đều tham gia cách mạng và là thương binh, tuổi thơ của chị Trần Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch Hội LHPN phường Tam Phú (TP Thủ Đức, TPHCM), được nuôi lớn trong những lời dạy sâu sắc của ba mẹ - những người đi qua khói lửa chiến tranh.

Phụ nữ viết tiếp khúc tráng ca trong Kỷ nguyên mới- Ảnh 2.

Chị Trần Thị Tuyết Nhung (phải), Chủ tịch Hội LHPN phường Tam Phú, cùng thí sinh dự Hội thi viết thư pháp chữ Việt những câu nói của Bác về miền Nam do Thành ủy thành phố Thủ Đức (TPHCM) tổ chức

"Ba mẹ tôi thường nói, khi ra trận là xác định hy sinh, không nghĩ sẽ sống đến ngày đất nước hòa bình, vậy nên giờ được sống trong thời bình là may mắn vô cùng. Thế hệ các con cần nỗ lực hơn nữa để xứng đáng với sự hy sinh ấy", chị Nhung kể.

Lời căn dặn đó đã trở thành "kim chỉ nam" cho chị trong cuộc sống và công tác. Trên cương vị Chủ tịch Hội LHPN phường, chị Tuyết Nhung luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình, chủ động xây dựng chương trình công tác, triển khai hoạt động Hội tại địa phương một cách hiệu quả.

 Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội, chị đã nghiên cứu và xây dựng chuyên mục "Mỗi tuần một lời dạy của Bác" trên trang fanpage của Hội LHPN phường Tam Phú; tạo kho tư liệu thư viện điện tử về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến nay đã thu hút đông đảo chị em xem và chia sẻ.

Chị đặc biệt quan tâm đến công tác an sinh xã hội, chăm lo cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Chị đã phát động nhiều mô hình ý nghĩa như "Hoa Tết tích lũy yêu thương" và "Gói quà gây quỹ". 

Không dừng ở đó, chị còn tổ chức hoạt động "Nhóm phụ nữ nhân ái", phát 350 suất ăn sáng mỗi tháng, trao 14 suất học bổng (trị giá 25 triệu đồng), hỗ trợ phương tiện sinh kế và sửa chữa nhà cửa cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn. 

Một trong những sáng kiến của chị là "Shop thời trang 0 đồng" với thông điệp "Ai dư đến biếu, ai thiếu đến nhận". Shop đã trao tặng hàng trăm bộ áo dài, quần áo đi làm, cặp sách, giày dép... cho người lao động nghèo trên địa bàn.

Với những cống hiến của mình, chị Tuyết Nhung đã nhận được nhiều khen thưởng như: Bằng khen của TƯ Hội LHPN Việt Nam, Giấy khen của UBND thành phố Thủ Đức vì đã có thành tích xuất sắc trong việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm