“Phu xe” chợ Long Biên phải nộp phí khi giãn cách xã hội, chính quyền địa phương nói gì?

Nguyễn Long
31/08/2021 - 13:37
“Phu xe” chợ Long Biên phải nộp phí khi giãn cách xã hội, chính quyền địa phương nói gì?

Nhiều lao động tại chợ Long Biên bị mất việc vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo phản ánh của nhiều "phu xe" tại khu chợ Long Biên (Hà Nội), hàng tháng họ phải đóng một khoản phí để được chở hàng trong chợ. Ngay cả khi phải nghỉ do giãn cách xã hội, khoản tiền này vẫn phải đóng. Chính quyền địa phương cho biết, sẽ xác minh phản ánh của người dân để tìm cách tháo gỡ...

Sống nhờ cứu trợ mà vẫn phải đóng phí

Chợ Long Biên tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch Covid-19, cũng là lúc các "phu xe" (người làm công việc chở hàng hóa thuê trong chợ) tạm ngưng công việc. Gần 1 tháng nay, các lao động này sống nhờ lương thực hỗ trợ từ các cấp chính quyền, các nhà hảo tâm. Thế nhưng, nỗi lo của các "phu xe" là khoản phí gần 500 nghìn đồng hàng tháng phải đóng cho Ban Quản lý chợ Long Biên.

Phản ánh tới PV Báo PNVN, người dân thuê trọ sau khu chợ Long Biên (phường Phúc Xá, quận Ba Đình, TP Hà Nội) cho biết, đã gần 1 tháng nay họ không thể đi làm vì dịch Covid-19, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, chắt chiu lắm mới đủ ăn, còn tiền trọ thì đành… nợ. Thế nhưng, hàng tháng họ vẫn phải gánh một khoản phí từ "trên trời rơi xuống" khiến họ ám ảnh.

“Phu xe” oằn mình gánh phí tại chợ Long Biên giữa tâm dịch? - Ảnh 1.

Những chiếc xe kéo hàng tại chợ Long Biên không còn hoạt động

Theo phản ánh của người dân, khoản phí này như "giấy phép" để được hoạt động tại khu vực chợ. Từ đầu tháng 8, nhiều lao động xe kéo đã đóng khoản phí này thì ngày 3/8, có quyết định cách ly y tế chợ Long Biên ập tới. Chưa kịp lao động sản xuất thì khoản phí phải đóng của tháng 9 đã cận kề.

Chị N.T.H. (kéo xe hàng thuê tại chợ Long Biên) cho biết, trước khi có dịch thì mỗi ngày chị kéo xe hàng thuê trong chợ Long Biên cũng được từ 100.000 đồng – 200.000 đồng. Với thu nhập này, chị có thể tự lo được khoản phí trên. Thế nhưng, kể từ khi dịch bùng phát trở lại, thu nhập không có trong khi chi phí sinh hoạt vẫn phải chi khiến chị bị quá tải.

"Trước thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, một số chị em trong xóm đã về quê. Tôi ở lại làm cố mấy hôm để kiếm thêm thì Hà Nội giãn cách. Mất việc, không có tiền. Đi không làm được. Về quê bây giờ không được nên đành ở lại đây thôi", chị H. nói.

“Phu xe” oằn mình gánh phí tại chợ Long Biên giữa tâm dịch? - Ảnh 2.

Theo phản ánh, để hoạt động trong chợ Long Biên, hàng tháng mỗi xe phải đóng một khoản phí

Tại xóm trọ này có rất nhiều người lao động tự do, cùng chung cảnh ngộ với chị H. nỗi lo về "cơm áo gạo tiền" vẫn luôn thường trực, nhiều khoản chi phí cố định trong sinh hoạt như ăn uống, tiền nhà trọ vẫn chưa có lời giải. Trong khi đó, đa số lao động tự do tại đây lại thiếu giấy phép cư trú hợp pháp nên không được hưởng chế độ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.

Chính quyền sẽ kiểm tra, xác minh để tháo gỡ

Liên quan đến những phản ánh của người dân, trao đổi với PV Báo PNVN, ông Bùi Thanh Xuân, Chủ tịch UBND phường Phúc Xá (quận Ba Đình, TP Hà Nội) cho biết, vừa qua UBND phường Phúc Xá cũng tiến hành nhiều đợt hỗ trợ bằng các phần quà tới các lao động mất việc làm. Từng bước chi trả cho 800 hồ sơ được phê duyệt, đủ điều kiện theo Nghị quyết 68 của Chính phủ với mức hỗ trợ 1,5 triệu/người/lần. Đồng thời, chính quyền cũng vận động các chủ nhà trọ giảm hoặc miễn tiền thuê nhà cho người lao động.

Trao đổi về việc "phu xe" phải đóng phí để có thể hoạt động tại chợ Long Biên, người đứng đầu UBND phường Phúc Xá cho biết, sẽ kiểm tra, xác minh về vấn đề này để giảm bớt gánh nặng cho người lao động.

"Chúng tôi sẽ xác minh lại xem những phản ánh của bà con nêu ra ở mức độ như thế nào để có giải pháp cùng Ban quản lý chợ Long Biên và các cơ quan đơn vị khác hướng tới mục đích tháo gỡ, chia sẻ khó khăn cho bà con nhân dân và những người lao động", ông Xuân cho hay.

Theo tìm hiểu của PV, những lao động tự do tại xóm trọ dưới chân cầu Long Biên đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau, nhưng họ có một điểm chung là nghèo. Cái nghèo cứ bám riết lấy họ và những khoản phí vẫn còn đó càng làm tăng thêm sự nghèo đói khi nguồn thu nhập chính bị cắt đứt.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm