pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Quả ngọt" với người cha "vô tinh"

ThS.BS Đinh Hữu Việt (bìa trái)- Trưởng khoa Nam học Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội
Không giống như nhiều cặp vợ chồng khác may mắn dễ dàng đón con, hành trình tìm con của chị Nguyễn Thị Tú Anh (1989) và anh Trương Đăng Nam (1984) đến từ Huế quá nhiều thử thách. Bởi anh Nam mắc hội chứng Klinefelter (47,XXY) và bị biến chứng bệnh quai bị, dẫn đến tình trạng "vô tinh".
Trước khi quyết định tiến đến hôn nhân, chị Tú Anh đã biết anh Nam gặp khó khăn trong việc có con bởi anh bị biến chứng quai bị dẫn đến không có tinh trùng. Nhưng điều này không là lý do khiến chị do dự, dù lựa chọn của chị từng khiến không ít người khuyên ngăn. Đối với chị, tình yêu không phải là sự hoàn hảo, mà là cam kết đồng hành cùng nhau, bất kể con đường phía trước có gian nan đến đâu.
Năm 2017, anh chị chính thức về chung một nhà, bước vào hành trình không chỉ của hai người, mà còn là hành trình đi tìm một điều kỳ diệu. Sau ngày cưới, khát khao được làm cha mẹ đã thôi thúc chị Tú Anh cùng chồng đi rất nhiều nơi, từ bệnh viện ở Huế đến các bệnh viện trong Nam, ngoài Bắc mong có hy vọng. Nhưng dù anh chị tìm đủ loại thuốc để điều trị thì kết quả vẫn chưa có gì khởi sắc.
Qua một người bạn tại Hà Nội từng gặp tình trạng tương tự đã đón con thành công, anh chị như tìm được cứu cánh.
Sau thăm khám, đánh giá tình trạng của anh chị, ThS.BS Đinh Hữu Việt - Trưởng khoa Nam học (Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội) cho biết, ngoài biến chứng từ bệnh quai bị dẫn đến vô tinh, khi xét nghiệm chuyên sâu về nội tiết - gene - nhiễm sắc thể, anh Nam còn mắc hội chứng Klinefelter (47,XXY). Hội chứng Klinefelter (47,XXY) là tình trạng bất thường nhiễm sắc thể, xảy ra ở nam giới có nhiều hơn 1 nhiễm sắc thể X trong bộ nhiễm sắc thể. Với nam giới trưởng thành, khi mắc hội chứng này sẽ có ít hoặc không có tinh trùng, gây rối loạn tạo ống sinh tinh và hiếm muộn.
ThS. BS Đinh Hữu Việt cung cấp thêm thông tin: "Trước đây, những trường hợp như anh Nam, cơ hội đón con gần như là điều xa vời. Thế nhưng nhờ những bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực nam khoa - hỗ trợ sinh sản, đặc biệt là kỹ thuật phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng Micro TESE và phương pháp Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), giờ đây nam giới mắc hội chứng Klinefelter đã có cơ hội đón con của chính mình.
Micro TESE là kỹ thuật phẫu thuật vi phẫu tiên tiến, được sử dụng để tìm kiếm tinh trùng trực tiếp từ mô tinh hoàn. Quá trình thực hiện đòi hỏi sự tỉ mỉ và chính xác cao, đặc biệt trong việc lọc tách tinh trùng từ các mẫu mô rất nhỏ. Việc áp dụng kỹ thuật này đôi khi chỉ cho phép thu được số lượng tinh trùng vừa đủ để làm thụ tinh trong ống nghiệm. Điều làm nên thành công của Micro TESE không chỉ nằm ở thiết bị hiện đại mà còn phụ thuộc vào tay nghề và kinh nghiệm của bác sĩ. Bác sĩ phải cân nhắc tỉ mỉ giữa việc thu được số lượng tinh trùng cần thiết và bảo tồn tối đa mô tinh hoàn, nhằm hạn chế tổn thương và duy trì chức năng sản xuất testosterone của tinh hoàn".
Thời điểm ấy, chị Tú Anh động viên chồng rất nhiều, không ngừng khích lệ anh tin tưởng vào cơ hội phía trước cũng như đội ngũ y bác sĩ chuyên nghiệp của bệnh viện. Dù kết quả ra sao, việc phẫu thuật chính là tia hy vọng quý giá mà anh chị nhất định phải nắm lấy, không được từ bỏ.
Do anh Nam mắc hội chứng Klinefelter, vì vậy sau khi tạo phôi và nuôi phôi đến ngày thứ 5, bước xét nghiệm để chọn những phôi khỏe mạnh trở thành giai đoạn vô cùng quan trọng. Đây cũng chính là khoảnh khắc đầy hồi hộp và mong chờ nhất trong hành trình của anh chị, khi hy vọng và tình yêu được đặt trọn vào từng "mầm sống" nhỏ bé. Đúng như một giấc mơ, từ 9 phôi ngày 5, sau xét nghiệm anh chị đã nhận được tin vui ngoài mong đợi với kết quả 5 phôi khỏe mạnh.
Giữa thời điểm Covid-19 căng thẳng, chị Tú Anh quyết định ở lại gần bệnh viện để tiện theo dõi thai kỳ trong những tháng đầu. Vào tuần thai thứ 5, niềm hạnh phúc không gì diễn tả được khi siêu âm, bác sĩ báo tin chị mang song thai. Thế nhưng, niềm vui ấy chưa được bao lâu, chỉ hai ngày sau, chị bất ngờ bị ra nhiều máu, dọa sảy thai.

Hai em bé Trương Phúc Lâm và Trương Quỳnh Nhi của chị Tú Anh và anh Nam
Khi thai kỳ chạm mốc hơn 9 tuần, chị Tú Anh quyết định cùng chồng trở về Huế để tập trung dưỡng thai. Sau bao ngày trông ngóng, cuối cùng hai thiên thần nhỏ Trương Phúc Lâm và Trương Quỳnh Nhi cất tiếng khóc chào đời. Đó không chỉ là tiếng khóc đầu tiên của các con, mà còn là âm thanh đẹp nhất đối với anh chị. Hai con đến, lấp đầy ngôi nhà bằng sự ấm áp và hạnh phúc.