Quản lý an toàn thực phẩm - Vì sao vẫn khó?

PV
22/05/2024 - 14:27
Quản lý an toàn thực phẩm - Vì sao vẫn khó?

Thức ăn đường phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Ảnh minh họa

Trong 4 tháng đầu năm 2024, cả nước đã xảy ra hơn 20 vụ ngộ độc thực phẩm, làm hơn 1.000 người bị ngộ độc, trong đó có 4 trường hợp tử vong. Câu chuyện mất an toàn vệ sinh thực phẩm không mới nhưng những con số này vẫn làm dấy lên lo ngại, đặc biệt là đang mùa nắng nóng, nền nhiệt độ cao dễ khiến thức ăn bị ôi thiu, nhiễm vi khuẩn. 

Chúng ta đang trong "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2024 (từ ngày 15/4 đến ngày 15/5). Thời gian qua liên tiếp ghi nhận những vụ ngộ độc thực phẩm tập thể với số lượng người bị ngộ độc lớn. Gần đây là vụ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì cô Băng tại thành phố Long Khánh (tỉnh Đồng Nai), khiến hơn 550 ca phải đến viện thăm khám và điều trị. Xét nghiệm các mẫu phẩm của vụ ngộ độc này cho kết quả nhiễm vi khuẩn Salmonella và E.coli. Đây cũng là những vi khuẩn được tìm thấy trong nhiều vụ ngộ độc thực phẩm thời gian qua.

TS.Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), chỉ ra nguyên nhân chủ yếu của các vụ ngộ độc thực phẩm là do điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột; động, thực vật chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, côn trùng, cây, quả rừng, thủy hải sản…); ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ; quá trình chế biến, bảo quản nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm chưa đúng cách. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chưa nghiêm.

Không chứng minh được nguồn nguyên liệu đầu vào là điểm chung của nhiều cơ sở buôn bán đã để xảy ra ngộ độc thực phẩm thời gian qua. Trong vụ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì cô Băng, theo Sở Y tế Đồng Nai, tại thời điểm kiểm tra, tiệm bánh mì cô Băng vi phạm nhiều quy định về an toàn thực phẩm như: Không có giấy phép kinh doanh, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, tổng số lao động làm việc trực tiếp là 4 người nhưng không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, không có giấy khám sức khỏe.

Quản lý an toàn thực phẩm - Vì sao vẫn khó?- Ảnh 1.

Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân vụ ngộ độc bánh mì ở Đồng Nai

Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Sức khỏe Môi trường, cho rằng, chúng ta đã có nhiều văn bản quy định liên quan đến vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm nhưng quy định còn chồng chéo và vẫn còn những "khoảng trống". "Quản lý thức ăn đường phố theo cấp huyện/quận, xã/phường là một vấn đề khó khăn. Ngay trước cửa trường học của một địa phương, cán bộ trật tự của khu phố lại không chịu trách nhiệm kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm mà trách nhiệm này lại giao cho y tế phường, quận đó. Trong khi nhân lực y tế phường, xã hiện nay rất mỏng", ông Nguyễn Trọng An nhấn mạnh.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm được tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc kiến nghị, phải khắc phục tình trạng phân công trách nhiệm chưa rõ ràng trong quản lý an toàn thực phẩm tại địa phương, nhất là cấp xã, phường; đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm, kết hợp tuyên truyền mạnh mẽ; cần xây dựng ngay cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, làm cơ sở để xử lý hình sự đối với các trường hợp tái phạm…

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, trong quý I/2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm, khiến hơn 650 người bị ngộ độc phải nhập viện cấp cứu, điều trị; trong đó có 3 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số người bị ngộ độc thực phẩm tăng 270%. Trong đó, phần lớn các vụ ngộ độc thực phẩm xuất phát từ những cơ sở thức ăn đường phố.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm