Quan niệm báo hiếu cha mẹ của thế hệ GenZ

Lan Hương
14/12/2022 - 07:22
Quan niệm báo hiếu cha mẹ của thế hệ GenZ

Dưới mỗi nếp nhà Việt, chữ hiếu luôn được đặt lên vị trí hàng đầu trong mối quan hệ giữa con cháu với ông bà, cha mẹ. Ảnh minh hoạ

Chữ hiếu là một nét đẹp trong truyền thống đạo đức của người Việt Nam ta. Từ xưa tới nay, dưới mỗi nếp nhà Việt, chữ hiếu luôn được đặt lên vị trí hàng đầu trong mối quan hệ giữa con cháu với ông bà, cha mẹ.

Báo hiếu từ những việc đơn giản

Có hiếu ngày xưa được hiểu là phải vâng lời ("cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy", "áo mặc sao qua khỏi đầu…"), chăm sóc phụng dưỡng ("mai sau cha yếu mẹ già, chén cơm đôi đũa, chung trà ai nâng"), đó là khi sống. Còn khi ông bà, cha mẹ qua đời thì chữ hiếu còn được tính bằng mồ yên mả đẹp, giỗ chạp linh đình.

Ngày nay thế hệ trẻ quan niệm về việc báo hiếu một cách đơn giản hơn nhưng vẫn đủ đầy ý nghĩa. Mai Huyền (sinh viên năm thứ ba, Đại học Dược Hà Nội) hay Nguyễn Huy Hoàng (sinh viên năm nhất, Đại học Sư phạm Hà Nội) đều cùng quan điểm, báo hiếu là việc trả ơn cho bố mẹ, công lao bố mẹ nuôi dưỡng chăm sóc bằng những việc đơn giản và ý nghĩa nhất.

Hoàng cho rằng: "Sống tốt để cha mẹ không phải lo lắng, đau khổ vì mình là cách báo hiếu của mình hiện tại. Cha mẹ đâu cần con báo đáp mà chỉ muốn con mình thực sự đàng hoàng và biết lo cho bản thân".

Còn Mai Huyền chia sẻ: "Từ những việc nhỏ như mình chủ động dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, không để bố mẹ mệt mỏi sau ngày dài làm việc, bố mẹ không phải cáu gắt vì những điều nhỏ nhặt thế là một cách báo hiếu".

Tuy nhiên, Mai Huyền cho rằng, ngày nay có nhiều người coi việc báo hiếu chỉ là nghĩa vụ chứ không xuất phát từ tình cảm, nhiều người làm vì trách nhiệm chứ không phải làm cho gia đình hạnh phúc.

Xã hội phát triển, hội nhập giáo dục, đa số người trẻ tập trung về các thành phố với khát vọng đổi đời. Có nhiều người rời quê, rồi lập nghiệp, sinh sống luôn ở thành phố, không trở về quê nữa, con số này ngày càng gia tăng. Những ngày nghỉ lễ, Tết họ lại "xả stress" bằng cách đi du lịch muôn nơi tìm kiếm điều mới lạ rồi gửi tiền, biếu quà về cho cha mẹ và coi đó là cách báo hiếu thời hiện đại. Nhưng với người già, có những thứ còn quan trọng hơn tiền, đó là tình cảm gia đình. Có con cái kề bên để chia sẻ, tâm sự, thì dù có khó khăn, đói kém một chút vẫn ấm lòng hơn là ăn sung mặc sướng trong một dinh thự lạnh lẽo, đơn côi.

Mai Huyền mong rằng các bạn trẻ như Huyền, dù bận rộn đến đâu hãy cố gắng về nhà, cùng cha mẹ ăn một bữa cơm, gắp cho cha, cho mẹ một miếng ngon. Mỗi bữa cơm gia đình là sợi dây gắn bó tình cảm, khi xa nhà, bạn mới biết nó quý giá nhường nào. Sự có mặt của đứa con là niềm vui mà cha mẹ chờ mong nhất.

Quan niệm báo hiếu cha mẹ của thế hệ GenZ - Ảnh 1.

Gia đình cùng nhau ăn bữa cơm ấm áp. Ảnh minh hoạ

Thành công để báo hiếu cha mẹ

Theo Thu Thực, cử nhân báo chí Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cô vừa ra trường nhưng đã có công việc khá ổn định tại cơ quan báo chí là sự báo hiếu trước tiên mà Thực dành cho cha mẹ.

Thực chia sẻ: "Suốt 22 năm qua, mẹ luôn dành dụm bao nhiêu tiền bạc để lo cho mình ăn học đến nơi đến chốn. Phải kể công ơn của cha mẹ dành cho thì không ngôn từ nào có thể diễn tả hết, vì vậy giờ đây đủ trưởng thành, mình sẽ báo đáp công ơn ấy đến hết cuộc đời này".

Khi còn là cô bé " ăn chưa no, lo chưa tới", Thực hay cãi lời mẹ vì cho rằng cha mẹ luôn áp đặt suy nghĩ của cha mẹ lên mình, không quan tâm con cái. Chỉ đến khi ra ngoài xã hội tự lập, vấp ngã nhiều, Thu Thực mới chợt tỉnh, thấy rằng cuối cùng vẫn chỉ có gia đình mới là nơi bao dung, che chở cho mình.

Ý thức được điều đó, Thực cố gắng báo hiếu cha mẹ. Khi còn là sinh viên, cô chăm chỉ học hành, dành được học bổng trong các kỳ học. Ra trường, cô dành một phần lương của mình gửi về cho mẹ trang trải gia đình.

Ai cũng nói "cái cha mẹ cần không phải là tiền". Hiểu theo nghĩa nào đó thì không sai. Nhưng chế độ ăn uống, dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, thuốc men, viện phí, dịch vụ khám chữa bệnh loại tốt… thực tế đều cần… tiền. Con cái vất vả làm ra tiền nếu nhằm để phục vụ những nhu cầu kể trên của bố mẹ già thì đó chính là những đồng tiền trả hiếu.

Ai cũng khuyên còn trẻ mà, cứ làm đi, cứ sai đi, cứ cuồng nhiệt đi, nhưng những lời khuyên đó có thể là động lực, nhưng cũng có thể vô tình khiến chúng ta hối hận. Bạn còn nhiều thời gian, nhưng cha mẹ thì không thể cứ ngóng chờ bạn trưởng thành. Thời gian đi qua thì sẽ không thể quay lại. Nó cho bạn 30 năm, 40 năm, thậm chí là 50 năm, nhưng chỉ còn cho cha mẹ bạn 10 năm, 15 năm hay 30 năm. Nên mỗi ngày, Thực phải cố gắng làm việc chăm chỉ để thành công là cho bố mẹ tự hào, câu nói luôn thúc giục Thực mỗi ngày: "Tốc độ thành công của bạn nhất định phải vượt qua tốc độ già đi của bố mẹ".

Từ xa xưa, chữ hiếu đã được coi là nền tảng của đạo đức. "Nhân sinh bách hạnh hiếu vi tiên" nghĩa là trong trăm hạnh của con người, hạnh hiếu đứng đầu. Do vậy, dù khoa học có tiến bộ thế nào, con người có văn minh đến đâu, thì chữ hiếu của con cháu đối với cha mẹ, ông bà vẫn là một trong những thước đo phẩm chất đạo đức, giá trị của mỗi người.

*Vụ Gia đình, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm