Phòng, tránh xâm hại tình dục trẻ em trong gia đình: Trước hết nâng cao nhận thức cho cha mẹ

Lan Hương
07/12/2022 - 08:05
Phòng, tránh xâm hại tình dục trẻ em trong gia đình: Trước hết nâng cao nhận thức cho cha mẹ

Nâng cao nhận thức của cha mẹ để phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em trong gia đình hiệu quả. Ảnh minh hoạ

Ai cũng biết, chấm dứt bạo lực và xâm hại tình dục là trách nhiệm của mỗi người và mọi người, đòi hỏi sự chung tay góp sức của toàn xã hội; trong đó, đặc biệt phải kể đến yếu tố gia đình, tác động của cha mẹ trẻ. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức, thái độ và kĩ năng phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em cho cha mẹ, nâng cao hiệu quả giáo dục từ gia đình có ý nghĩa quan trọng, thiết thực.

Vai trò của cha mẹ trong việc phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em

Gia đình là môi trường sống đầu tiên, là nơi hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người cũng như là chốn bình yên nhất của mỗi người. Do đó, mỗi gia đình, thành viên gia đình, đặc biệt là những bậc cha mẹ trước hết phải hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của bản thân trong việc phòng, chống xâm hại cho con, cháu của mình.

Phòng, tránh xâm hại tình dục trẻ em trong gia đình: Trước hết nâng cao nhận thức cho cha mẹ - Ảnh 1.

Bố mẹ cần quan tâm, để ý tới con, nhận ra những thay đổi bất thường trong sinh hoạt thường ngày của con. Ảnh minh hoạ

Cha mẹ cũng là người gần con nhất để có thể nhận ra những thay đổi bất thường trong sinh hoạt thường ngày của con như: ăn uống, thái độ né tránh người khác; khóc, la hét, hoảng hốt bật dậy trong đêm, ai động vào thì vung chân, tay loạn xạ… Nhận biết những dấu hiệu sớm, cha mẹ sẽ chia sẻ, giúp trẻ vượt qua được những giai đoạn khó khăn, nhanh chóng hòa nhập lại với cuộc sống, phòng tránh những hậu quả nghiêm trọng và ảnh hưởng đến cuộc sống và tương lai say này của trẻ.

Trẻ nhỏ, đặc biệt ở lứa tuổi mầm non, tiểu học, vai trò của cha mẹ trong phòng tránh xâm hại tình dục cho con rất cao. Bởi lứa tuổi này phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ, các con còn non nớt, chưa có kinh nghiệm sống, dễ bị dụ dỗ.

Trách nhiệm của gia đình trong phòng, chống xâm hại tình dục là những việc mà gia đình (các thành viên trong gia đình, chủ yếu là cha mẹ) phải làm để cùng với trẻ xây dựng môi trường an toàn, thực hiện có hiệu quả các hành động nhằm phòng tránh xâm hại tình dục cho trẻ trong điều kiện nhất định.

Gia đình có vai trò và tác động vô cùng quan trọng, ảnh hưởng sớm nhất và nhiều nhất đến trẻ. Nếu cha mẹ không xác định được quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, giáo dục con thì cũng khó có thể giáo dục, bảo vệ con mình phòng tránh xâm hại một cách tốt nhất. Trách nhiệm với con cái không chỉ xuất phát từ tình yêu của cha mẹ mà còn được pháp luật quy định cụ thể.

Trong hệ thống văn bản pháp luật cũng đề cập và quy định rất rõ trách nhiệm của cha mẹ với con cái trong việc phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em như: Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em, Luật Trẻ em, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Dân sự… 

Nâng cao nhận thức cho cha mẹ để phòng, tránh xâm hại  tình dục trẻ em trong gia đình

Thực tế hiện nay, nhiều bậc cha mẹ chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của họ và gia đình trong bảo vệ, chăm sóc, phát triển toàn diện trẻ em.

Bản thân cha mẹ chưa dành nhiều thời gian chăm sóc, gần gũi con cái, hạn chế trong trao đổi với trẻ về các nguy cơ bị xâm hại, thiếu trách nhiệm với trẻ… do đó khi bị xâm hại tình dục đa phần các em đều có tâm lý sợ hãi, mặc cảm, tự ti, nên không dám chia sẻ, không dám tố giác kẻ phạm tội, trẻ rơi vào trạng thái hoảng sợ và cảm thấy không có lối thoát. Vì thế, sau khi bị xâm hại tình dục, không ít trẻ đã rơi vào trạng thái suy sụp tinh thần, thậm chí có suy nghĩ tìm đến cái chết, kết thúc cuộc đời.

Phòng, tránh xâm hại tình dục trẻ em trong gia đình: Trước hết nâng cao nhận thức cho cha mẹ - Ảnh 2.

Cha mẹ hãy luôn cập nhật kiến thức và hành động kịp thời để bảo vệ con.

Việc tìm hiểu nghiên cứu để tác động nâng cao nhận thức, thái độ và kĩ năng phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em cho cha mẹ, nâng cao hiệu quả giáo dục từ gia đình có ý nghĩa quan trọng, thiết thực.

Để có thể đồng hành, giáo dục và bảo vệ trẻ khỏi xâm hại tình dục, trước hết cha mẹ phải nắm vững quá trình phát triển tâm, sinh lí của con diễn ra như thế nào để hiểu con, phải có kiến thức và kĩ năng về phòng tránh xâm hại tình dục thì mới chỉ bảo, hướng dẫn con được. Tùy theo yêu cầu phát triển của trẻ và yêu cầu phát triển của xã hội, đồng thời phù hợp với nhu cầu và trình độ thực tế của cha mẹ mà có những cách thức cập nhật kiến thức khác nhau. Cha mẹ có thể học hỏi thông qua các nhóm cộng đồng, hệ thống phúc lợi xã hội, y tế địa phương, từ các hoạt động triển khai thông qua nhà trường, cộng đồng trực tuyến và thực tế.

Có nhiều cách khác nhau để tự bồi dưỡng, nâng cao hiểu biết, kĩ năng phòng, chống xâm hại tình dục cho trẻ như: cha mẹ tự nghiên cứu tài liệu, chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận với người thân quen, bạn bè; học hỏi thông qua các chương trình trên thông tin đại chúng, qua mạng Internet,video, đĩa CD do các cơ quan bồi dưỡng biên soạn; tham gia bồi dưỡng tập trung hoặc từ xa theo khóa dài ngày hay theo từng đợt ngắn ngày của các đơn vị bồi dưỡng có uy tín. Khi cha mẹ đã có những hiểu biết về đặc điểm phát triển của con theo các giai đoạn, quan tâm nhiều hơn vào những giai đoạn phát triển quan trọng có nhiều biến đổi, được cập nhật bổ sung kiến thức, kĩ năng có liên quan đến hoạt động phòng, chống xâm hại tình dục thì việc giúp trẻ được an toàn, giảm thiểu những nguy cơ và hậu quả của xâm hại tình dục trẻ em sẽ thuận lợi, đúng hướng và mang lại kết quả cao.

Điều 16 trong Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em nêu rõ: "Các bậc cha mẹ có nghĩa vụ bảo vệ con cái của mình tránh mọi nguy cơ bị xâm hại tình dục dưới mọi hình thức khác nhau (từ những lời nói bóng gió, những cái vuốt ve mơn trớn, tiếp xúc bằng tay đến những sự phô diễn xấu xa và hành vi cưỡng dâm). Không một ai, kể cả cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, anh em, họ hàng, thầy cô giáo, hàng xóm hay người xa lạ với gia đình có thể lạm dụng và xâm hại trẻ em về mặt tình dục. Xâm hại tình dục trẻ em là một tội ác. Nếu cha mẹ hay những người có trách nhiệm chăm sóc các em nhận thấy những điều đó mà không báo cho các nhà chức trách thì bị coi là kẻ đồng phạm".

Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 Khoản 3, Điều 72 cũng chỉ rõ, cha mẹ có thể tìm hiểu trách nhiệm của bản thân mình qua nhiều kênh, phương tiện, hình thức khác nhau, như: học tập, phương tiện truyền thông và Internet, bạn bè, các cơ quan chức năng có liên quan đến trẻ em… Như vậy, bằng tình yêu, sự hiểu biết và điều kiện của bản thân, cha mẹ hoàn toàn có thể xác định được vai trò khó có thể thay thế, trách nhiệm to lớn của bản thân trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nói chung và phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em nói riêng.

* Vụ Gia đình, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm