Quảng Nam: Tập trung xây dựng 4 mô hình điểm của Dự án 8

N.M
25/11/2022 - 21:03
Quảng Nam: Tập trung xây dựng 4 mô hình điểm của Dự án 8

Huyện Phú Ninh khuyến khích người dân phát triển các sản phẩm OCOP và khởi nghiệp

So với sự phát triển chung của tỉnh và từng địa phương, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Nam hiện vẫn còn nhiều khó khăn; kinh tế - xã hội phát triển chậm. Hội LHPN tỉnh Quảng Nam luôn cố gắng đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ miền núi phát triển kinh tế, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, đào tạo nghề…

Tỉnh Quảng Nam có 18 huyện, thị xã, thành phố; trong đó có 6 huyện miền núi cao, 3 huyện miền núi trung du, 3 huyện đồng bằng có xã/thôn có đồng bào dân tộc thiểu số (Đại Lộc, Phú Ninh, Núi Thành). Điều kiện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS & MN) của tỉnh còn nhiều khó khăn, tỷ hộ nghèo cao.

Theo Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Nam Trần Thị Mỹ Phương, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026, Hội LHPN tỉnh đã ban hành văn bản triển khai khâu đột phá "Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững", Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", xây dựng nông thôn mới... Trên cơ sở đó, các cấp Hội tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp thông tin về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ thoát nghèo cho hội viên, phụ nữ...

Thông qua Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", Hội đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế như trồng cây đẳng sâm, nuôi heo đen bản địa, nuôi ngan..., hỗ trợ trao phương tiện sinh kế (heo giống, bò giống) cho phụ nữ. Tổ chức tuyền thông, tọa đàm về nông thôn mới, bảo vệ môi trường, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm…

Quảng Nam: Tập trung xây dựng 04 mô hình điểm của Dự án 8 - Ảnh 2.

Người dân Quế Minh (huyện Quế Sơn) tham gia trưng bày, giới thiệu các loại sản phẩm tại hội chợ

Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Nam cho biết, đến nay đã triển khai thực hiện 29 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất của phụ nữ miền núi với 669 thành viên tham gia. Trong đó có nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Nuôi bò, trâu, dê sinh sản, nuôi vịt lấy trứng, gà đồi, trồng cam bản địa, mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản vùng cao (sâm dây, khổ qua rừng, chè dây, hồ tiêu, quế...).

Đồng thời, Hội đã đồng hành phụ nữ dân tộc thiểu số hỗ trợ hoàn thiện ý tưởng khởi nghiệp, tổ chức các hoạt động trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương do phụ nữ sản xuất… Qua 5 năm lần Hội LHPN tỉnh Quảng Nam phát động Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo, có 11 dự án miền núi được UBND tỉnh công nhận "Dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp tỉnh". Từ kết quả đạt được của hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, 5 năm qua, Hội đã giúp 1.618 hộ phụ nữ khu vực miền núi thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo miền núi trên địa bàn tỉnh từ 34,89% (năm 2016) xuống còn 23,28% (năm 2021).

Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Mỹ Phương, nội dung hỗ trợ, giúp đỡ để người dân thoát nghèo chưa đa dạng, chưa chú trọng các giải pháp để đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế và xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật - công nghệ có tính lâu dài, bền vững. Việc phối hợp giữa các đơn vị liên quan còn bất cập, chồng chéo, nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp, chưa tạo được ý thức chủ động của các cấp và người dân. Việc xây dựng kế hoạch, thực hiện chương trình hỗ trợ phụ nữ nghèo phát triển sản xuất tại một số địa bàn chưa được quan tâm đúng mức. Việc kiểm tra giám sát chưa được thường xuyên, thiếu chặt chẽ. Một bộ phận phụ nữ và nhân dân chưa chủ động khơi dậy, chưa phát huy tốt các nguồn lực của cá nhân và hộ gia đình trong công tác giảm nghèo.

Bàn về giải pháp thúc đẩy các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ miền núi, bà Trần Thị Mỹ Phương cho biết, Hội sẽ vận động nhân dân và phụ nữ thâm canh, xen canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp yêu cầu thị trường; kiểm soát tốt dịch bệnh ở người và đàn gia súc, gia cầm. Chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động thích ứng với tình hình dịch bệnh và biến đổi khí hậu. Vận động  phát huy lợi thế về tự nhiên, các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, phát triển ngành nghề, địa thế về du lịch vùng đồng bào dân tộc, phát huy vai trò của người uy tín trong cộng đồng ở các thôn, bản.

Bên cạnh đó, lựa chọn các mô hình sản xuất đảm bảo phù hợp điều kiện, lợi thế của từng vùng, tập quán từng địa phương để giúp khai thác được tiềm năng tự nhiên và lao động; chú trọng đầu tư mô hình sản xuất hàng hoá gắn với chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và mô hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Hình thành các nhóm, tổ hợp tác sản xuất dựa trên lợi thế của từng địa phương, để cùng nhau hỗ trợ và liên kết phát triển, thay đổi tập quán sản xuất nhỏ, manh mún. Tập trung xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả.

Đặc biệt, Hội tập trung xây dựng 4 mô hình điểm của Dự án 8 theo chỉ đạo của Trung ương, đó là: Phát triển và nhân rộng mô hình tiết kiệm và tín dụng tự quản để tăng cường tiếp cận tín dụng, cải thiện cơ hội sinh kế, tạo thu nhập và lồng ghép giới; Hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số trong sản xuất và kết nối thị trường; Củng cố, nâng cao chất lượng Địa chỉ tin cậy cộng đồng hỗ trợ bảo vệ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bạo lực gia đình; Thí điểm và nhân rộng mô hình hỗ trợ phát triển sinh kế, hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân mua bán người.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm