pnvnonline@phunuvietnam.vn
Quảng Ninh: Làm kinh tế gắn với lợi thế của địa phương
Hội viên Hội LHPN huyện Bình Liêu thoát nghèo nhờ mô hình nuôi dê sinh sản
Thực hiện hiệu quả phong trào "Phụ nữ làm kinh tế giỏi" và "giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ", Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh đã dành sự quan tâm, tập trung nguồn lực hỗ trợ phụ nữ nghèo phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, góp phần không nhỏ trong công cuộc về đích nông thôn mới tại nhiều huyện/thị.
Trong năm 2022, tiếp nối những kết quả đã đạt được từ "Câu lạc bộ phụ nữ làm kinh tế giỏi", Hội LHPN tỉnh đã triển khai cho Hội LHPN các cấp hướng dẫn gia đình hội viên phụ nữ đăng ký thực hiện mô hình kinh tế gắn với đặc trưng lợi thế của địa phương, đặc biệt ở các vùng tập trung đông đồng bào dân tộc, khu vực miền núi, biên giới hải đảo, Hội thực hiện hoạt động hỗ trợ hội viên phụ nữ và gia đình thực hiện các mô hình kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong xây dựng nông thôn mới, thực hiện kết nối đầu ra cho các mô hình kinh tế.
Từ đây, nhiều mô hình kinh tế, dịch vụ của phụ nữ Quảng Ninh đã được nhân rộng và phát triển. Có thể kể đến như: Mô trồng nấm rơm, ổi tại Hoành Bồ - TP Hạ Long; trồng chè hoa vàng, nuôi bò tại Ba Chẽ; mô hình nuôi dê sinh sản Bình Liêu, mô hình dịch vụ du lịch tại Hạ Long, Cô Tô, Vân Đồn… Nhiều sản phẩm mới như lợn nái, khoai lang Nhật, mía tím, gấc, gà thương phẩm, rau sạch, phát triển giống lúa chất lượng cao thay thế giống lúa chất lượng thấp, cây kim ngân, khoai sọ một củ, lạc đỏ bước đầu được nuôi trồng thử nghiệm và gây dựng mô hình, thu về những kết quả rất khả quan.
Trước đây, cuộc sống của chị Tằng Sám Múi (xã Đồng văn, huyện Bình Liêu) chỉ trông vào ít lúa trồng trên ruộng bậc thang gần nhà. Gia đình không ai có công việc ổn định, chủ yếu đi làm thuê thời vụ nên hoàn cảnh khá khó khăn. Từ ngày được Hội LHPN huyện Bình Liêu hỗ trợ 1 cặp dê, đến nay chúng sinh sản được tổng cộng 8 con, gia đình chị có nguồn thu nhập ổn định hơn, cuộc sống cũng bớt đi phần nào nhọc nhằn.
Tương tự, cuộc sống của gia đình chị Sằn Ngọc Lan (huyện Đầm Hà) từng gặp nhiều khó khăn do không có việc làm ổn định. Nhờ sự hỗ trợ, quan tâm của Hội LHPN xã, gia đình chị được tiếp cận nguồn vay vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội, chị đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi 2 - 3 lứa gà/năm, mỗi lứa 2.000 - 3.000 con. Chị Lan vui mừng chia sẻ: “Nhờ Hội phụ nữ giúp đỡ về vốn, tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn, gia đình tôi có cơ hội thoát nghèo. Vợ chồng tôi luôn động viên nhau quyết tâm thực hiện tốt mô hình sinh kế, nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu”.
Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh còn phối hợp với BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức chuỗi các hoạt động thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tại 2 xã biên giới Quảng Đức và Quảng Sơn (huyện Hải Hà). Tại đây, gia đình chị Phùn Tài Múi (bản Tài Chi) và chị Tằng Nhì Mùi (bản Cấu Phùng) là 2 hội viên phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình thuộc diện hộ nghèo của xã Quảng Sơn, được CLB Doanh nhân nữ của tỉnh hỗ trợ xây dựng ngôi nhà an toàn, mỗi hộ 35 triệu đồng. Nhiều hội viên khác cũng được tặng lợn giống và cây trồng, học hỏi thêm từ các chị em để bước đầu xây dựng mô hình sinh kế.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh cho biết, tiếp tục chặng đường của chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, Hội tập trung gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, hải đảo, góp phần giảm dần khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền trên địa bàn tỉnh.
Theo lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh, bên cạnh các hoạt động hỗ trợ, chăm sóc hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số, Hội còn tổ chức 2 lớp tập huấn kiến thức và kỹ năng truyền thông cho 50 cán bộ Hội, các ngành liên quan thuộc 2 huyện và 2 xã dự án về quyền chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục; tổ chức 4 lớp tập huấn kiến thức về giới tính; quyền sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho 140 phụ nữ và nam giới, trẻ vị thành niên dân tộc thiểu số tại 2 xã dự án nhằm nâng cao nhận thức, tạo những điểm mới trong công tác chăm lo đời sống cho hội viên phụ nữ, đặc biệt là chị em phụ nữ nghèo dân tộc thiểu số.