pnvnonline@phunuvietnam.vn
Quảng Trị: Tạo nhiều cơ hội cho phụ nữ vươn lên, xóa đói, giảm nghèo
Hỗ trợ con giống cho hội viên phụ nữ phát triển kinh tế
Để đồng hành cùng hội viên, tạo điều kiện để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, Hội LHPN huyện Triệu Phong đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề cho phụ nữ gắn kết chặt chẽ với việc giới thiệu, tạo việc làm cho lao động nữ.
Đến nay, Hội LHPN huyện phối hợp với các cơ quan chức năng khai giảng 30 lớp dạy nghề về " Kỹ thuật trồng rau an toàn", “May công nghiệp”, "Nuôi giun quế kết hợp Gà thả vườn”, "Kỹ thuật chăn nuôi lợn”... tại 18 xã, thị trấn cho 785 lao động nữ/1.103 lao động được đào tạo, sau đào tạo có 654 lao động nữ có việc làm.
Hội đã hỗ trợ 1.000.000 đồng/1 mô hình cho hội viên phụ nữ 2 thôn Hà My và thôn An Lộng xã Triệu Hòa cải tạo vườn tạp, đưa các loại cây như: ổi, hoa cúc... vào trồng nhằm nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.
Bên cạnh đó, Hội phối hợp với Trung tâm khuyến nông tỉnh mở 2 lớp tập huấn về kỹ thuật ủ phân vi sinh cho 125 hội viên phụ nữ xã Triệu Long; Phối hợp tổ chức “Hội chợ xuân” trưng bày sản phẩm nông sản quê hương tại xã Triệu Long. Chỉ đạo Hội LHPN xã Triệu Trung, Triệu Độ, Triệu Tài, Triệu Giang, Triệu Trạch, Thị Trấn, Triệu Hòa... tổ chức trưng bày sản phẩm nông sản quê hương, tổ chức mỗi tháng 1 lần, “Gian hàng 0 đồng” thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ và nhân dân đến xem, mua sắm, số lãi thu được để hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Các hoạt động này đã góp phần làm cầu nối, tạo sự liên kết giữa các mô hình sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn huyện.
Đối với hội viên phụ nữ khởi nghiệp, Hội LHPN huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đã khảo sát, tập huấn và đề xuất hỗ trợ khuyến công cho 12 mô hình phụ nữ khởi nghiệp kinh doanh như: Mô hình sản xuất bột ngũ cốc của chị Lê Thị Phượng ở thôn Đồng Văn, xã Triệu Sơn, mô hình bánh ít lá gai của chị Nguyễn Thị Sáu xã Triệu Đại; Mô hình Bánh nổ Sương Mai xã Triệu Trạch; Gạo Huyết rồng Triệu Phước; Mô hình sản xuất bánh mỳ Quang Vũ của chị Dương Thị Liên, TK2, Thị trấn Ái Tử; Mô hình may gia công của chị Lê Thị Sự ở thôn An Tiêm, xã Triệu Thành; Nuôi gà sạch ở xã Triệu Thượng...và đã giới thiệu 5 sáng kiến kinh doanh tham gia tại tỉnh.
Riêng đối với hội viên có hoàn cảnh khó khăn, hàng năm Hội LHPN huyện chỉ đạo các cơ sở Hội rà soát hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ để xây dựng kế hoạch giúp đỡ bằng việc làm cụ thể, thiết thực, phù hợp với hoàn cảnh của từng hộ. Hiện nay, Hội phân công giúp đỡ và đỡ đầu có địa chỉ 225 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ, trong đó giao chỉ tiêu cho các cơ sở Hội đỡ đầu thoát nghèo 90 hộ với các hình thức như nhận uỷ thác vay vốn, tập huấn kiến thức, hỗ trợ con giống, ngày công.
Bên cạnh đó, các cấp Hội tiếp tục duy trì có hiệu quả hoạt động nhận ủy thác với Ngân hàng CSXH cho hội viên nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho gia đình. Đến nay tổng dư nợ tại NHCSXH huyện là 162,3 tỷ đồng. Đồng thời tiếp tục phối hợp với NHNN&PTNT thực hiện thỏa thuận về "Tổ chức thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn" đến nay có 10 tổ, tổng dư nợ 10,2 tỷ đồng với 243 thành viên vay vốn. Duy trì và phát triển hoạt động tiết kiệm tín dụng tại 92/92 chi hội với 819 nhóm phụ nữ tiết kiệm tín dụng với nhiều loại hình tiết kiệm thu hút 17.455 hội viên tham gia đạt 93,5%, với số tiền huy động được hơn 30,2 tỷ đồng. Từ đó, giúp chị em có vốn và kiến thức để khởi sự kinh doanh.
Cùng với đó, Hội LHPN huyện Triệu Phong đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động phụ nữ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình, xoá đói, giảm nghèo, đẩy mạnh phong trào "phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, tích cực tham gia thực hiện các đề án phát triển kinh tế của địa phương. Phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình được các cấp Hội tích cực triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức.
Hội tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, góp vốn xoay vòng tạo nguồn vốn tại chỗ để hỗ trợ hội viên, phụ nữ nghèo hoàn cảnh khó khăn vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi như: Thành lập 10 tổ hợp tác trong đó 2 tổ “Trồng rau sạch” ở Triệu Tài, Triệu Phước; 08 tổ hợp tác “Chăn nuôi gà thả vườn” tại thôn 9 xã Triệu Vân, Triệu Độ, Triệu Ái, Triệu Tài, Triệu Đại có 153 thành viên; Tiếp tục thực hiện mô hình ngân hàng con giống; Duy trì hoạt động của 9 CLB doanh nghiệp nữ với 268 thành viên; Đầu tư xây dựng mới 46 mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi, nâng số mô hình lên 640, điển hình là các mô hình của chị Lê Thị Phượng xã Triệu Sơn, Trần Tôn Nữ Kiều Anh xã Triệu Trung… với thu nhập bình quân của các mô hình 130 triệu đồng/năm.
Các phong trào thi đua đã trở thành động lực thúc đẩy, động viên, khích lệ cán bộ, hội viên, phụ nữ hăng hái lao động, phát triển kinh tế, giảm nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.