pnvnonline@phunuvietnam.vn
Quy định ô tô con phải có hướng dẫn để lắp ghế ngồi, lắp dây đai an toàn cho trẻ em
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể thừa ủy quyền Chính phủ trình bày dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) với nhiều điểm bổ sung. Ảnh: Quochoi.vn
Nhiều nội dung mới, cụ thể được bổ sung
Theo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, Luật Giao thông đường bộ 2008 qua hơn 10 năm thực hiện đã phát sinh một số tồn tại, cần được xem xét để xây dựng luật thay thế. Do vậy, luật sửa đổi có sự thay đổi về phạm vi điều chỉnh.
Theo đó, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) không quy định về quy tắc giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, đăng ký phương tiện giao thông đường bộ, đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
Phạm vi điều chỉnh hiện nay của Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) chỉ bao gồm các nội dung: Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hệ thống báo hiệu đường bộ, tổ chức giao thông; quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông đường bộ, vận tải đường bộ, quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.
"Quy định về đăng ký, cấp thu hồi biển số phương tiện giao thông đường bộ; quản lý đào tạo, sát hạch lái xe; cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ không còn được quy định trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi)", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay.
Được biết, nội dung quan trọng này sẽ được thể hiện trong Luật Bảo đảm trật tư, an toàn giao thông đường bộ, cụ thể quy định rõ tại Chương III - Phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông: quy định về đăng ký, cấp, thu hồi biển số xe, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, bảo đảm công khai, minh bạch, cải cách thủ tục hành chính.
Trong nội dung quy định về phương tiện tham gia giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) có điểm mới là bổ sung quy định ô tô con phải có hướng dẫn để lắp ghế ngồi, lắp dây đai an toàn dành cho trẻ em trong tài liệu sử dụng.
"Đây là quy định mới thể hiện tính nhân văn của luật sửa đổi trong việc bảo vệ người yếu thế (trẻ em) tham gia giao thông", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Luật lần này bổ sung quy định phương tiện giao thông công nghệ mới, đa tính năng, phải được kiểm tra, thử nghiệm, chứng nhận an toàn kỹ thuật chung và khí thải. Việc này nhằm kiểm soát được các yêu cầu về chất lượng an toàn kỹ thuật cũng như các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Một điểm mới nữa được bổ sung tại dự luật là xây dựng điểm dừng đỗ xe đưa đón học sinh tại nơi có trường học nhằm khắc phục ùn tắc giao thông và nguy cơ mất an toàn giao thông tại cổng trường học.
Đặc biệt, luật sửa đổi bổ sung quy định xe cơ giới phải đáp ứng mức khí thải theo quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; quy định về mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về phát thải khí thải theo quy định về lộ trình của Chính phủ.
"Đây là những chính sách cụ thể hơn so với Luật Giao thông đường bộ 2008 nhằm bảo vệ quyền được sống trong môi trường ít phát thải ô nhiễm, giảm thiểu các tác động về môi trường của phương tiện tham gia giao thông", Tư lệnh ngành giao thông vận tải nhấn mạnh.
Tách thành 2 luật riêng
Thẩm tra dự án luật này, Ủy ban Quốc phòng An ninh tán thành với quan điểm của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
Ủy ban Quốc phòng An ninh cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ 2008 theo hướng tách thành hai luật riêng biệt: Luật Giao thông đường bộ do Bộ GTVT chủ trì soạn thảo, và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt cho biết: có ý kiến đề nghị không tách nội dung bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ ra khỏi dự án Luật này để bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, thống nhất. Đồng thời, không chuyển thẩm quyền quản lý hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an.
Trước đó, theo dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất đảm nhiệm việc quản lý, sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe, thay thế cho Bộ GTVT. Đề xuất này căn cứ trên thực tiễn công tác quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe bộc lộ nhiều bất cập, trong khi đó trung bình mỗi năm có gần 10.000 người chết do tai nạn giao thông, hàng trăm nghìn người thương tật suốt đời nhưng không phân định rõ đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm.
Nếu Bộ Công an tiếp quản sát hạch, đào tạo giấy phép lái xe đồng nghĩa với việc cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm chính khi xảy ra tai nạn giao thông.
Qua 4 lần sửa đổi, tiếp thu, trong bản dự thảo mới nhất trình Quốc hội chiều 24/10 của Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đưa ra các giải pháp cụ thể hơn như nhấn mạnh đến kỹ năng lái xe trên đường giao thông công cộng và coi đây là căn cứ quan trọng nhất, chiếm thang điểm cao nhất để đánh giá kết quả sát hạch lái xe.
Chương trình đạo tạo cũng sẽ bắt buộc học viên phải học kiến thức về sơ cứu ban đầu tai nạn giao thông, kiến thức và kỹ năng phòng ngừa tai nạn; người dân sẽ không phải tự bảo quản, lưu trữ hồ sơ gốc như hiện nay...