Quyền được an toàn của phụ nữ Nam Úc

10/08/2016 - 09:20
Thực tế cho thấy, nếu không có các hành động nhằm giải quyết vấn đề bạo lực gia đình, bạo lực với phụ nữ thì đến năm 2021-2022, Australia sẽ phải tiêu tốn khoảng 15,6 triệu đô la.
Năm 2011, chính quyền Nam Úc đã xây dựng và ban hành Chiến lược vì sự An toàn của Phụ nữ giai đoạn 2011-2022  lấy tên là “Quyền được An toàn” (A Right to Safety) với mục tiêu đến năm 2022, bạo lực đối với phụ nữ giảm đáng kể và bền vững.

Đây là giai đoạn tiếp theo của Chiến lược vì sự An toàn của Phụ nữ đã được xây dựng và thực hiện từ năm 2005. Đặc biệt, Chiến lược thể hiện cam kết không có các hành vi gây bạo lực, bao che hay im lặng trước các hành động gây bạo lực.
2.jpg
 Chiến lược vì sự An toàn của Phụ nữ giai đoạn 2011-2022 của bang Nam Úc.
Bạo lực đối với phụ nữ là hậu quả của bất bình đẳng còn tồn tại giữa nam và nữ, và đó cũng chính là rào cản đối với việc đạt được sự bình đẳng.

Vì vậy, công cụ sẵn có để tác động tới sự bình đẳng chính là giải quyết bạo lực đối với phụ nữ. Một trong những mục tiêu của Chiến lược “Quyền được An toàn” là tiếp tục các hoạt động nhằm giảm tình trạng bạo lực đối với phụ nữ, đặc biệt tập trung các nỗ lực phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ; hỗ trợ để nam giới và nam thanh niên phát huy vai trò hơn nữa trong phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ. Bởi phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ đòi hỏi sự thay đổi về văn hóa, xã hội và các chuẩn mực xã hội và cần có sự tham gia của tất cả mọi người, do vậy, thu hút và làm việc với nam giới là một phần rất quan trọng trong công việc này. “Quyền được An toàn” tập trung vào các định hướng chính là: Phòng ngừa, cung cấp dịch vụ, bảo vệ và thực thi.
 
Trên cơ sở Chiến lược của bang Nam Úc, các cơ quan như Văn phòng Phụ nữ, Cảnh sát Nam Úc đã xây dựng các chương trình, hoạt động phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và hỗ trợ nạn nhân.

Khung An toàn cho Gia đình của Văn phòng phụ nữ

Thực tế cho thấy, thiếu chia sẻ thông tin giữa các cơ quan là một yếu tố quan trọng làm giảm hiệu quả ngăn chặn các vụ giết người hoặc tự tử trong gia đình do bạo lực. Vì vậy, Khung An toàn cho Gia đình được Văn phòng phụ nữ phối hợp với các cơ quan quan trọng của chính quyền bang xây dựng với mục đích cải thiện tình trạng này.

Khung an toàn hướng dẫn từng địa bàn, tổ chức về các chiến lược tăng cường sự an toàn của phụ nữ, trẻ em, thanh thiếu niên thông qua cung cấp các dịch vụ tích hợp cho các gia đình có bạo lực gia đình, những người có nguy cơ cao. Các yếu tố quan trọng của Khung An toàn là: Đánh giá rủi ro; Quy trình chia sẻ thông tin; Hội nghị định kỳ về An toàn gia đình; Giám sát và đánh giá thường xuyên.
 
Bên cạnh đó, Cẩm nang về Khung an toàn gia đình cũng đã được Văn phòng Phụ nữ xây dựng nhằm cung cấp cho cán bộ của các cơ quan tham gia các thông tin đầy đủ về vai trò và trách nhiệm của họ đối với mỗi hợp phần chính của Khung an toàn.

Chiến lược phòng chống bạo lực gia đình của ngành cảnh sát

Tại Nam Úc, cảnh sát đóng vai trò rất quan trọng và tích cực, chủ động và phối hợp cùng các cơ quan, tổ chức trong việc xử lý và phòng chống bạo lực gia đình, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực.

Theo luật định, cùng với Tòa án, cảnh sát được phép ban hành Lệnh Can thiệp khi có thông tin về hành vi bạo lực hoặc nguy cơ xảy ra bạo lực nhằm đảm bảo an toàn cho người bị bạo lực hoặc có thể bị bạo lực. Hành vi không chấp hành Lệnh Can thiệp bị coi là tội phạm hình sự.
23.jpg
 Cảnh sát ở Nam Úc đóng vai trò quan trọng trong việc phòng chống bạo lực gia đình. 
Đặc biệt cảnh sát ở Nam Úc đã xây dựng Chiến lược phòng chống bạo lực gia đình của ngành cảnh sát (Police Domestic Violence Strategy – PDVS) nhằm giải quyết hiệu quả bạo lực gia đình thông qua việc xây dựng quan hệ phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan và với cộng đồng.

Chiến lược này tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên gồm: Can thiệp và phòng ngừa sớm; phân tích thông tin tình báo; điều tra và can thiệp; xây dựng lực lượng và nghiên cứu, đánh giá. Chiến lược nhấn mạnh tầm quan trọng của can thiệp để đảm bảo sự an toàn của nạn nhân và những phản ứng hiệu quả nhằm ngăn chặn những nguy cơ về sau. Cách tiếp cận chiến lược tổng thể trong hoạt động của cảnh sát là tạo sự cân bằng giữa giáo dục, chế tài và hỗ trợ nạn nhân. Đồng thời, cảnh sát ở Nam Úc đã thành lập và đào tạo, bồi dưỡng lực lượng chuyên trách về phòng chống bạo lực gia đình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm