Sàng lọc Covid-19 toàn dân: Ý tưởng hay nhưng khó thực hiện

Linh Trần
06/07/2021 - 19:50
Sàng lọc Covid-19 toàn dân: Ý tưởng hay nhưng khó thực hiện

Người dân TP.Hồ Chí Minh lấy mẫu xét nghiệm Covid-19

"Việc xét nghiệm sàng lọc vài triệu người để tìm các ca F0 hiện nay Việt Nam đang thực hiện là một ý tưởng hay nhưng rất khó thực hiện, lại gây tốn kém nguồn lực xã hội", TS. Nguyễn Hồng Vũ nói.

 Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đang triển khai xét nghiệm Covid-19 diện rộng để xác định người nhiễm Covid-19. Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh (HCDC) cho thấy, từ ngày 25/6 đến ngày 4/7/2021, cơ quan y tế TP. đã lấy 1.630.422 mẫu xét nghiệm (tại các khu cách ly, khu phong tỏa, các tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao). Trong đó, F1 (28.301 mẫu), trường hợp F2 (219.014 mẫu), tiếp xúc khác và mở rộng xét nghiệm là 1.383.107 mẫu.

TS. Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư (City of Hope, California, USA) cho biết, vài tuần trước, cảnh hàng ngàn bà con tụ tập ở nhà thi đấu Phú Thọ để chích ngừa vaccine đã khiến ông rất lo lắng. Tuy nhiên, những ngày gần đây, đáng sợ hơn là hình ảnh bà con TP.Hồ Chí Minh chen chúc nhau để đi kiểm tra sàng lọc Covid-19 theo chiến lược "xét nghiệm toàn thành phố tìm F0"; hoặc các tiểu thương bán hàng ở chợ, những bác tài lái xe liên tỉnh phải chạy đôn chạy đáo đổ xô đi xét nghiệm Covid-19 để lấy giấy "thông hành". "Tôi cho rằng, những việc này ở Việt Nam là "lợi bất cập hại", TS. Vũ nói.

Theo TS. Vũ, việc xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng (vài triệu người) để tìm ra được người nhiễm virus trong cộng đồng để cách ly/điều trị và giảm lây truyền virus cho người khác là một "ý tưởng" hay nhưng "rất khó" thực hiện. Cho đến nay, có 2 nơi đã thực hiện việc này đó là Slovakia và Liverpool vào khoảng tháng 11 năm ngoái nhưng cho thấy không hiệu quả như mong đợi; các ca nhiễm vẫn tiếp tục tăng và nhiều nhà khoa học đã chỉ trích việc làm "tốn của mà vô ích" như thế này.

Những "cái khó" để ý tưởng này thành sự thật đó là kết quả xét nghiệm chỉ cho thấy kết quả của một thời điểm và người được xét nghiệm có thể nhiễm sau đó. Sự tương tác liên tục giữa vài triệu con người trong một cộng đồng là điều không thể tránh khỏi trong quá trình kiểm tra. Để có một bức tranh thật giống với thực tế trong một thời điểm nào đó, chúng ta phải test cho khoảng hàng triệu người trong thời gian rất ngắn. Điều này quá khó vì bị giới hạn về lượng nhân viên y tế, hóa chất, thiết bị. Hơn nữa, khi làm với số lượng mẫu càng lớn thì sai số càng cao, do nhân viên phải thực hiện quá nhiều mẫu, áp lực về thời gian và thậm chí phải sử dụng những nhân viên không lành nghề; nhân viên y tế cũng phải lập ra những nơi lấy mẫu đủ tiêu chuẩn về vệ sinh, không gian đủ rộng, thông thoáng và thiết lập hệ thống đặt hẹn cho từng người để đảm bảo số lượng người đến những trung tâm này không quá tải, đảm bảo giữ khoảng cách, giảm thiểu "lây nhiễm chéo" giữa những người đến test.

Đặc biệt, hiện nay không có test nào hiện nay có thể đảm bảo chính xác 100%. Trong khi đó, các test nhanh (biết kết quả trong vòng 30 phút) có độ nhạy và độ đặc hiệu kém hơn các test RT-PCR. Dữ liệu thực tế từ thí điểm Liverpool cho thấy, bộ dụng cụ kiểm tra nhanh được sử dụng rộng rãi nhất ở các trường đại học, trường học và nhà chăm sóc ở Vương quốc Anh chỉ phát hiện 48,89% trường hợp nhiễm Covid-19 ở những người không có triệu chứng khi so sánh với xét nghiệm bằng RT-PCR. "Kết hợp với các sai số do con người kể trên thì sẽ có một số lượng không nhỏ người nhận kết quả âm tính giả hoặc dương tính giả. Người nhận kết quả âm tính giả có thể chủ quan mà đi lây nhiễm cho nhiều người khác, trong khi đó người có kết quả dương tính giả thì phải tốn thời gian cách ly không cần thiết, TS. Vũ nói.

Theo TS. Vũ, tại Việt Nam việc "sàng lọc Covid-19 trên toàn dân" trong thời gian này thực sự "vượt quá sức" của hệ thống y tế hiện nay. Nếu chúng ta vẫn tiến hành theo "chỉ tiêu" này thì chỉ "lợi bất cập hại". Bởi lẽ, việc không đủ nhân viên lấy mẫu chuyên nghiệp và phải huy động thêm nhân viên "không chuyên nghiệp" đã tạo những sai số đáng kể. Trong khi đó, việc mọi người chen chúc nhau để làm cái test thì có thể biến nhiều "lợn lành thành lợn què" do lây nhiễm chéo. "Nếu tính số lượng vài triệu người ở thành phố và giá thành các kit test thì sẽ thấy một con số khủng khiếp phải tiêu tốn, chưa kể đến tiền công nhân viên và các hoạt động hỗ trợ khác", TS. Vũ nhận định.

Cũng theo TS. Vũ, việc thực hiện 5K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế) ở Việt Nam nếu thực hiện một cách nghiêm túc đã đủ để giảm thiểu việc lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Còn việc xét nghiệm chỉ nên dùng để thực hiện trên những người có biểu hiện bệnh và nghi ngờ mắc Covid-19; Những người tiếp xúc trực tiếp với F0 (nói chuyện ở khoảng cách gần và không khẩu trang); Những nhân viên y tế tiếp xúc thường xuyên với các bệnh nhân có những bệnh nền, những người có nguy cơ cao bị bệnh nặng/tử vong khi bị Covid-19.

Giới hạn lại số người cần test như trên thì hệ thống y tế sẽ không bị quá tải, sẽ giúp người dân dễ thở hơn và dễ hợp tác hơn. Ngoài ra, việc này giúp tránh các tệ nạn nảy sinh như chạy chọt dịch vụ, giấy tờ giả. Đó là  chưa kể số tiền khủng từ các kế hoạch mua kit test để "xét nghiệm toàn dân" sẽ được dùng tốt hơn nếu sử dụng vào mục đích hỗ trợ người dân bị thất nghiệp do dịch bệnh

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm