pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sáng mãi tấm gương của các nữ tù binh trại giam Phú Tài
Ông Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, trao phó bản danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho các cựu nữ tù bình trại giam Phú Tài
Dịp này, 90 cá nhân được nhận phó bản danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể nữ tù binh trại giam Phú Tài.
Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân được Chủ tịch nước tặng thưởng cho tập thể nữ tù binh trại giam Phú Tài về thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trước đó, vào ngày 18/5/2022, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể nữ tù binh trại giam Phú Tài.
Trại giam Phú Tài (xã Phước Long, huyện Tuy Phước, nay là phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) bắt đầu hoạt động từ tháng 6/1967. Qua 5 năm tồn tại, trại giam Phú Tài đã giam giữ gần 1.000 nữ chiến sĩ cách mạng, đa số là thanh niên; bị địch bắt trong các cuộc hành quân, càn quét trên khắp các chiến trường từ vĩ tuyến 17 trở vào. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết ngày 27/1/1973, vào ngày 15/2/1973, 904 nữ tù binh trại giam Phú Tài được trao trả tại Lộc Ninh (Bình Phước).
Bà Trần Thị Hồng Thắm, Phó Ban liên lạc cựu nữ tù binh trại giam Phú Tài, xúc động nhớ lại, ở trong trại giam Phú Tài, các nữ tù binh phải chịu đựng một chế độ giam giữ khắc nghiệt. Mỗi phòng có diện tích khoảng 120m2 nhưng giam giữ 70-80 người, có khi lên đến 100-150 người. Phòng giam như hộp sắt, ban ngày nóng bức, ban đêm lạnh buốt.
"Ở đây là nơi giam giữ nhưng địch dùng mọi hình thức tra tấn cả thể xác lẫn tinh thần chị em như bỏ đói tù bình hơn 10 ngày liền, tra tấn tù binh giữa sân nắng và nhiều hình thức man rợ khác. Đã có 8 nữ chiến sĩ đã hy sinh trong nhà giam, khoảng 600 nữ chiến sĩ bị thương tật vĩnh viễn", bà Thắm chia sẻ.
Bất chấp sự tàn bạo của kẻ thù, các nữ tù binh trại giam Phú Tài đã đoàn kết bảo vệ khí tiết cách mạng , bảo vệ quyền sống, biến trại giam thành trường học, thành trận địa đấu tranh mới thể hiện tinh thần bất khuất và kiên trung với đất nước.
Khi được trao trả, các nữ tù binh được tặng thưởng nhiều danh hiệu. Có 8 nữ chiến sĩ cách mạng được nhận danh hiệu liệt sĩ; 908 người là thương binh, được trao kỷ niệm chương cách mạng bị địch bắt tù đày. Tại TPHCM, có 90 nữ tù binh trại giam Phú Tài nhưng trải qua năm tháng tù đày khắc nghiệt, đã có 20 người ra đi mãi mãi.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng - Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, nhấn mạnh, sự kiện về những cuộc đấu tranh trong trại giam nữ tù binh Phú Tài mãi mãi là nét son trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng. Trại giam Phú Tài là địa chỉ đỏ cách mạng, là biểu tượng sâu sắc cho ý chí và tinh thần cách mạng trong quá khứ cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước hôm nay.
Hình ảnh kiên trung, bất khuất, không khuất phục trước đòn roi, nhục hình tra tấn hiểm độc của quân thù, các nữ chiến sĩ cách mạng - nữ tù binh Phú Tài là hình ảnh sinh động để giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho các thế hệ sau.