Khởi nghiệp bằng game mobile

10/09/2015 - 11:47
Trước “cơn sốt” Flappy Bird khá lâu, nhiều người trẻ đã lựa chọn game mobile làm con đường khởi nghiệp cho mình.
“Mảnh đất màu mỡ”
Vài năm trở lại đây, các dự án khởi nghiệp làm game mobile ngày càng nở rộ. Trong đó có những cái tên nổi lên như Joy Entertainment, Divmob, ColorBox, ME Corp, MC Corp, Goya Studio, Senspark, Bưởi Studio... thu hút hàng ngàn người ở độ tuổi 18-25. Những dự án này hoạt động khá âm thầm, không có nhiều sự kiện liên quan đến họ được trưng lên mặt báo hay xuất hiện trước cộng đồng. Thế nhưng, sau thành công vượt ngoài mong đợi của Nguyễn Hà Đông với Flappy Bird thì người ta bắt đầu để ý tới những dự án sáng tạo đầy táo bạo này và lượng người tham gia các dự án game mobile cũng tăng đột biến.
Hiện Việt Nam là quốc gia đứng thứ 17 thế giới và thứ 4 ở châu Á có số lượng người sử dụng mobile internet đông đảo nhất. Ngoài sử dụng các thiết bị công nghệ để phục vụ công việc, nhiều người còn dùng để giải trí, trong đó game là mạng ứng dụng được quan tâm bậc nhất - nhiều gấp 5 lần các ứng dụng khác. Vì thế, ngay cả với những thành công nhỏ nhất, các dự án khởi nghiệp từ game mobile cũng thu được những giá trị to lớn. Đấy là lý do chính khiến nhiều người trẻ lựa chọn game mobile để khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, thiết kế và sáng tạo game mobile là công việc có thể đem lại hứng thú và niềm đam mê - điều không thể thiếu đối với người trẻ trong bước đầu khởi nghiệp. Đặc biệt, việc được đưa những câu chuyện mang đậm sắc thái dân tộc Việt, những ý tưởng ghi dấu ấn cá nhân vào các game càng thôi thúc nhiều bạn trẻ dấn thân vào con đường này, nhằm cạnh tranh với những game có xuất xứ nước ngoài từng một thời chiếm lĩnh thị trường.

 Nguyễn Hoàng Tố Uyên "phụ nữ làm game sẽ giúp nội dung game mềm mại, nhẹ nhàng hơn"

Nguyễn Hoàng Tố Uyên, một trong số không nhiều Game Designer nữ của VNG, có thể coi là đại diện tiêu biểu của thế hệ các nhà thiết kế game trẻ Việt Nam. Cô chia sẻ về lựa chọn hướng khởi nghiệp của mình: “Tôi có một niềm tin mãnh liệt rằng, đến một lúc nào đó, game Việt sẽ lên ngôi và người Việt hoàn toàn có khả năng để tạo ra trò chơi của riêng mình”. Theo Uyên, phụ nữ làm game sẽ giúp nội dung game mềm mại, nhẹ nhàng hơn.
Mặc dù thiết kế game là “tay thuận” của những người được đào tạo về công nghệ thông tin, song trên thực tế, có rất nhiều người “ngoại đạo” tham gia. Các nhà chuyên môn dự báo, số lượng những dự án khởi nghiệp từ game mobile tại Việt Nam sẽ tăng đều ở mức trên 20%/năm trong những năm tới.
Biết chấp nhận thất bại
Với khả năng “toàn cầu hóa” rất cao trong môi trường internet, hiện một số sản phẩm game Việt đã có mặt trên thị trường quốc tế như Freaking Math, Ninja Revenge, School Cheater… và tất nhiên là cả Flappy Bird đã quá nổi tiếng. Game online là sản phẩm có thể mang lại những khoản doanh thu khổng lồ - tại Việt Nam hiện được dự báo có thể đạt mức 500 tỉ đồng/năm. Riêng game mobile mặc dù còn ở mức độ “khiêm tốn” hơn nhưng cũng có thể đem lại doanh thu hàng tỉ đồng/năm cho các nhà phát hành.
Game “Flappy Bird” của Nguyễn Hà Đông tạo “cơn sốt” tầm quốc tế

 

Tuy vậy, nhiều người trong cuộc cho rằng thiết kế game mobile hoàn toàn không phải là công việc dễ làm và… dễ “ăn”! Nó đòi hỏi các nhà sáng tạo phải vắt óc suy nghĩ, từ ý tưởng cho tới các công đoạn kỹ thuật đầy phức tạp, sau đó hiện thực hóa ý tưởng. Theo Tố Uyên, vấn đề quan trọng là phải hiểu được những kiến thức thiết kế tính năng và cân bằng trong game. Tạo ra một nhân vật, một tính năng trong game chưa hẳn khó, quan trọng là để tất cả cân bằng, tương tác, bổ trợ nhau trong cả hệ thống mới là điều không hề đơn giản.
Bên cạnh đó, việc nghiên cứu hành vi và xu hướng chơi game của người dùng rất quan trọng, điều này sẽ làm cho game trở nên thu hút người dùng hơn. Xây dựng game có thể hoạt động tốt trên nhiều thiết bị và màn hình cũng là một điều cần thiết để game có thể đến được với nhiều người dùng. Từ các khảo sát, có thể bước đầu nhận định: Hành vi của người dùng trong năm qua hướng đến 4 mục tiêu chính, đó là những game gây ức chế, siêu khó, đồ họa đơn giản, dễ chơi.
Chưa hết, để có thể thành công khi đem ra thị trường quốc tế, còn phải đáp ứng được nhiều yếu tố khác mà không phải ai cũng có thể làm được: Thay đổi cốt truyện, đồ họa, gameplay, kênh phân phối... 

 Khởi nghiệp từ game không dễ và không chấp nhận sự bằng lòng

Đã có không ít nhóm lập dự án khởi nghiệp từ game mobile phải vượt qua nhiều thách thức to lớn, từ điều kiện tài chính, nhân sự đến trang thiết bị… thế nhưng tỉ lệ dự án thành công chỉ ở mức dưới 20%. Vì thế, những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực này vẫn thường đưa ra lời khuyên: Khởi nghiệp với game mobile cần phải biết chấp nhận thất bại! Thậm chí, cần phải coi thất bại như “một phần tất yếu” của quá trình khởi nghiệp. Anh Đinh Nguyễn Anh Dũng, Software Manager của Công ty VNG, chia sẻ: “Thay vì lo lắng, hãy chủ động lên kế hoạch cho những thất bại, điều này sẽ giúp người khởi nghiệp không bị bị động trong quá trình phát triển. Thất bại cũng là cách để thử nghiệm sản phẩm của mình và không nên vì thất bại mà chạy theo xu hướng của số đông. Hãy kiên định với con đường bạn đã chọn!”.

Nguyễn Hoàng Tố Uyên, game designer của VNG: “Tôi có một niềm tin mãnh liệt rằng, đến một lúc nào đó, game Việt sẽ lên ngôi và người Việt hoàn toàn có khả năng để tạo ra trò chơi của riêng mình”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm