pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sau 30 năm, người đầu tiên ở Việt Nam được ghép thận tiếp tục ghép lần 2
Các bác sĩ kiểm tra sức khỏe của bệnh nhân sau ca ghép thận lần thứ 2.
Ghép thận lần 2 sau 30 năm
Tháng 7/1993, tại BV Quân Y 103 (Học viện Quân y), ca ghép thận đầu tiên ở Việt Nam do các bác sĩ trong nước thực hiện thành công, đánh dấu sự phát triển của nền y học nước nhà. Đây được đánh giá là ca ghép thận thành công nhất từ trước đến nay, bởi gần 30 năm qua, ông Lê Thanh Nghiêm, người được ghép thận ngày ấy, đã sống khỏe mạnh và không ngừng cống hiến cho xã hội. Ngày 30/8 vừa qua, các thầy thuốc BV Quân Y 103 tiếp tục ghép thận lần 2 cho ông Nghiêm.
Sau gần 20 ngày điều trị, sức khỏe của ông đã ổn định, ăn uống, sinh hoạt bình thường. Ông được các bác sĩ cho xuất viện để sớm trở lại cuộc sống thường ngày.
Ông xúc động kể, từ 1978 đến 1985, ông tham gia nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Ông và đồng đội trải qua khắp các chiến trường ác liệt của 4 tỉnh Đông Bắc Campuchia. Bị sốt rét ác tính nên ông được đưa về nước điều trị, sau đó chuyển ngành công tác tại huyện ủy Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên).
Cuộc sống gian khổ, thiếu thốn ở chiến trường cùng di chứng của những cơn sốt rét khiến ông bị suy thận giai đoạn cuối. Thời điểm đó, việc ghép thận còn mới mẻ và hy vọng thành công quá mong manh. Ông kể, khi được vợ đưa lên tàu ra Hà Nội thì ở nhà, gia đình, người thân cũng đã lo việc hậu sự cho ông. Thế nhưng, ông đã được hồi sinh nhờ sự tiến bộ của y học, nhờ các thầy thuốc tận tình cứu chữa và người chị ruột đã hiến thận.
Gần 30 năm qua là quãng thời gian thật quý giá đối với ông Lê Thanh Nghiêm. Ông không những được sống khỏe mạnh, hạnh phúc, mà vợ chồng còn có thêm người con gái thứ hai. Trân trọng, biết ơn cuộc đời, cộng với nghị lực của người lính, ông Nghiêm không ngừng nỗ lực học tập, cống hiến cho quê hương.
Khi ông Nghiêm được nghỉ hưu cũng là lúc quả thận ghép không còn chức năng. Bước vào ca ghép thận lần 2, tâm trạng của ông rất thoải mái và tin tưởng. "Tôi hoàn toàn đặt niềm tin vào trình độ cũng như lòng tận tâm cứu chữa người bệnh của các y bác sĩ trong nước nói chung và BV Quân Y 103 nói riêng. Tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều người suy thận được hồi sinh sự sống", ông Nghiêm xúc động nói.
Viết tiếp những kỳ tích
PGS.TS Lê Anh Tuấn, người trực tiếp ghép thận lần 2 cho bệnh nhân Lê Thanh Nghiêm, cho biết đây là ca ghép thận đầu tiên và cũng là ca thành công nhất của nước ta từ trước đến nay. Tuy nhiên, ghép lần 2 rất phức tạp. Bệnh nhân Nghiêm đã được ghép thận một lần, sử dụng thuốc chống thải ghép 30 năm, nay tuổi đã cao, có bệnh lý về tim mạch, mạch máu xơ vữa. Vì thế, kỹ thuật gặp nhiều khó khăn, nguy cơ thải ghép cao, nhồi máu cơ tim có thể tái phát bất kể lúc nào, nguy cơ nhiễm khuẩn lớn.
Hơn 10 y sĩ, bác sĩ thuộc hai kíp (hiến và ghép) thực hiện phẫu thuật kéo dài 3 tiếng đồng hồ. Trong suốt thời gian điều trị, bệnh nhân được các thầy thuốc Khoa Thận và Lọc máu theo dõi sát sao để kịp thời phát hiện những vấn đề bất thường.
Thiếu tá, bác sĩ Trương Quý Kiên, người trực tiếp chuẩn bị trước ghép, đồng thời điều trị duy trì sau ghép cho bệnh nhân Nghiêm, cho biết: "Các bác sĩ đã tầm soát, đánh giá kỹ các bệnh lý toàn thân; các bệnh lý truyền nhiễm, các bệnh lý tim mạch; tầm soát giải phẫu hệ mạch... để bảo đảm ca ghép thành công. Việc chăm sóc sau mổ được tiến hành thường xuyên, liên tục. Hai vấn đề chảy máu, nhiễm khuẩn và thải ghép cấp không có.
Sau ghép, đến giờ phút này, quả thận ghép cho bệnh nhân hoạt động tốt. Điều trị duy trì sau ghép là quá trình theo dõi hằng ngày, hằng tháng để điều chỉnh thuốc phòng, chống nguy cơ thải ghép, nguy cơ nhiễm khuẩn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như thời gian kéo dài đời sống thận ghép của bệnh nhân, bác sĩ Kiên chia sẻ.
Cũng theo PGS Lê Anh Tuấn, trước đây, một ca ghép thận phải thực hiện trong khoảng thời gian từ 4 đến 6 tiếng, thì nay các bác sĩ chỉ tiến hành trong khoảng 2 tiếng. Thay vì mổ mở lấy thận ghép thì kỹ thuật nội soi lấy thận ghép đã được thực hiện thường xuyên trong nhiều năm qua. Có ngày bệnh viện ghép 3-4 ca.
Hơn nữa, quá trình điều trị sau ghép có nhiều tiến bộ. Đối với người hiến thận, chỉ sau 2-3 ngày là có thể trở lại sinh hoạt bình thường. Người được ghép thận chỉ sau một tuần là có thể xuất viện. Chất lượng sống của bệnh nhân sau ghép được nâng cao.
Để đạt được những thành tích trên, nhiều tiến bộ của y học hiện đại đã được BV ứng dụng, như: Lấy thận ghép bằng phẫu thuật nội soi sau phúc mạc; kỹ thuật chuyển vị mạch máu trong ghép thận khi có tĩnh mạch thận ngắn; kỹ thuật Lich-Gregoir cải tiến trong trồng niệu quản vào bàng quang giúp hạn chế các biến chứng tiết niệu.