Sau vụ con gái đốt mẹ: Tranh chấp chia thừa kế có nên sử dụng phương thức hòa giải?

Linh Trần
15/01/2023 - 15:25
Sau vụ con gái đốt mẹ: Tranh chấp chia thừa kế có nên sử dụng phương thức hòa giải?

Nên giải quyết tranh chấp thừa kế bằng phương pháp hòa giải

Để giải quyết vụ án chia thừa kế "thấu tình, đạt lý", vừa đảm bảo quyền lợi cho những người thừa kế, các bên nên giải quyết tranh chấp bằng hòa giải. Điều này vừa giải quyết triệt để mâu thuẫn, vụ án không bị kéo dài và tiết kiệm chi phí cho các đương sự.

Sự cần thiết nên hòa giải trong giải quyết tranh chấp đất đai

Luật  sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, dưới góc độ luật pháp thì việc chia tài sản thừa kế tưởng chừng như rất đơn giản chỉ là việc xác định rõ di sản thừa kế, hàng thừa kế, công sức tôn tạo, xây dựng và các yếu tố liên quan và tiến hành chia theo di chúc hoặc theo pháp luật. Nhưng diễn biến thực tế ngoài xã hội lại khác rất nhiều, có nhiều vụ chia thừa kế rất phức tạp, tranh chấp kéo dài, không ít vụ xảy ra tình trạng đâm, chém, giết người như vụ án xảy ra ở Hưng Yên thời gian vừa qua.

Theo Luật sư Hùng, các vụ án chia thừa kế luôn phức tạp khi vừa phải chia tài sản sao cho "công bằng" giữa các thành viên. Đồng thời, vừa giải quyết đảm bảo được yếu tố kết nối tình cảm giữa các thành viên trong gia đình. Sự công bằng ở đây cũng chưa hẳn là việc chia đều di sản thừa kế theo như quy định pháp luật mà còn xét ở khía cạnh hoàn cảnh gia đình, yếu tố tâm lý trọng nam, khinh nữ, công sức nuôi dưỡng người để lại di sản, trách nhiệm thờ cúng và công sức tôn tạo của người quản lý tài sản…

Sau vụ con gái đốt mẹ: Tranh chấp chia thừa kế có nên hòa giải ? - Ảnh 1.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Hậu quả sau khi giải quyết các vụ án chia thừa kế nhiều khi cũng dẫn đến việc chia cắt, ly gián tình cảm, anh em bất hòa, đổ vỡ tình cảm, thậm chí dẫn đến cả việc đâm giết nhau để tranh giành tài sản.

Vì vậy, để giải quyết vụ án chia thừa kế "thấu tình, đạt lý" vừa đảm bảo quyền lợi cho các người thừa kế, vừa giữ gìn, hàn gắn được tình cảm gia đình thì các bên nên hướng tới việc giải quyết tranh chấp chia thừa kế bằng phương thức hòa giải. Điều này vừa giải quyết triệt để mâu thuẫn, vụ án kết thúc không bị kéo dài và hạn chế tối đa tốn kém công sức, tiền bạc, thời gian cho các đương sự.

Cần tìm hiểu nguyên nhân, động cơ phát sinh tranh chấp chia thừa kế

Điều này cũng giống như người bác sĩ khi "bắt đúng bệnh, kê thuốc đúng" sẽ giúp cho việc điều trị bệnh sớm bình phục, khỏi bệnh. Trong các vụ án chia thừa kế cũng vậy, chúng ta tìm hiểu được rõ nguyên nhân, động cơ, mục đích phát sinh tranh chấp cũng sẽ giúp cho việc giải quyết đúng trọng tâm, có hướng giải quyết rõ ràng và tập trung tháo gỡ chính mâu thuẫn để giải quyết triệt để vụ án. Vậy thì nguyên nhân, động cơ, mục đích phát sinh tranh chấp thừa kế có thể phát sinh từ đâu?

Do mâu thuẫn trong việc tranh chấp tài sản chia quyền thừa kế đất, khoảng 9h30 ngày 30/10/2022, cả 3 người con gái của bà Vũ Thị Đều (61 tuổi, trú tại thôn Thiên Lộc, xã Trung Hòa, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) là: Đỗ Thị Định, Đỗ Thị Điểm và Đỗ Thị Đưa mang theo can xăng loại 10 lít đến nhà mẹ ruột. Trong lúc 4 người tranh cãi, Điểm đã đổ xăng xuống nền nhà gian phòng khách rồi châm lửa đốt.

Hậu quả, bà Đều và 3 người con gái bị thương phải đi cấp cứu. Tài sản thiệt hại do bị đốt cháy khoảng 50 triệu đồng.

Dù đã được cấp cứu, nhưng chị Đỗ Thị Điểm (34 tuổi) và Đỗ Thị Định (40 tuổi) đã tử vong vì bị bỏng nặng. Đến ngày 14/12/2022, bà Vũ Thị Đều đã không qua khỏi.

Đầu tháng 11/2022, Cơ quan CSĐT (Công an tỉnh Hưng Yên) đã quyết định khởi tố vụ án hình sự với tội danh "giết người" để điều tra.

Khi xã hội ngày càng phát triển, giá trị tài sản thừa kế thường có giá trị rất lớn, nhiều loại tài sản và ở nhiều nơi, địa điểm khác nhau. Cùng với đó các chuẩn mực đạo đức, giá trị nhân văn, tình người của con người có xu hướng thay đổi theo hướng chú trọng hơn vào giá trị vật chất và coi nhẹ yếu tố gắn kết gia đình như máu mủ, họ hàng, tình cảm thân thiết trong gia đình. Nhiều người trở nên tham lam, ích kỷ, vụ lợi hơn và tìm mọi cách sở hữu, chiếm được nhiều tài sản nhất có thể, thậm chí không từ mọi thủ đoạn để độc chiếm tài sản. Có nhiều vụ án điểm xuất phát từ hành vi vi phạm các nghĩa vụ về thờ cúng, trông coi tài sản hoặc vi phạm nghĩa vụ chăm sóc cha/mẹ còn sống của người được chỉ định nuôi dưỡng, chăm sóc. Các hành vi vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục của người quản lý tài sản, gây bức xúc, ức chế cho những người thừa kế khác dòng họ. Hoặc các hành vi liên quan ứng xử, sự thiên vị về tình cảm, chia tài sản của bố hoặc mẹ khi còn sống khiến cho các thành viên khác trong gia đình bức xúc.

Sau vụ con gái đốt mẹ: Tranh chấp chia thừa kế có nên hòa giải ? - Ảnh 3.

Tranh chấp thừa kế nên hòa giải

Để có thể hòa giải được tranh chấp chia thừa kế cần phải làm gì?

Thực tiễn quá trình giải quyết các vụ án tranh chấp chia thừa kế, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho rằng, để có thể hòa giải, hóa giải được mâu thuẫn, chia tài sản trong các vụ án chia thừa kế không hề đơn giản. Các vụ án có thể diễn ra từ lâu, thời gian phát sinh mâu thuẫn kéo dài dẫn đến việc các bên khởi kiện, yêu cầu chia thừa kế. Đây là giai đoạn đỉnh điểm của mọi mâu thuẫn, các bên không còn tin tưởng, không chấp nhận bất cứ yêu cầu nào của đối phương và luôn trong trạng thái căng thẳng, đối đầu nhau. Có lẽ rằng để có thể hóa giải được mâu thuẫn cũng nên tìm hiểu, nắm rõ quy định pháp luật về chia thừa kế, quy trình, thủ tục giải quyết tranh chấp. Khi giải quyết nên tập trung, lưu ý những vấn đề sau:

Tìm những điểm chung, dễ thống nhất

Điều này cũng giảm bớt mâu thuẫn, tranh chấp của các bên. Những yếu tố mang tính chất "rõ ràng" các bên đã "thừa nhận" và thống nhất thì tranh thủ thỏa thuận, thống nhất. Mặc dù mâu thuẫn rất lớn, nhưng có nhiều yếu tố chung về tình cảm, quan điểm cần được ghi nhận, không nên làm phức tạp hóa, hay cứ nhất thiết phải gộp lại để giải quyết tổng thể. Chia nhỏ mâu thuẫn, chia nhỏ vụ án để giải quyết là cách dễ tìm được điểm chung để hòa giải.

Trong nhiều vụ án, nếu tìm được điểm chung mấu chốt để hòa giải được vụ án thì tập trung vào điểm này, thống nhất nhanh nhất có thể, hướng các bên tập trung điểm này trước để hòa giải. Hạn chế, việc lan man, đưa quá nhiều điểm không liên quan, mang tính chất tình cảm, cảm xúc làm cho các thành viên dễ thay đổi quan điểm.

Tìm người có tiếng nói, có thể hàn gắn

Trong gia đình thường có thể chia làm 3 phe khác nhau, dạng như phe chống đối, phe thuận, và phe trung gian. Trong các vụ án cố gắng tìm kiếm xem người nào có tiếng nói có trọng lượng để kết nối, tập hợp các thành viên hoặc đứng ra hòa giải. Người này cần hội tụ yếu tố như khách quan, có tiếng nói, có thể tiếp xúc được tất cả các bên và có trình độ, hiểu biết pháp luật tương đối.

Lựa chọn thời điểm thích hợp để hòa giải

Có những thời điểm nếu nhạy bén chúng ta có thể nắm bắt được thời điểm thích hợp để hòa giải, khi các bên có "hơi hướng" và mong muốn để hòa giải. Nếu kịp thời nắm bắt thời điểm thích hợp vụ án có thể hòa giải rất nhanh.

Biết cách lái dư luận, quan điểm mọi người vào những nội dung có thể hòa giải, nếu nhận thấy có bất cứ lời lẽ, cảm xúc của người tham gia có dấu hiệu làm xấu đi tình trạng hòa giải thì có thể hướng tâm lý, câu chuyện họ đến những vấn đề tích cực, tránh để các bên chỉ vì "lời nói" mà kích bác, cãi nhau.

Có thể trong quá trình tố tụng ở tòa, hoặc có thể tại phiên xét xử, nếu biết nắm bắt cơ hội thì chúng ta hoàn toàn có thể hòa giải tranh chấp chia thừa kế được.

Những điều nên làm sau khi hòa giải được tranh chấp chia thừa kế

Luật sư Hùng cho rằng, khi hòa giải được tranh chấp đất đai cũng là cái phúc của gia đình. Các bên vừa giải quyết được quyền lợi cho thành viên, nhưng cũng mở ra cơ hội, điều kiện để các thành viên có thể hàn gắn tình cảm, mâu thuẫn trong gia đình. Lúc này mâu thuẫn chính giữa các thành viên trong gia đình đã bị triệt tiêu, không còn là rào cản trong việc hàn gắn tình cảm gia đình. Yếu tố tình cảm gia đình rất thiêng liêng, máu mủ ruột già, khúc ruột trên khúc ruột dưới sẽ khó có thể chia cắt mãi mãi. Có thể bị tạm chia cắt trong một giai đoạn nhưng về cơ bản ai cũng sẽ hướng tới cội nguồn, tổ tiên, cha ông và suy nghĩ về người thân trong gia đình. Rồi đến một lúc nào đó sẽ chợt nhận ra tình cảm gia đình là thứ thiêng liêng, quý giá không có gì đánh đổi. Điều lẽ tự nhiên sau bao nhiêu biến cố, mọi người sẽ tìm cách hòa giải, hàn gắn tình cảm gia đình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm