pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Se gai - Sẻ gánh" hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống làng nghề
Người mẫu Hương Ly, đại sứ truyền thông của Empower Women Asia đính vải vụn lên bức tranh biểu tượng của chiến dịch "Se gai - Sẻ gánh"
Trong bối cảnh phát triển chung của thế giới khi các vấn đề về bình đẳng giới đang ngày được chú ý tới, người phụ nữ vì thế dần có tiếng nói và khẳng định được vị thế của mình trong nhiều lĩnh vực của đời sống, chúng ta cũng dần quen mắt với hình ảnh người phụ nữ độc lập mạnh mẽ, tài năng mang vẻ đẹp hiện đại. Thế nhưng vô tình những điều ấy đã trở thành "thước đo" trong nhận thức mỗi người khi được hỏi về hình mẫu "người phụ nữ lý tưởng". Và ta lại vô thức quên rằng vẻ đẹp vĩnh cửu luôn tồn tại và xuất phát từ những điều bình dị, mộc mạc nhất.
Giữa mảnh đất Hà Giang núi non trùng điệp, thật không khó để bắt gặp hình ảnh người phụ nữ H’Mông đang tất bật với công việc của mình. Họ bận rộn với việc đồng áng trên nương rẫy từ sáng sớm tinh mơ, rồi lại cặm cụi nhóm lửa nấu cơm trong những gian bếp nhỏ sau nhà, hay cần mẫn se sợi, dệt vải bên chiếc khung cửi mỗi buổi đêm. Vất vả bộn bề là thế nhưng trên gương mặt họ chưa bao giờ là vắng đi nụ cười lạc quan, đôi mắt ấm áp tình thương cho đời. Chính hình ảnh đó đã làm nổi bật lên nét đẹp thô sơ, mộc mạc của phụ nữ dân tộc H’Mong rạng ngời như tia sáng giữa màn đêm tối.
Cũng vì tình yêu cho con, cho gia đình quá lớn mà những người phụ nữ ấy quên mất rằng chính mình cũng cần được yêu thương. Thôn Sán Séo Tỷ, xã Khâu Vai thuộc tốp dẫn đầu trong danh sách thôn đặc biệt khó khăn của tỉnh Hà Giang, với thu nhập bình quân đầu người không đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày, nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào chăn nuôi, trồng trọt. Càng đáng buồn hơn khi nghề dệt vải sợi gai dầu vốn là niềm tự hào của người dân nơi đây lại chỉ là nguồn thu phụ trợ, một nét đặc trưng văn hóa dân tộc H’Mong đang dần bị mai một.
Các vấn đề về môi trường gắn liền với chủ đề thời trang bền vững và nỗ lực hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số trong việc gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống làng nghề luôn là mối quan tâm hàng đầu trong mục tiêu hoạt động của Empower Women Asia (EWA) - dự án phi lợi nhuận của tổ chức Keep It Beautiful Vietnam (KIBV).
Chính điều đó càng thôi thúc EWA nỗ lực tạo thêm nhiều tác động tích cực đến môi trường thông qua thúc đẩy phát triển thời trang bền vững, tiếp cận gần hơn với các giá trị văn hóa cốt lõi hiện có từ các văn hóa dệt truyền thống; nâng cao nhận thức cho chị em phụ nữ dân tộc thiểu số hiểu rõ tầm quan trọng trong việc tạo ra các sản phẩm bền vững, qua đó họ có thêm điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện đời sống.
Chiến dịch "Se Gai - Sẻ Gánh" ra đời với sứ mệnh tôn vinh nét đẹp trong truyền thống dệt vải lâu đời của đồng bào vùng cao, nâng cao hiểu biết về chất liệu vải gai dầu kết hợp cùng lối sống xanh, thời trang bền vững hòa hợp với thiên nhiên.
Workshop "Gieo Nắng", mở đầu cho chuỗi chiến dịch "Se gai - Sẻ gánh" được tổ chức với mong muốn nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về thời trang bền vững thông qua sự hiểu biết, trân trọng hơn các giá trị văn hóa làng nghề thêu dệt truyền thống Việt Nam, từ đó tạo cơ hội cho phụ nữ dân tộc thiểu số được cải thiện thu nhập và chất lượng cuộc sống.
Tại buổi workshop, người tham gia được hiểu hơn về chất liệu bền vững sợi gai dầu cùng truyền thống dệt của dân tộc H’Mông qua các hoạt động: Tận mắt xem nghệ nhân dệt vải và được trải nghiệm dệt thử bên khung cửi truyền thống, tự tay thêu thủ công trên vải gai dầu, đính những miếng vải vụn từ hoạt động thêu để hoàn thiện bức tranh biểu tượng của chiến dịch.
Đặc biệt, toàn bộ số tiền ủng hộ từ workshop, các nhà tài trợ, đơn vị đồng hành, bộ sản phẩm độc quyền từ hoạt động thuộc khuôn khổ chiến dịch đều sẽ được quyên góp vào quỹ chiến dịch xây dựng, duy trì và phát triển hợp tác xã dệt vải gai dầu tại thôn Sán Séo Tỷ - Hà Giang.
Toàn bộ số tiền thu được sẽ quyên góp vào quỹ chiến dịch xây dựng, duy trì và phát triển hợp tác xã dệt vải gai dầu tại thôn Sán Séo Tỷ - Hà Giang.
Người mẫu Hương Ly chia sẻ: "Là một đại sứ của EWA trong nhiều năm qua, Ly nghĩ rằng bản thân mình luôn có trọng trách và trách nhiệm làm sao để có thể giúp các bạn trẻ cũng như lan tỏa nhiều hơn những thông điệp tích cực, đặc biệt là thông qua những buổi workshop như này giúp mọi người có thể hiểu hơn về thời trang chậm và thời trang bền vững. Đồng thời mong mọi người có sự thay đổi ít nhiều trong lối sống hằng ngày, để có thể góp phần giúp bảo vệ môi trường và nhận thức về thời trang bền vững và nâng cao đời sống cho phụ nữ dân tộc thiểu số.
"Thông qua các hoạt động của mình, EWA không chỉ muốn được trao quyền cho chị em phụ nữ dân tộc thiểu số thay đổi cuộc sống, mà còn luôn hướng đến việc đưa văn hóa Việt Nam vươn tầm quốc tế thông qua những giá trị trường tồn từ các làng nghề truyền thống. Vì EWA tin rằng những truyền thống văn hóa lâu đời luôn có những giá trị ý nghĩa lâu bền. Cùng đón chờ những chặng tiếp theo của chiến dịch gây quỹ "Se Gai - Sẻ Gánh" và thông điệp "Se sợi gai dầu - San sẻ gánh nặng cùng chị em phụ nữ vùng cao", đại diện EWA chia sẻ.