pnvnonline@phunuvietnam.vn
Xây dựng mô hình kinh tế, phát triển thương hiệu làng nghề
Chị Nguyễn Thị Mát (giữa) và các thành viên mô hình đan hàng cói xuất khẩu
Chọn mô hình kinh tế hiệu quả để phát triển đời sống vật chất cho hội viên phụ nữ, đồng thời tạo sức lan tỏa, phát triển phong trào, hoạt động của Hội là bí quyết của chị Nguyễn Thị Mát, Chủ tịch Hội LHPN xã Nghĩa Lợi, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.
- Được biết, mô hình đan hàng cói xuất khẩu hiện thu hút sự tham gia của nhiều hội viên phụ nữ trong xã. Chị có thể chia sẻ thêm về mô hình này?
Đan hàng cói xuất khẩu hiện là ngành kinh tế mũi nhọn tại địa phương. Nghề đan hàng cói xuất khẩu có nhiều điều kiện thuận lợi như: Người cao tuổi và trẻ em đều có thể đan được, không phải chịu tác động cái nắng, cái mưa, có thể tranh thủ thời gian lúc nông nhàn hoặc bất cứ thời gian nào cũng có thể đan.
Mô hình đã thu hút nhiều hội viên viên phụ nữ tham gia, tỷ lệ hội viên tham gia vào mô hình đạt từ 85 đến 90%. Có những thời điểm thuận lợi, thu nhập của mỗi hội viên phụ nữ bình quân đạt từ 6 đến 9 triệu đồng/tháng, đem lại nguồn thu nhập quan trọng của gia đình và góp phần làm thay đổi cơ cấu kinh tế của địa phương.
Xét về yếu tố kinh tế, đời sống của hội viên phụ nữ đã thay đổi đáng kể từ khi tham gia mô hình. Trước đây chị em không có công việc ổn định, thu nhập chủ yếu trông chờ vào cây lúa, điều kiện kinh tế khó khăn. Tham gia mô hình đan hàng cói xuất khẩu phát triển đã mang lại cho chị em mức thu nhập ổn định, điều kiện kinh tế có chị em ngày càng tích cực tham gia vào tổ chức Hội hơn, các phong trào văn hóa văn nghệ tại các chi hội cũng phát triển, đời sống tinh thần của chị em ngày càng được nâng lên.
- Lựa chọn mô hình phù hợp sẽ quyết định đến sự thành công của mô hình. Chị có thể chia sẻ bí quyết lựa chọn mô hình phát triển kinh tế của Hội LHPN xã?
Khi lựa chọn mô hình, Hội đã nắm bắt thông tin, xác định các mô hình kinh tế có hiệu quả, từ đó tuyên truyền trong hội viên tập trung sản xuất và nhân ra diện rộng. Chúng tôi chọn những mô hình dễ triển khai, không tốn nhiều công sức, vốn đầu tư thấp, có tính thực tế và có đầu ra ổn định. Hội LHPN xã cũng đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa để hội viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, thời hạn dài.
Để mô hình hoạt động hiệu quả, cán bộ hội cần phải thường xuyên sâu sát tới từng hội viên vừa là để hướng dẫn mô hình kinh tế, vừa là để theo dõi, quản lí nguồn vốn vay đúng mục đích. Đồng thời, nếu phát hiện khó khăn, vướng mắc sẽ có những biện pháp xử lý phù hợp.
Hội LHPN xã Nghĩa Lợi thường xuyên mở các lớp đào tạo dạy nghề cho hội viên, phụ nữ
- Hội LHPN xã Nghĩa Lợi đã có những chính sách gì để hỗ trợ hộ viên, phụ nữ phát triển của mô hình kinh tế này?
Hội LHPN xã Nghĩa Lợi thường xuyên mở các lớp đào tạo, sinh hoạt theo tổ dân cư do những người có tay nghề trong làng chỉ dạy. Bên cạnh đó, thông qua các hội chợ giới thiệu sản phẩm, các cấp Hội phụ nữ cũng giúp người dân quảng bá thêm về sản phẩm cói của địa phương, để làng nghề luôn duy trì và phát triển theo năm tháng.
Nhờ vậy, nghề đan cói trước đây chỉ là nghề phụ, song đến nay lại là nghề cho thu nhập chủ đạo của nhiều gia đình, đặc biệt là chị em phụ nữ. Đời sống vật chất, tinh thần của các bà, các chị cũng được nâng cao, có thời gian chăm sóc cho bản thân, gia đình và tham gia sinh hoạt tại Hội LHPN các cấp.
Xin cảm ơn chị!