pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sớm tăng lương để giảm hệ lụy công chức, viên chức rời bỏ khu vực công
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Cầm
Tiền lương hiện nay cũng là một trong những vấn đề khiến cán bộ, công chức, viên chức nản lòng, rời khu vực công để ra khu vực tư. Hệ quả của việc này sẽ khiến người dân thiệt thòi, khi không phải người dân nào cũng có điều kiện khám, chữa bệnh ở bệnh viện tư hay cho con học trường tư thục trong khi làn sóng nguồn nhân lực chuyển từ khu vực công sang khu vực tư đặc biệt trong lĩnh vực y tế, giáo dục đang diễn ra một phần do tiền lương, thu nhập thấp hơn so với người cùng trình độ làm việc ở khu vực tư. Bên cạnh đó còn là do áp lực của công việc, đặc biệt sau mấy năm chống đỡ với đại dịch COVID-19 vừa qua. Hiện nay, cả nước đang thiếu 95.000 giáo viên các cấp và đã có hơn 10.000 nhân viên y tế xin nghỉ việc, nhiều người có trình độ, chuyên môn cao chuyển sang khu vực tư.
Bản thân tôi đồng tình với với đề xuất của Chính phủ về thực hiện việc nâng lương cơ sở cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Việc điều chỉnh tăng lương cơ sở vào thời điểm này rất ý nghĩa, giúp ổn định tinh thần, tư tưởng làm việc của công chức, viên chức, đặc biệt trong ngành y tế, giáo dục. Việc Chính phủ đề xuất tăng lương từ 1/7/2023 do phải cân đối nhiều mặt, nhất là việc nền kinh tế mấy năm qua bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Bên cạnh việc cần thiết thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ khác như nâng cao hiệu quả quản trị và cải thiện môi trường, điều kiện làm việc trong khu vực công, nếu cân đối được, việc tăng lương cơ sở ngay từ ngày 1/1/2023 sẽ giúp cho cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác hơn, tạo động lực cho họ tiếp tục góp sức vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới. Điều đó sẽ góp phần giúp bộ máy nhà nước hoạt động hiệu quả và giảm bớt các hệ lụy rời bỏ khu vực công vì lý do tiền lương, đặc biêt trong hai lĩnh vực quan trọng, trực tiếp chăm lo cho nguồn nhân lực quốc gia là Y tế và Giáo dục.