pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu 3 giải pháp hạn chế tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà
Trả lời đại biểu Quốc hội về tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Theo số liệu tổng hợp của 63 tỉnh, thành phố và các bộ, ngành Trung ương trong thời gian từ ngày 1/1/2020 đến ngày 30/6/2022. tổng số công chức, viên chức thôi việc là 39.552 người bằng 1,94% tổng biên chế công chức, viên chức. Trong đó, công chức là hơn 4.000 người, viên chức là 35.532 người.
Nếu tính theo lĩnh vực, ngành giáo dục có 16.424 người (chiếm 41,53%); ngành y tế là 12.198 người (chiếm 30,84%).
Công chức, viên chức nghỉ việc tại các địa phương chiếm 82%; vùng Đông Nam Bộ chiếm 37,36% trên tổng số thôi việc; Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 22,88%; Đồng bằng sông Hồng là 14,41%; Bắc Trung Bộ và Duyên Hải miền Trung là 10,92%.
8 địa phương có số công chức, viên chức nghỉ việc nhiều nhất là: TP Hồ Chí Minh (6.177 người) Đồng Nai, Hà Nội có hơn 2.000 người; các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang, TP Cần Thơ trong khoảng từ 800 đến 900 người.
Qua đó, có thể đánh giá, số lượng công chức, viên chức nghỉ việc so với tổng biên chế là không lớn, lại tập trung chủ yếu viên chức trọng điểm ở 2 lĩnh vực.
Số nghỉ việc, thôi việc đa số trong độ tuổi trẻ từ 40 tuổi trở xuống; có trình độ đại học trên 50%; tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, nhiều khu công nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân phát triển dịch vụ công khu vực ngoài Nhà nước phát triển, nhất là dịch vụ y tế và giáo dục - có số lượng công chức, viên chức trẻ được tuyển dụng mới tăng cao nhất so với các năm trở lại đây
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, việc công chức, viên chức, dịch chuyển từ khu vực công sang khu vực tư là yếu tố khách quan, trên cơ sở điều tiết của thị trường lao động theo quy luật của kinh tế thị trường. Đồng thời, trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và phát triển các thành phần kinh tế, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ công, trong đó có dịch vụ y tế, giáo dục ngoài công lập, phát triển khá mạnh ở khu đô thị. Việc ra - vào khu vực công và khu vực tư là quy luật cung cầu lao động và cũng là xu thế.
Cùng với đó, đại dịch Covid-19 đã tác động sâu rộng trên mọi mặt của đời sống xã hội, ảnh hưởng đời sống vật chất và tinh thần người lao động, làm thay đổi lớn loại hình công việc, phương thức làm việc. Bên cạnh đó, khu vực tư có chính sách hấp dẫn hơn để thu hút người lao động. Về mặt tích cực, sự dịch chuyển này tạo động lực, cơ hội để thúc đẩy khu vực công cơ cấu lại công chức, viên chức xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, hướng tới sự đổi mới tiến bộ công bằng cạnh tranh lành mạnh nguồn nhân lực trong khu vực công.
Về mặt chủ quan, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, tiền lương và thu nhập của công chức, viên chức còn thấp hơn so với thu nhập của lao động cùng trình độ làm việc ở khu vực tư. Áp lực công việc đối với công chức, viên chức ngày càng cao, nhất là viên chức y tế trong bối cảnh khó khăn nguy hiểm của đại dịch.
Bên cạnh đó, môi trường làm việc một số nơi chưa tạo được động lực, cơ hội cho công chức, viên chức phát huy tốt năng lực sở trường. Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân khác như sức khỏe, mục tiêu nghề nghiệp, yêu cầu môi trường làm việc của người lao động…
Nêu ra các giải pháp, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết:
Thứ nhất, tập trung cải cách chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 12. Quốc hội đã quyết định điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng (tăng 20,8 %) đã tạo được một tín hiệu vui.
Thứ hai, cải cách lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng quy hoạch, bố trí cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo công khai, công bằng dân chủ, chất lượng hiệu quả hơn nữa. Đồng thời sớm xây dựng chính sách thu hút và trọng dụng người tài trong các ngành, lĩnh vực của cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
Thứ 3, cần xây dựng môi trường văn hóa làm việc công bằng dân chủ, thân thiện, đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại; có điều kiện môi trường để công chức, viên chức thể hiện tài năng của mình và đẩy mạnh cải cách hành chính phân cấp, phân quyền cũng như đổi mới lề lối làm việc để phát huy năng lực, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Trong 2,5 năm qua, tổng số công chức, viên chức được tuyển dụng mới 143.961 người, trong đó 18.867 công chức, 125.104 viên chức. Trong đó, viên chức giáo dục được tuyển dụng mới là 74.495 người; ngành y tế tuyển dụng mới là 3.847 người.