Spa, phòng gym giảm giá mạnh, chị em vẫn e dè

Vân Anh
21/05/2020 - 15:55
Spa, phòng gym giảm giá mạnh, chị em vẫn e dè

Ảnh minh họa

Sau thời gian đóng cửa phòng dịch Covid-19, các spa, phòng tập gym, yoga… mở cửa trở lại, với nhiều dịch vụ giảm giá tới 60% để thu hút hội viên. Nhưng không ít chị em e dè, ngại xuất tiền mua thẻ tập, thư giãn trong thời điểm này.

Giảm giá từ 20% đến 30% các dịch vụ thư giãn, làm đẹp, tập luyện. Giảm giá tới 50%, 60% cho khách hàng mua thẻ thành viên theo năm… là những chương trình khuyến mãi đang được áp dụng tại nhiều spa, trung tâm tập thể thao… Đây là những ưu đãi chị em có thể dễ dàng nhận được khi liên hệ tìm hiểu thông tin tại các địa chỉ làm đẹp, tập gym trong thời điểm này.

Dịch bệnh Covid-19 chưa được dập tắt hoàn toàn, cộng với thời gian nghỉ giãn cách, phòng dịch quá lâu, nhiều người thắt chặt chi tiêu hơn hoặc đã thay đổi thói quen tập luyện sang online khiến lượng khách tại các trung tâm thể dục thể thao, spa làm đẹp trở nên vắng khách. Những chương trình giảm giá mạnh tay nhất đã được tung ra ngay trong mùa dịch Covid-19 để thu hút khách hàng, đặc biệt là những thành viên mua thẻ dịch vụ theo quý, theo năm hay theo combo.

Spa, phòng gym “sale điên đảo”, chị em vẫn e dè  - Ảnh 1.

Phòng tập gym, dịch vụ spa gia tăng ưu đãi sau thời gian nghỉ phòng dịch Covid-19

Khách hàng vẫn e dè

"Trước dịch Covid-19, tôi mua thẻ tập theo năm tại trung tâm LX Fitness tại quận Hà Đông, Hà Nội. Lúc đóng tiền, trung tâm cam kết đã ký hợp đồng, thuê địa điểm tại đây 10 năm, nên hội viên yên tâm tập luyện, không có chuyện trung tâm đóng cửa. Tôi tin tưởng lời hứa của một trung tâm thể thao 5 sao. Nhưng sau dịch bệnh, hàng ngàn hội viên chỉ nhận được vẻn vẹn một tờ thông báo trung tâm đóng cửa, ngừng hoạt động. Hội viên được chuyển sang tập tại một trung tâm khác. Bỏ ra hơn chục triệu mua thẻ, bỏ tập thì tiếc của. Nhưng thực sự, đi tập tại một nơi khác với tâm trạng không thoải mái cũng chẳng đạt hiệu quả", chị Đặng Hà (Vạn Phúc, Hà Đông) bức xúc.

Trường hợp những khách hàng như chị Hà, còn được trung tâm chuyển sang tập luyện tại một đối tác khác. Còn chị Thanh Thư (Q. Đống Đa, Hà Nội) thì bấm bụng, vừa mất tiền, vừa không được thực hiện tiếp dịch vụ. Chị Thư mua thẻ chăm sóc, thư giãn tại spa trên phố Thái Hà, Hà Nội. Khi các dịch vụ spa được phép hoạt động trở lại, chị Thư đến spa để sử dụng dịch vụ. Nhưng spa đã âm thầm đóng cửa, mà không hề có thông báo tới khách hàng. Gọi điện cho chủ spa và nhân viên, tất cả đều khóa máy. Website, fanpage của spa cũng ngừng hoạt động. Chị Thư cho biết: "Trong thẻ của mình còn tới 8 buổi thực hiện dịch vụ, mỗi buổi 350.000 đồng. Mất oan 2,8 triệu, lại mang bực vào người".

Không chỉ khách hàng mua trực tiếp dịch vụ mà những người mua dịch vụ qua bên thứ 3 cũng chịu ảnh hưởng do trung tâm đóng cửa, ngừng hoạt động. Trường hợp công bố phá sản của Wefit là một ví dụ. Cho dù các đơn vị đối tác tìm cách khắc phục, thì quyền lợi người tiêu dùng cũng ít nhiều bị ảnh hưởng.

Chị Thanh Thư chia sẻ: Khuyến mãi, giảm giá nhiều, nghe cũng xiêu lòng. Nhưng dịch bệnh vẫn còn, không biết thời gian tới thế nào. Các trung tâm có hoạt động như cam kết hay không, nên thời điểm này, chị Thư không dám chi tiền để mua thẻ thành viên tập trong cả năm.

Cùng chung suy nghĩ đó, nhiều chị em đã chọn cách chắc ăn hơn: Sử dụng buổi nào, mua dịch vụ của buổi đó, hoặc cùng lắm là mua dịch vụ theo tháng. Ưu đãi nhận được ít hơn mua dài hạn, nhưng đây cũng là cách giúp người dùng yên tâm về quyền lợi của mình, trong thời điểm hiện tại.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm