Sự bất mãn của cử tri tước đi cơ hội tái đắc cử của ông Donald Trump

PV
08/11/2020 - 05:59
Sự bất mãn của cử tri tước đi cơ hội tái đắc cử của ông Donald Trump
Virus SARS-CoV-2 đã đạp đổ di sản kinh tế khổng lồ mà ông Donald Trump dự định lấy làm "vũ khí" cho chiến dịch tái tranh cử. Với tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, nhiều người không bỏ phiếu cho ông.

Mất việc làm, cử tri quay lưng

Lần bỏ phiếu này không chỉ đơn thuần là một cuộc bầu cử thông thường mà là "cuộc trưng cầu ý dân" về di sản 4 năm qua của Tổng thống Donald Trump. Kinh tế Mỹ là một thành quả không thể phủ nhận trong nhiệm kỳ của ông Trump. Những cam kết của ông Trump về việc cắt giảm thuế và thủ tục đã giúp nền kinh tế đang đà phục hồi, ít nhất là cho đến khi dịch COVID-19 bùng phát.

Tuy nhiên, COVID-19 đã khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, chấm dứt chuỗi tăng trưởng kỷ lục kéo dài 127 tháng. COVID-19 đã "thổi bay" 15% việc làm của người Mỹ chỉ trong 2 tháng. Từ tháng 5, nền kinh tế Mỹ chỉ hồi sinh được khoảng 50% việc làm trong số này.

Sự bất mãn của cử tri tước đi cơ hội tái đắc cử của ông Donald Trump  - Ảnh 1.

Tỷ lệ thất nghiệp tăng

Ở thời điểm nhậm chức, Trump thừa hưởng từ Obama một trong những thị trường việc làm mạnh nhất lịch sử nước Mỹ. Tuy nhiên, COVID-19 đã nhanh chóng xóa tan kết quả này. Tỷ lệ thất nghiệp hiện tăng lên 14,7%, thêm 10 điểm phần trăm so với khi ông Trump vào Nhà Trắng. Dù đã được cải thiện nhưng tỷ lệ này vẫn còn cao trong tháng 9. Chưa có Tổng thống nào phải chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng đột biến như ông Trump. Khủng hoảng kinh tế còn khiến nhiều người dân không có thu nhập để nuôi gia đình, rơi vào trạng thái bất an, nhất là người da màu, người có thu nhập thấp.

Những cử tri bất mãn vì triển vọng công ăn việc làm ngày càng xấu đi ở các tiểu bang có nhiều nhà máy sản xuất thép, máy móc và ô tô tước đi của ông Trump cơ hội tái đắc cử. Trong chiến dịch tranh cử 2016, ông Trump đổ lỗi cho Trung Quốc "đánh cắp" việc làm của Mỹ và hứa sẽ đưa hàng triệu việc làm với thu nhập tốt quay trở lại với người Mỹ. Để làm được việc này, ông đã áp thuế lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa Mỹ và châm ngòi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Tuy nhiên, dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy kể từ khi ông Trump lên cầm quyền, ngành sản xuất của Mỹ đã mất 170.000 việc làm. Từ trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, tiền lương trung bình theo giờ của công nhân ngành sản xuất Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010.

Không thực hiện được lời hứa với công nhân ngành sản xuất đã gây hậu quả đối với ông Trump trong lần bầu cử này, khi suy thoái kinh tế nhấn chìm nhiều bang chủ chốt. Cách đây 4 năm, những bang như Michigan, Wisconsin và Pennsylvania vốn là những bang theo Đảng Dân chủ đã quay sang ủng hộ ông Trump, giúp ông thắng bà Hillary Clinton bằng phiếu đại cử tri. Năm nay, các bang này quay lại ủng hộ ứng cử viên của Đảng Dân chủ Joe Biden.

Một cuộc khảo sát trong tháng 10 này của Gallup cho thấy 89% cử tri Mỹ coi kinh tế, trong đó có việc làm, là mối lo hàng đầu hiện nay. "Ông Trump không làm được điều kỳ diệu như ông ấy đã hứa… Với tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, nhiều người không bỏ phiếu cho ông ấy nữa", giáo sư khoa học chính trị Michael Lewis-Beck nhận định.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng thuế quan mà ông Trump áp lên hàng hóa Trung Quốc thực chất do người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ gánh chịu. Theo phân tích của tổ chức nghiên cứu American Actio Forum, thuế quan của ông Trump đối với Trung Quốc khiến người tiêu dùng Mỹ phải tiêu tốn thêm 57 tỷ USD mỗi năm.

Bất mãn với cách xử lý đại dịch của ông Trump

Tình hình nước Mỹ trước bầu cử cũng không thuận lợi cho Tổng thống Trump, đặc biệt việc số ca nhiễm COVID-19 tăng cao trên cả nước. 60% dân Mỹ bất mãn với cách xử lý đại dịch của ông Trump. Tỷ lệ người dân Mỹ được hỏi cho rằng, việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh quan trọng hơn đã tăng gần gấp đôi từ 33% lên 63% so với việc tái khởi động lại nền kinh tế. Đây là kết quả cuộc thăm dò dư luận do 2 tờ báo lớn Washington Post và ABC News tiến hành trong tháng 7/2020.

Sự bất mãn của cử tri tước đi cơ hội tái đắc cử của ông Donald Trump  - Ảnh 2.

Dân Mỹ bất mãn với cách xử lý đại dịch của ông Trump

Đến nay, Mỹ tiếp tục đứng đầu thế giới về số người dương tính và tử vong vì COVID-19. Áp lực từ nền kinh tế nhiều nơi tê liệt cũng như gói kích cầu thứ 2 không được thông qua có thể dẫn tới việc cử tri chịu ảnh hưởng của COVID-19 dùng lá phiếu để thể hiện sự thất vọng của mình với chính quyền đương nhiệm. Trên báo Washington Post, 4 cựu giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng công khai chỉ trích ông Trump hết sức gay gắt khi nói rằng, ông Trump đã chính trị hóa khoa học theo những cách không bao giờ được bất kỳ tổng thống nào áp dụng.

Điều đặc biệt là sự xuất hiện của ông Trump trong nền chính trị Mỹ cũng đánh dấu sự nổi lên của một mô hình lãnh đạo mới mang nhiều tính dân túy. Khác với các "nhà lãnh đạo kinh điển" trước đây, các nhà lãnh đạo như ông Trump ít chịu sự ràng buộc của phép tắc thông thường, hành xử theo bản năng và không theo những gì mà cử tri mong muốn. Trái ngược với thành quả kinh tế, xã hội Mỹ chưa bao giờ có sự phân hóa sâu sắc như hiện nay. Số chống ông Trump phần lớn là giới trí thức, da trắng cấp tiến, dân thiểu số. Thậm chí không ít cử tri Cộng hòa cho rằng hiện nay là "đảng Trump" chứ không còn Cộng hòa truyền thống, nên quay sang ủng hộ ông Joe Biden.

Sự bất mãn của cử tri tước đi cơ hội tái đắc cử của ông Donald Trump  - Ảnh 3.

Phong trào "Black Lives Matter" chống phân biệt chủng tộc

Mặt khác, phân biệt sắc tộc, bất bình đẳng thu nhập luôn là vấn đề nhức nhối, tạo hố sâu ngăn cách trong xã hội. Người Mỹ gốc Phi là nhóm có thu nhập thấp nhất, tỷ lệ thất nghiệp cao gấp đôi người Mỹ da trắng và hơn thế, họ còn phải chịu sự phân biệt chủng tộc trong hệ thống tư pháp. Trong bối cảnh người dân bất mãn vì mất việc làm, giảm thu nhập do dịch bệnh thì sự việc người đàn ông da đen George Floyd bị cảnh sát ghì cổ đến chết đã kích động các cuộc biểu tình, bạo động chống phân biệt chủng tộc nổ ra trên khắp nước Mỹ. Bạo lực gia tăng nhanh chóng khiến Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã phải triển khai hàng nghìn vệ binh quốc gia tại nhiều bang để đối phó. Thông thường, các cuộc biểu tình như vậy sẽ không kéo dài. Tuy nhiên, do người dân đang bất mãn, dễ bị kích động, đồng thời được phong trào "Black Lives Matter" tiếp sức nên các cuộc biểu tình tuy giảm về quy mô nhưng vẫn âm ỉ, kéo dài và trở thành vấn đề nhức nhối tại Mỹ.

Nguồn: The Economist
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm