Sửa Luật Giáo dục Đại học: Trường công, trường tư đều được tự quyết định học phí

30/05/2018 - 11:34
Tại phiên họp Quốc hội sáng 30/5, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nêu những hạn chế lớn của giáo dục đại học, từ đó khẳng định sự cần thiết phải sửa đổi Luật GD đại học. Theo dự thảo, giá dịch vụ đào tạo (cách gọi mới của học phí) sẽ do các trường tự quyết định.

Tờ trình trước Quốc hội về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD đại học do Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trình bày cho thấy, Luật Giáo dục đại học 2012 cũng được đánh giá là đặt nền móng pháp lý cho tự chủ đại học, là văn bản pháp lý đầu tiên quy định rõ nét về kiểm định chất lượng đào tạo.

Tuy nhiên, các kết quả đạt được cho thấy các bật cập khi tự chủ đại học nhưng chưa gắn với quyền tự chủ, trách nhiệm và cơ chế giải trình. Số lượng trường thành lập lớn nhưng học phí chưa được tính theo cơ chế giá dịch vụ, cơ chế phân bổ ngân sách cho các trường còn mang tính bình quân, chưa gắn với chất lượng, kết quả đầu ra nên chưa phát huy được tính cạnh tranh…

nha.JPG
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói về yếu kém của giáo dục đại học. Ảnh: VPQH
 

Hoạt động của cơ sở GDĐH vẫn còn mang nặng tính hành chính hóa, chưa thực sự chủ động, sáng tạo, kịp thời trong quản trị và tổ chức thực hiện. Các quy định của Luật GDĐH năm 2012 cũng chưa thể hiện rõ trách nhiệm và cơ chế giải trình của các cơ sở GDĐH.

Vấn đề tự chủ đại học còn thể hiện hạn chế trong hoạt động chuyên môn. Theo đó, các cơ sở GDĐH chưa phát huy được năng lực chủ động, sáng tạo của cơ sở GDĐH và đội ngũ các nhà khoa học trong công tác đào tạo, khoa học và công nghệ để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có tính “đột phá chiến lược” để phát triển kinh tế đất nước.

Một trong những bất cập lớn khác được ông Nhạ nêu là yếu kém trong hoạt động của Hội đồng trường. “Là thiết chế quản trị đại học quan trọng nhưng thành phần, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng trường trong trường đại học công lập chưa được quy định rõ, hoạt động vì thế vẫn mang tính hình thức. Hội đồng trường chưa có thực quyền trong quyết định nhân sự hiệu trưởng và các vấn đề quan trọng của cơ sở GDĐH” – ông Nhạ cho hay.

Từ những bất cập trên, tờ trình xin Quốc hội sửa đổi luật lần này tập trung nâng cao hiệu quả của tự chủ đại học. Cụ thể, trong hoạt động chuyên môn, các trường được tự chủ mở ngành đào tạo, tự chủ liên kết trong và ngoài nước, tự chủ cấp phát văn bằng, thúc đẩy khởi nghiệp, gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.

Về bộ máy và nhân sự, Hội đồng trường sẽ có thực quyền trong việc quyết định nhân sự, tiêu chuẩn Hiệu trưởng, Hiệu phó, giảng viên. Hiệu trưởng trường đại học công lập do cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận trên cơ sở đề xuất của Hội đồng trường; Hiệu trưởng trường đại học tư thục do Hội đồng quản trị quyết định. Tự chủ tài chính thể hiện ở việc trường có quyền xây dựng, quyết định giá dịch vụ đào tạo đảm bảo tương xứng với chất lượng, được quyết định đầu tư bằng nguồn thu của trường, quyết định nội dung và mức chi.

Ngoài ra, nội dung đổi mới hoạt động quản trị đại học thể hiện bằng việc, với trường công lập thì Hội đồng trường thực hiện chức năng quản trị trường, quyết định định hướng phát triển, quy chế tổ chức, hoạt động, quy chế tài chính. Hiệu trưởng chỉ thực hiện chức năng quản lý, điều hành hoạt động của trường theo quyết nghị của Hội đồng. Với trường tư thục, bộ máy quản lý tổ chức theo tiêu chí chủ sở hữu, bổ sung quy định về đại hội cổ đông, ban kiểm soát… như mô hình doanh nghiệp.

Về phân loại, xếp hạng các trường đại học, Chính phủ đề xuất thay việc phân tầng theo quy định hiện hành bằng phân loại. Có 2 loại đại học được phân chia: đại học định hướng nghiên cứu và đại học định hướng ứng dụng.

Theo bộ GD&ĐT, sau 5 năm thi hành luật Giáo dục đại học, hệ thống trường đại học phát triển đa dạng với 170 trường công lập, 60 trường tư thục và 5 trường có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó 4 trường “ngoại” và 5 trường tư thục có chất lượng được đánh giá là góp phần phát triển lĩnh vực giáo dục đại học ngoài công lập. Đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng từ 14% năm 2012 lên gần 23% năm 2017.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm