"Sữa trái cây" gây nhầm lẫn: Bài 1 - Thức uống dinh dưỡng mang danh sữa vào siêu thị

Hoàng Sa
22/01/2024 - 07:45
"Sữa trái cây" gây nhầm lẫn: Bài 1 - Thức uống dinh dưỡng mang danh sữa vào siêu thị

Chỉ là thức uống dinh dưỡng, nhưng lại gọi là sữa và bày bán cùng với sữa, nên người tiêu dùng khó phân biệt.

Trên các kệ hàng nhiều siêu thị đang được bày bán rất nhiều thức uống cho trẻ em dán nhãn "sữa trái cây". Thức uống này được nhiều trẻ ưa thích và phụ huynh cứ tưởng đó là sữa nên mua cho con uống thay sữa hằng ngày. Khi cho con khám dinh dưỡng mới ngã ngửa khi biết đó không phải là sữa.

Uống sữa trái cây nhiều mà con vẫn còi cọc

Chị Nguyễn Khánh Vân, ở huyện Đông Anh, Hà Nội, có 2 con nhỏ. Hằng tháng chị đều phải chi tiêu cả triệu đồng vào mua sữa cho các con. Chị Vân thường mua các sản phẩm được quảng cáo là sữa trái cây ở siêu thị vì các con chị thích các sản phẩm này.

Tương tự như chị Vân, chị Cao Thị Mai, ở Q.Long Biên, Hà Nội, cũng thường xuyên mua sữa trái cây tại siêu thị, vì cậu con trai 4 tuổi của chị chỉ loại này mới chịu uống. Có lúc chị Mai muốn thay sang dòng sữa bột hoặc sữa tươi khác nhưng mang về nhà, cậu con trai nhất định không chịu uống.

Tại quầy hàng của một siêu thị, khi phóng viên Báo PNVN cho biết, các sản phẩm mà chị Vân, chị Mai thường mua, lại không phải là sữa, thực chất là thức uống dinh dưỡng, lúc này các chị mới ngớ người. Đọc kỹ các thông tin ghi trên bao bì thì chị mới biết bao lâu nay nhầm lẫn. Các sản phẩm mình mua về cho con sử dụng lại không phải là sữa, cũng không có các thành phần chuẩn dinh dưỡng như sữa.

Khi được chúng tôi hỏi về việc phân biệt giữa sữa và thức uống dinh dưỡng mang tên sữa trái cây, chị Mai cho hay: "Quả thực hôm nay mình mới để ý. Trên hộp có ghi là thực phẩm bổ sung nhưng chữ bé quá, mình lại chỉ để ý cái chữ "sữa" được ghi to, rõ ràng nên từ trước tới nay chỉ nghĩ đó là sữa”.

Theo khảo sát dinh dưỡng khu vực Đông Nam Á (SEANUTS II) do FrieslandCampina thực hiện và công bố trong năm 2022, 90% trẻ em Việt Nam ăn sáng nhưng hơn 50% trẻ không được đáp ứng đủ nhu cầu vi chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển, trong đó đáng kể là thiếu đạm, vitamin D và canxi.

Một trong những nguyên nhân được cho là nhiều người tiêu dùng đang bị nhầm lẫn giữa sữa và các sản phẩm thức uống dinh dưỡng, được quảng cáo như sữa khiến người tiêu dùng bị nhầm lẫn. Bởi không phải loại sản phẩm nào mang tên “sữa” cũng đúng là sữa chuẩn dinh dưỡng theo Quy chuẩn sữa dạng lỏng của Bộ Y tế.

Chị Nguyễn Thu Hương, ở Thanh Trì, Hà Nội, chia sẻ: “Con tôi đã 5 tuổi, uống sữa tươi trái cây rất nhiều, nhưng vẫn còi cọc quá. Tôi có đưa cháu đi khám thì bác sĩ cho biết là cháu thiếu chất dinh dưỡng, cần tăng cường uống sữa. Khi mình nói cháu ở nhà thường xuyên uống sữa tươi trái cây vì cháu thích uống dòng sữa đó. Sau khi nghe bác sĩ mới phân tích và tư vấn thì tôi mới hiểu ra là lâu nay bản thân mình đang bị nhầm lẫn giữa sữa và thức uống dinh dưỡng”.

Theo các nhà khoa học về dinh dưỡng, thì sữa có 8 loại vitamin và khoáng chất, đóng vai trò quan trọng trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày của trẻ giúp giảm thiểu tình trạng thiếu hụt canxi và các vi chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ em.

Thức uống dinh dưỡng gắn mác sữa bày bán xen cùng sữa trong siêu thị

Hiện nay, hầu hết các hệ thống siêu thị, cửa hàng to nhỏ, từ miền xuôi đến miền ngược, đều dễ dàng nhận thấy các mặt hàng gắn mác là sữa bày bán rất nhiều.

Tại một số siêu thị ở Hà Nội mà chúng tôi có dịp khảo sát thực tế thì thấy trên kệ hàng đều bày bán rất nhiều các loại sản phẩm mang  tên sữa trái cây. Một điểm chung là các sản phẩm này đều có chữ sữa được ghi rất rõ ràng trên bao bì nhãn mác và hầu hết được xếp cùng khu vực bán các sản phẩm sữa.

Trên các quầy hàng đều được gắn mác giới thiệu sản phẩm là sữa, không có bất kỳ dòng chữ nào cho thấy đây là những sản phẩm thức uống dinh dưỡng, không phải là sữa. 

"Sữa trái cây" gây nhầm lẫn: Bài 1 - Thức uống dinh dưỡng mang danh sữa vào siêu thị- Ảnh 1.

Không ghi tên sản phẩm là thức uống dinh dưỡng trên các kệ hàng tại siêu thị.

Thực chất, các sản phẩm này không phải là sữa mà chỉ là thức uống dinh dưỡng. Nhưng với cách ghi nhãn hàng mang tên sữa, các sản phẩm sữa trái cây này khiến người tiêu dùng nhầm lẫn và coi đây là sữa.

Ngay cả người nhân viên bán hàng tại một siêu thị trên địa bàn xã Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội, khi được hỏi đây là sữa hay là thức uống dinh dưỡng, người này cũng khẳng định đây là sữa trái cây. Họ cũng không phân biệt được đâu là sữa, đâu là thức uống dinh dưỡng. Siêu thị cứ bày cả các loại này vào quầy sữa nên họ mặc nhiên coi đó là sữa. Nếu khách hàng có hỏi thì họ cũng sẽ nói với họ đó là sữa mà thôi.

Theo bác sĩ Trần Khánh Vân, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, vi chất dinh dưỡng là thuật từ chung chỉ các loại vitamin và chất khoáng mà cơ thể con người cần cho các chức năng sống trong suốt cuộc đời. Nói cách khác, vi chất dinh dưỡng là những chất mà cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng không thể thiếu được.

Vi chất dinh dưỡng bao gồm các vitamin như vitamin A, D, E, K, vitamin C, các vitamin nhóm B và các khoáng chất như sắt, kẽm, i ốt, selen... Việc thiếu một số vi chất dinh dưỡng quan trọng như iốt, vitamin A, sắt, folate, kẽm, mặc dù rất khó phát hiện, song có thể đưa đến những hậu quả to lớn.

Từ những cách ghi nhãn sản phẩm, cách bày bán trong siêu thị... khiến cho người tiêu dùng dễ nhầm lẫn đó là sữa. Vì vậy, họ mua những sản phẩm này cho con uống thay sữa. Điều này này có thể là nguyên nhân khiến nhiều cháu nhỏ dù uống đủ lượng "sữa trái cây" hằng ngày nhưng lại thiếu chất dinh dưỡng. Thức uống dinh dưỡng tuy được nhiều trẻ ưu thích vì hợp khẩu vị hơn nhưng không đủ hàm lượng vitamin và khoáng chất như sữa. Ngoài ra, những sản phẩm này có thể lượng đường lại nhiều hơn so với sữa tự nhiên.

Quá trình tìm hiểu, chúng tôi còn phát hiện ra những chiêu trò quảng cáo có dấu hiệu dàn dựng, thổi phồng công dụng của các sản phẩm thức uống dinh dưỡng như sữa. Chính vì lẽ đó, nhiều người tiêu dùng bị nhầm lẫn và đã bỏ tiền ra mua những sản phẩm không đảm bảo đủ chất dinh dưỡng.

Báo PNVN sẽ tiếp tục thông tin ở bài sau.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm