pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sức hút từ những mô hình tập hợp phụ nữ ở điểm cực Bắc Tổ quốc
Phụ nữ dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang phát triển nghề dệt lanh truyền thống - Ảnh: An Thành Đạt
Bà Chu Thị Ngọc Diệp, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Giang, cho biết: Hà Giang có 19 dân tộc cùng chung sống. Hội viên, phụ nữ chủ yếu là nông dân, trong đó phần lớn là người dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp. Tỷ lệ hộ nghèo, mù chữ, tái mù chữ cao. Địa hình chia cắt mạnh, giao thông đi lại khó khăn. Một số phong tục, tập quán lạc hậu ảnh hưởng đến sự phát triển và tiến bộ phụ nữ… Đây là những rào cản trong công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia các phong trào thi đua và hoạt động Hội.
Trước thực tế đó, Hội LHPN tỉnh Hà Giang đã tăng cường các giải pháp, hướng dẫn các cấp Hội tập trung chỉ đạo thành lập, đa dạng các mô hình tập hợp phụ nữ, thu hút hội viên; ứng với mỗi mô hình là phương thức hoạt động sát thực tế ở cơ sở. Qua đó, hàng trăm câu lạc bộ, nhóm, tổ phụ nữ đã được thành lập, tập trung vào các lĩnh vực phát triển kinh tế; xây dựng gia đình hạnh phúc; tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới... Cụ thể, các cấp Hội trong tỉnh đã thành lập 546 "Tổ phụ nữ liên kết phát triển kinh tế". Trong đó, "Tổ phụ nữ liên kết chăn nuôi lợn nái luân chuyển" phù hợp với phụ nữ dân tộc thiểu số và phụ nữ tôn giáo ở vùng sâu, vùng xa, vừa có sức lan toả.
Đặc biệt là mô hình hướng dẫn khách du lịch, thành lập "Tổ phụ nữ liên kết hướng dẫn khách du lịch đến tham quan Cao nguyên đá Đồng Văn" tại các xã thuộc 4 huyện vùng cao phía Bắc. Các thành viên trong tổ vừa hướng dẫn, giới thiệu địa danh vừa giới thiệu dịch vụ thương mại với khách ở điểm du lịch trên địa bàn xã. Mô hình này đã phát huy nội lực của phụ nữ, phát triển thương mại-du lịch, tạo việc làm cho nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số. Ngoài ra, còn có các mô hình hiệu quả khác như: "Phụ nữ xách làn/quẩy tấu đi chợ"; "Tổ phụ nữ tự quản tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới"; "Tổ phụ nữ yêu thích hát ru, hát dân ca"…
Chủ tịch Hội LHPN Hà Giang Chu Thị Ngọc Diệp khẳng định, việc đổi mới hình thức tuyên truyền, vận động phụ nữ dân tộc thiểu số, tôn giáo thông qua các mô hình đã và đang thu hút ngày càng đông phụ nữ đến với tổ chức Hội. Nhờ đó, tỷ lệ phát triển hội viên phụ nữ trong nhiệm kỳ 2016-2021 tăng mạnh. Năm 2017, toàn tỉnh có 151.975 hội viên, tỷ lệ thu hút hội viên đạt 59,51%. Con số này vào năm 2021 là 168.568 hội viên, tỷ lệ thu hút hội viên đạt 63,6%.