pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tái kích cầu, “phá băng” thị trường du lịch
Ngành du lịch đang lên kế hoạch triển khai nhiều chương trình tái kích cầu. Ảnh minh họa
Dịch Covid-19 tái bùng phát từ cuối tháng 7/2020 đã tác động nặng nề đến ngành du lịch. Anh Trần Văn Anh, quản lý một công ty du lịch nhỏ tại Hà Nội cho biết: Thị trường du lịch mùa hè vừa bắt đầu sôi động thì lại phải dừng hoạt động. Tiền vốn bị đọng nhiều trong các khoản đặt cọc vé máy bay, dịch vụ lưu trú… khiến công ty kiệt quệ.
Đây không chỉ là khó khăn của các công ty nhỏ, mà ngay cả các hãng lữ hành lâu năm cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Trước những khó khăn du lịch trong nước, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đang phối hợp với các hãng hàng không, địa phương, doanh nghiệp đề xuất các giải pháp để triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa giai đoạn 2 phù hợp với tình hình mới và đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
Tái khởi động nhiều chương trình kích cầu du lịch
Cùng với những diễn biến tích cực về tình hình dịch bệnh Covid-19, ngành du lịch đang triển khai nhiều chương trình tái kích cầu du lịch nội địa an toàn, xây dựng sản phẩm phù hợp với tình hình mới.
Nối tiếp chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam", các doanh nghiệp du lịch như Vietravel, Fiditour, Saigontourist, TST Tourist đang triển khai bán tour du lịch trong phạm vi thành phố và tour du lịch ngắn ngày đến các địa phương chưa có người nhiễm Covid-19.
Cụ thể, công ty Vietravel đang giới thiệu bộ tour du lịch Combo TripU đến Phú Quốc và thành phố Vũng Tàu. Để kích cầu, doanh nghiệp này còn tổ chức cuộc thi Thử tài làm Vlogger, diễn ra đến 15/9/2020 để khuyến khích mọi người tham gia chia sẻ về những điểm mới lạ, hấp dẫn, thú vị của từng địa phương trong khắp cả nước.
TST Tourist cũng đang tiếp tục tung ra thị trường những đường tour du lịch mùa thu với điểm đến chọn lọc, đáp ứng được tiêu chí an toàn, phòng, chống dịch bệnh.
Tại các địa phương, chương trình tái kích cầu du lịch cũng được triển khai. Tiêu biểu như tỉnh Quảng Ninh, với gói kích cầu du lịch với giá trị khoảng 100 tỷ đồng, bao gồm: giảm 50% giá vé thu phí vào điểm tham quan, tham quan lưu trú trên vịnh Hạ Long và vé thu phí tham quan du lịch tại các điểm: Bảo tàng Quảng Ninh, Khu di tích danh thắng Yên Tử trong thời gian từ 9/9/2020 đến hết ngày 31/12/2020. Vào các ngày lễ đặc biệt như 20/10, 20/11, 22/12, giảm 100% giá vé thu phí vào điểm lưu trú trên vịnh Hạ Long.
Cùng với các chương trình giảm giá, ưu đãi, Tổng cục du lịch cũng đang triển khai hoạt động truyền thông dựa trên nền tảng công nghệ, xây dựng ứng dụng trên website, app trên điện thoại thông minh sử dụng bản đồ số cung cấp thông tin chính xác về các vùng du lịch, điểm đến an toàn gắn với biểu tượng an toàn để du khách có thể chủ động tham gia.
Tăng cường kết nối ra thị trường quốc tế
Để chuẩn bị cho kế hoạch kích cầu du lịch lần thứ 2 này, ngành du lịch không chỉ hướng đến đối tượng khách nội địa, mà còn chuẩn bị cả kịch bản để đón khách quốc tế khi điều kiện cho phép.
Ngay từ cuối tháng 8 một số Hội nghị trực tuyến đã được thực hiện để hợp tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Ví dụ như Hội nghị trực tuyến giữa Tổng cục Du lịch và Cục Du lịch Đài Loan (Trung Quốc) diễn ra vào ngày 26/8.
Để thu hút khách quốc tế sau dịch Covid-19, ngành du lịch Việt Nam đẩy mạnh marketing trên các nền tảng điện tử (E-marketing), truyền thông chiến dịch "Vietnam Now", "Visit Vietnam from home" trên website www.vietnam.travel; xây dựng ấn vật phẩm và video quảng bá Việt Nam an toàn, thân thiện, hấp dẫn.
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết sẽ tiếp tục tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam online, kết nối doanh nghiệp tới thị trường các nước nói tiếng Anh, nghiên cứu và hoàn thiện kế hoạch mở cửa thị trường khách du lịch quốc tế ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.