pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tấm chân tình bộ đội biên phòng giúp người nghiện từ bóng tối bước ra ánh sáng
Từng là người nghiện, nhiễm HIV bị cả xóm làng xa lánh
Biết có người lạ đến tìm, dù đang chăn bò ở bìa rừng khá xa nhà, anh Phạm Ngọc Minh (1975) xóm Khe 5, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh vẫn lùa đàn bò về chuồng sớm hơn mọi ngày. Dáng người anh khoẻ mạnh, không có vẻ gì của "con nghiện nhiễm "H" với bộ dạng tiều tuỵ, thất thểu như "xác chết di động" thủa nào. Anh Minh cười tươi vẻ ngại ngần: "Em không giấu gì các anh chị, trước đây em nghiện ngập nặng. Năm 2003, em đi trại, năm 2004 được ra. Về rồi em vẫn nghĩ toàn chuyện tối tăm, vì Sơn Kim 1 đang là điểm nóng về tệ nạn ma tuý thời ấy, không nghĩ mình sẽ thoát khỏi tệ nạn được, em chỉ chờ chết…".
Phạm Ngọc Minh nhớ rất rõ, với một người nghiện nhiễm HIV vừa ra trại, ngay chính người thân gia đình cũng e ngại. Ra đường ai nhìn thấy anh cũng lảng tránh, đề phòng. Đúng lúc anh đang chới với giữa đời, bộ đội biên phòng (BĐBP) đã đến nhà vận động, giúp anh đứng dậy. "Người nghiện chúng em lúc ý sợ lắm, không dám gặp biên phòng đâu. Sau một thời gian thấy BĐBP cứ đi lại nhà mình mỏi mòn, em tò mò gặp thử. Nghe các anh vận động đi làm, ra cửa khẩu bốc vác hàng từ xe này sang xe khác" - anh Minh kể. "Hồi đầu, các chủ hàng không muốn nhận người nghiện, bộ đội biên phòng phải đứng ra nhận hàng, giao lại cho người nghiện làm. Vừa có việc làm, vừa có tiền sinh sống, em thấy mừng vì một người bỏ đi như mình vẫn kiếm được tiền bằng mồ hôi, công sức để sống" - Anh Phạm Ngọc Minh tâm sự. Anh Minh xúc động nói: "47 người trong CLB giờ đều đã cắt cơn nghiện. Nhìn lại những ngày qua, em thấy mình là người hạnh phúc nhất".
CLB tình thương giúp người nghiện trở lại với cộng đồng
Thượng tá Phan Chí Vỵ, Chính trị viên Đồn Biên Phòng Cửa Khẩu Quốc tế Cầu Treo, Hà Tĩnh, cho biết: Giai đoạn từ năm 2004 đến năm 2010, thôn Khe 5 được xem là điểm nóng về ma túy và HIV. Vì vậy chúng tôi đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) tình thương (tháng 6/2010), chọn chính thôn Khe 5 là nơi tập trung và sinh hoạt tại nhà hội quán thôn.
"Thời gian đầu, nhiều người dân có tâm lý sợ hãi, ngại tiếp xúc và thậm chí xa lánh người nghiện và bị nhiễm HIV. Không ít gia đình bỏ nhà đi nơi khác sống, vì lo sợ con cháu lớn lên sẽ bị ảnh hưởng bởi tệ nạn ma tuý, HIV ở đây. Bên cạnh đó, những người trong cuộc cũng mặc cảm, tự ti, không muốn công khai thân phận của mình. Nhưng với tinh thần đoàn kết trong nhân dân và Đồn BP, các thành viên CLB ngày càng gắn bó. Đến nay, CLB được xem là mái nhà chung cho 47 thành viên không may lầm lỡ tham gia sinh hoạt. Anh Minh chính là người đầu tiên vào CLB" – Thượng tá Phan Chí Vỵ nhớ lại.
Những ngày đầu gian nan và cái kết…
Trung tá Phan Văn Thông (1971), Đội vận động quần chúng, Đồn BP Cửa khẩu Cầu Treo, tỉnh Hà Tĩnh đã gắn bó với CLB từ ngày đầu thành lập, hồ hởi kể: "Hồi đầu, khi được giao nhiệm vụ trên địa bàn nóng về tệ nạn ma tuý, các đồng chí trong đội chúng tôi lăn lộn ở cơ sở để rà soát các đối tượng. Khó khăn nhất là tiếp cận các đối tượng. Họ không muốn gặp biên phòng, sợ chúng tôi đến lấy hồ sơ sẽ bắt đi trại, nên họ luôn lẩn trốn. Qua nhiều lần, bằng phương pháp tuyên truyền vận động "mưa dầm thấm lâu", đến 1 lần không gặp thì chúng tôi đến nhiều lần. Mỗi lần đến nhà các đối tượng, qua người lớn tuổi, người có uy tín trong dòng họ, gia đình, chúng tôi thân tình chuyện trò và nói rõ, BĐBP chỉ làm tốt công tác phòng chống ma tuý, chứ không đến bắt ai đi đâu cả. Dần dần, các đối tượng đã chịu ra gặp chúng tôi".
Trung tá Thông cho biết: "Riêng với anh Minh, một người vừa nghiện, vừa nhiễm HIV, chúng tôi phải đến cả chục lần, anh mới chịu gặp. Sau này anh là thành viên tích cực nhất của CLB".
Theo Trung tá Thông, ban đầu, CLB có 15 thành viên, song những ngày đầu CLB hoạt động rất khó khăn. Người dân xa lánh, bản thân các thành viên còn nhiều mặc cảm. Do đó, Ban chủ nhiệm Đồn đã vận động các cấp uỷ ở thôn Khe 5, đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, CCB, Bí thư chi bộ, công an viên cùng vào CLB chia sẻ, sinh hoạt cùng 15 thành viên nghiện để họ không thấy đơn lẻ. Sự gần gũi, gắn bó từ các đoàn thể địa phương đã giúp các thành viên CLB yên tâm, tự phấn đấu để hoàn lương sớm nhất. Đến nay, đã có 47 thành viên tham gia CLB. Trong đó, có 12 người nhiễm HIV và 4 đối tượng nghiện, 5 đối tượng có gia đình khó khăn, bố mẹ, anh chị của người nghiện đã chết cũng vào CLB để sinh hoạt, chia sẻ.
Đầu năm 2014, CLB đề xuất và được Bộ chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo hỗ trợ anh Phạm Quang Minh - thành viên vừa bị nhiễm HIV, vừa nghiện ma tuý số tiền 50 triệu đồng để xây nhà ở, không làm gánh nặng cho cha mẹ già. Ngoài ra, Ban chủ nhiệm kêu gọi chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, gia đình đóp góp ủng hộ anh Minh xây nhà, các thành viên trong CLB đóng góp ngày công giúp anh Minh dựng nhà. Cả đời anh Minh không nghĩ rằng, anh có căn nhà được xây dựng bằng tình yêu thương của cả cộng động, người dân địa phương.
Từ tấm gương vượt bóng tối ra ánh sáng của anh Minh, nhiều thành viên trong CLB có hoàn cảnh khó khăn đã biết vươn lên, xây dựng gia đình hạnh phúc. Con cái họ thi đua học hành chăm chỉ, có gia đình các con đã đạt nhiều giải cao của huyện, của trường như gia đình anh Bình - chị Loan; gia đình anh Hoàn - chị Thương; gia đình chị Thương thôn Kim Cương 1...
Trung tá Thông cho biết: Để tiếp tục giúp đỡ các thành viên trong CLB ổn định cuộc sống, Ban chủ nhiệm CLB kêu gọi, vận động thông qua Ban chỉ huy Đồn, Bộ Tư lệnh BP tỉnh Hà Tĩnh kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp trên địa bàn giúp đỡ được số tiền 300 triệu đồng. Số tiền này chúng tôi mua 13 con bò ở độ tuổi sinh sản, sau đó giao bò lại cho các thành viên trong CLB chăm sóc. Khi bò mẹ sinh ra con bê đến 6 tháng tuổi, Ban chủ nhiệm thu bò mẹ lại, giao cho thành viên khác nuôi. Cứ thế xoay vòng đến nay đã nhân đàn bò của CLB lên 45 con bò con, giao tặng hẳn cho thành viên trong CLB nuôi. Nhờ đó, mô hình hỗ trợ kinh tế cho người nghiện rất hiệu quả.
Ngoài ra, chúng tôi cho các thành viên CLB vay từ 2 triệu đến 10 triệu đồng để mua cây keo giống trồng rừng, nuôi dê và nuôi heo. Đến nay, các hộ thành viên được giúp đỡ đều phát triển kinh tế gia đình ổn định.
Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo những ngày này vắng hoe, vì người dân 2 bên biên giới Việt – Lào lo ngại dịch Covid-19 nên hạn chế đi làm, thông thương, nhưng ở xã Sơn Kim 1, bà con nơi đây vẫn rộn rã truyền cảm hứng cho nhau câu chuyện gần 50 người nghiện đã từ bỏ ma tuý, trở thành người có ích cho xã hội, gia đình, làng xóm yên vui. Nhà ông Phạm Quang Đề (70 tuổi) và bà Nguyễn Thị Xanh (63 tuổi) - là bố mẹ đẻ anh Minh - ở ngay sát căn nhà tình thương của anh luôn có bà con ra vào sẻ chia. Những giọt nước mắt đau xót của cha mẹ có đứa con hư ngày nào chỉ còn trong ký ức của ông bà Đề, bởi chính cậu con trai ấy nay lại đem đến niềm tự hào và sự lan toả ấm áp trong trái tim ông bà ở những năm tháng cuối đời./.