Tán đồng việc quy định bảo hiểm vi mô trong Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

PVH
22/03/2022 - 15:18
Tán đồng việc quy định bảo hiểm vi mô trong Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Thành viên/khách hàng vay vốn từ Tổ chức tài chính vi mô Tình Thương - TYM (thuộc Hội LHPN Việt Nam)

Tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 22/3, nhiều ý kiến cho rằng, bảo hiểm vi mô là sản phẩm bảo hiểm hướng tới đối tượng khách hàng là các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp; cần tạo cơ sở pháp lý rõ ràng trong việc tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô.

Tiếp tục chương trình đợt 2 phiên họp thứ 9, sáng nay (22/3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Trong đó, nội dung đáng chú ý là các quy định về bảo hiểm vi mô trong dự thảo Luật nhằm tạo cơ sở pháp lý rõ ràng trong việc tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô tại Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết: Các quy định liên quan tới bảo hiểm vi mô trong Dự thảo luận Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Có nhóm ý kiến đồng tình với việc quy định về bảo hiểm vi mô tại dự thảo Luật để có căn cứ pháp lý trong việc tổ chức cung cấp bảo hiểm tới các đối tượng có thu nhập thấp, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng cao nhằm bảo vệ họ trước những rủi ro có thể xảy ra, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Ngược lại, có ý kiến khác đề nghị cân nhắc quy định bảo hiểm vi mô tại dự thảo Luật vì bảo hiểm vi mô có tính chất tương hỗ, an sinh xã hội, phi lợi nhuận, trong khi phạm vi của Luật có tính chất kinh doanh.

Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021). Nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ đồng tình cần thiết phải ban hành luật này, đồng thời xây dựng chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức triển khai sản phẩm bảo hiểm vi mô vì mục tiêu an sinh xã hội.

Đến nay tỷ lệ tham gia bảo hiểm vi mô khoảng 200.000 hợp đồng. Người tham gia được bảo hiểm chi trả bồi thường khi không may xảy ra tai nạn, ốm đau mà không cần tới sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước.

Ông Vũ Hồng Thanh cho rằng, bảo hiểm vi mô là sản phẩm bảo hiểm hướng tới đối tượng khách hàng là các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, khó tiếp cận với các sản phẩm bảo hiểm thương mại thông thường. Việc quy định bảo hiểm vi mô trong dự thảo Luật sẽ tạo cơ sở pháp lý rõ ràng trong việc tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô và có cơ chế để khuyến khích phát triển các sản phẩm bảo hiểm vi mô tại Việt Nam.

 Vì vậy, cần thiết quy định về bảo hiểm vi mô trong dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm; tuy nhiên Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị chỉ quy định nguyên tắc triển khai, đối tượng được triển khai bảo hiểm vi mô tại dự thảo luật và giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung này để bảo đảm kết cấu chung của dự thảo Luật cũng như tính khả thi trong thực tế đời sống.

Tán đồng việc quy định bảo hiểm vi mô trong Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật

Tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí với sự cần thiết quy định về bảo hiểm vi mô trong Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cần rà soát dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; nghiên cứu hoàn thiện các quy định về hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng vô hiệu, loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe cho trường hợp chết, bảo đảm phù hợp với các nguyên tắc chung về hợp đồng theo quy định…

Bảo hiểm vi mô của Hội LHPN Việt Nam đã triển khai từ những năm 1990, hình thành và phát triển thông qua hoạt động tín dụng vi mô. Bảo hiểm vi mô của Hội được thực hiện dưới hình thức "tương hỗ", phi lợi nhuận với sản phẩm tương trợ vốn vay cho thành viên vay vốn từ Tổ chức tài chính vi mô Tình Thương – TYM, với 118.900 hợp đồng bảo hiểm vốn vay (tính đến tháng 8/2021).

Thời gian qua, bảo hiểm vi mô của Hội LHPN Việt Nam đã chi trả hơn 11 tỷ đồng cho trên 500 trường hợp khách hàng tử vong. Quỹ bảo hiểm vi mô đã phối hợp với các cấp Hội phụ nữ và TYM hoàn tất các thủ tục chi trả cho thành viên trong thời gian tối đa là 7 ngày khi khách hàng gặp rủi ro.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm