Thiếu hành lang pháp lý khiến bảo hiểm vi mô khó phát triển

PVH
29/10/2021 - 16:20
Thiếu hành lang pháp lý khiến bảo hiểm vi mô khó phát triển

Hoạt động cho vay vốn của Tổ chức tài chính vi mô Tình Thương - TYM tại huyện Anh Sơn - Nghệ An. Ảnh H. Hòa

Thảo luận về Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) sáng 29/10, nhiều đại biểu cho rằng, chỉ định khung 2 điều về bảo hiểm vi mô, sẽ gây khó khăn, vướng mắc khi triển khai trên thực tế.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 2, sáng 29/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình cần thiết phải ban hành luật này, đồng thời xây dựng chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức triển khai sản phẩm bảo hiểm vì mục tiêu an sinh xã hội.

Đại biểu Nguyễn Như So, đoàn ĐBQH tỉnhBắc Ninh, đồng tình với việc bổ sung một chương về bảo hiểm vi mô, đồng thời nhấn mạnh loại hình bảo hiểm này "mang tính xã hội rất cao, hướng tới những đối tượng yếu thế, người thu nhập thấp, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, mà hiện nay chưa có luật nào quy định vấn đề này".

Theo đại biểu, thực tế cho thấy, việc thiếu hành lang pháp lý về bảo hiểm vi mô cũng là nguyên nhân khiến cho bảo hiểm vi mô dù có thời gian dài thí điểm 10 năm nhưng tỷ lệ người tham gia rất thấp.

Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) chỉ định khung 2 điều về bảo hiểm vi mô, sẽ gây khó khăn, vướng mắc khi triển khai trên thực tế. Đại biểu Nguyễn Như So đề nghị: "Bổ sung cụ thể hóa các quy định về bảo hiểm vi mô tại dự thảo, như quy định rõ khung pháp lý, tổ chức, điều kiện triển khai sản phẩm bảo hiểm, bổ sung các cơ cấu khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm chuyên sâu thực hiện bảo hiểm vi mô".

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Việt Hà, đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang, cho rằng: Dự thảo luật chỉ giành hai điều để quy định về bảo hiểm vi mô; các nội dung để thực hiện còn chưa được đầy đủ, chưa được rõ ràng, khó đảm bảo khả thi, hiệu quả trên thực tế.

Đại biểu đề nghị những nội dung trọng yếu như về tiêu chí, điều kiện của doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức tương hỗ, việc quản trị rủi ro hoạt động nghiệp vụ hay là quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức tương hỗ thì cần phải quy định trong luật thay vì giao cho Chính phủ quy định như dự thảo".

Thiếu hành lang pháp lý khiến bảo hiểm vi mô khó phát triển - Ảnh 1.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước, thảo luận trực tuyến tại điểm cầu Bình Phước

Còn đại biểu Điểu Huỳnh Sang, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước, nhấn mạnh: Bảo hiểm vi mô là một trong những giải pháp góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện, giúp cho người nghèo có thói quen tích lũy tài chính, đặc biệt là đối với các nhóm yếu thế, mang lại lợi ích rất lớn cho toàn xã hội.

Thế nhưng, việc triển khai tại Việt Nam chưa thật sự phát triển, do bộ phận chủ yếu hướng đến của sản phẩm bảo hiểm vi mô thường ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khó tiếp cận, chi phí triển khai thường lớn hơn các sản phẩm bảo hiểm thông thường. Nhưng rủi ro nhiều hơn nên đa số doanh nghiệp đang kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam cũng chưa muốn cung cấp bảo hiểm vi mô.

Đến nay tỷ lệ tham gia bảo hiểm vi mô khoảng 200.000 hợp đồng. Người tham gia được bảo hiểm chi trả bồi thường khi không may xảy ra tai nạn, ốm đau mà không cần tới sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước.

Theo dự thảo luật sửa đổi, các tổ chức được cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô gồm doanh nghiệp bảo hiểm được cấp phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam. Tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô được cấp phép thành lập và hoạt động để cung cấp các sản phẩm bảo hiểm vi mô cho chính các thành viên của mình. Tuy nhiên xét về mặt pháp lý của các tổ chức tương hỗ, quy định tại dự thảo luật chưa chặt chẽ, không cụ thể về ngăn ngừa rủi ro.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang bày tỏ băn khoăn về điều kiện cấp phép thành lập và hoạt động, tổ chức hoạt động, quản trị rủi ro, hoạt động nghiệp vụ, chế độ tài chính và quản lý nhà nước đối với tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vĩ mô. Bởi đây là vấn đề mới, nhưng trong dự thảo luật chỉ mới quy định ở hai điều nhằm tạo điều kiện thu hút cá nhân, tổ chức tham gia cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho người nghèo.

Thiếu hành lang pháp lý khiến bảo hiểm vi mô khó phát triển - Ảnh 3.

Đại biểu Lâm Văn Đoan, đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng

Để đảm bảo tính khả thi, đại biểu này kiến nghị làm rõ yêu cầu lợi nhuận, phi lợi nhuận của bảo hiểm vi mô, đồng thời đánh giá kỹ tác động về kinh tế, chi phí, lợi ích của loại hình bảo hiểm này. Bổ sung đầy đủ các quy định về bảo hiểm vi mô và làm rõ sự khác biệt giữa loại hình bảo hiểm vi mô với các bảo hiểm thông thường. Xác định rõ vai trò của các tổ chức tham gia...

Đại biểu Lâm Văn Đoan, đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, kiến nghị: Để các quy định về bảo hiểm vi mô có tính khả thi, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần đối thoại trực tiếp với các công ty bảo hiểm, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội có nhu cầu tham gia kinh doanh bảo hiểm vi mô để tìm hiểu, phân tích nhu cầu các khó khăn, rào cản trong việc thực hiện các sản phẩm bảo hiểm vi mô để từ đó xây dựng một khung pháp lý phù hợp, sát với thực tiễn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm