Kiến nghị bổ sung quy định tạo cơ sở để bảo hiểm vi mô phát triển

PVH
25/10/2021 - 12:41
Kiến nghị bổ sung quy định tạo cơ sở để bảo hiểm vi mô phát triển

Hoạt động tín dụng vi mô hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Ảnh TYM

Thảo luận tại tổ sáng 25/10 về Dự án Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), nhiều đại biểu nêu dẫn chứng về Bảo hiểm vi mô của Hội LHPN Việt Nam đã triển khai nhiều năm qua; đồng thời đề xuất nâng cao vai trò của tổ chức chính trị - xã hội trong triển khai loại hình bảo hiểm này.

Tiếp tục chương trình làm việc sáng 25/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Phát biểu tại tổ 8, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội, đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang, cho rằng: Kinh doanh bảo hiểm có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hiện nay, người dân đang phải đối diện với nhiều biến cố trong cuộc sống như thiên tai, dịch bệnh, công việc rủi ro. Xu hướng người dân tham gia bảo hiểm ngày càng nhiều.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, một loại hình bảo hiểm mới là "bảo hiểm vi mô" đã được quy định trong dự thảo luật này. Loại hình bảo hiểm này hướng tới đối tượng thu nhập thấp, nhằm bảo vệ họ trước những khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên, loại hình này có những đặc thù riêng, khác loại hình bảo hiểm thông thường. Đại biểu này đề nghị Chính phủ có nghiên cứu, bổ sung những quy định về vai trò của tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện bảo hiểm vi mô. Qua đó, tạo khuôn khổ pháp lý để các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện được chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên.

Bảo hiểm vi mô của Hội LHPN Việt Nam đã triển khai từ những năm 1990, hình thành và phát triển thông qua hoạt động tín dụng vi mô. Bảo hiểm vi mô của Hội được thực hiện dưới hình thức "tương hỗ", phi lợi nhuận với sản phẩm tương trợ vốn vay cho thành viên vay vốn từ Tổ chức tài chính vi mô Tình Thương – TYM.

Tới tháng 8/2021, số lượng khách hàng/thành viên TYM là hơn 102.300 phụ nữ với hơn 118.900 hợp đồng bảo hiểm vốn vay. Nhờ vào tính hiệu quả và quyền lợi thiết thực của loại hình bảo hiểm này, nên 100% khách hàng của TYM, trong đó có những người phụ nữ nghèo, cận nghèo, phụ nữ yếu thế đã tự nguyện tham gia bảo hiểm. Trường hợp tử vong, khách hàng sẽ được chi trả số tiền bảo hiểm bằng toàn bộ số tiền vốn đã vay ban đầu từ TYM.

Thời gian qua, bảo hiểm vi mô của Hội LHPN Việt Nam đã chi trả hơn 11 tỷ đồng cho trên 500 trường hợp khách hàng tử vong. Quỹ bảo hiểm vi mô đã phối hợp với các cấp Hội phụ nữ và TYM hoàn tất các thủ tục chi trả cho thành viên trong thời gian tối đa là 7 ngày khi khách hàng gặp rủi ro.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, qua thực tế triển khai hình thức bảo hiểm vi mô cho thấy, mặc dù trong Dự thảo luật đã có quy định nhưng vẫn chưa đủ để hoạt động tài chính vi mô hoạt động một cách hiệu quả. Theo đó, đại biểu này đề nghị, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung tại Điều 4 về giải thích từ ngữ, cần bổ sung giải thích thế nào là "bảo hiểm vi mô", để nhất quán với hình thức khác.


Kiến nghị bổ sung quy định tạo cơ sở để bảo hiểm vi mô phát triển - Ảnh 2.

Các đại biểu tại Tổ 8 ngày 25/10

Tại Điều 8, có quy định 3 hình thức bảo hiểm, gồm: Bảo hiểm nhân thọ, Bảo hiểm phi nhân thọ, Bảo hiểm sức khỏe. Trong khi đó, "bảo hiểm vi mô" đã quy định thành một chương trong đạo luật này. Theo đó, nếu xác định "bảo hiểm vi mô" là loại hình bảo hiểm riêng, thì cần bổ sung vào các loại hình bảo hiểm tại điều 8 nêu trên, để thể hiện được rõ loại hình này. Cùng với đó, rất cần bổ sung thêm tại Điều 11 về vai trò và sự tham gia của tổ chức chính trị - xã hội trong các hoạt động bảo hiểm.

Cũng tại tổ 8, bày tỏ đồng tình và đánh giá cao vai trò, ý nghĩa của bảo hiểm vi mô, đại biểu Nguyễn Hải Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, đoàn ĐBQH Thừa Thiên - Huế, chia sẻ: Qua thực tế tại các địa phương có tín dụng vi mô đã giúp những gia đình rất nghèo tiếp cận nhanh với nguồn vốn để sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo. Nguồn vốn nhỏ từ 3 đến 5 triệu đồng, hộ gia đình nghèo có thể mua được gà, lợn để sản xuất, nuôi trồng thoát nghèo, có tiền cho con đi học. Đặc biệt, bảo hiểm vi mô, với đặc thù rất khác với các loại hình bảo hiểm khác, có vai trò quan trọng hỗ trợ các gia đình trước rủi ro, bất trắc, góp phần tạo sự đa tầng mạng lưới an sinh xã hội.

Trên cơ sở những ý nghĩa thiết thực của bảo hiểm vi mô nêu trên, cũng như việc đa dạng hóa các loại hình bảo hiểm đảm bảo an sinh xã hội cho người nghèo, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, một số đại biểu khác cũng bày tỏ đồng tình, nhất trí với các quy định nhằm thúc đẩy bảo hiểm vi mô phát triển, đồng thời đề nghị bổ sung thêm các quy định nhằm nâng cao vai trò của tổ chức chính trị - xã hội tham gia vào hoạt động kinh doanh, quản lý hiệu quả loại hình bảo hiểm này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm