214 triệu phụ nữ chưa được đáp ứng nhu cầu sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại
Nhân ngày Dân số Thế giới 11/7/2019 với chủ đề “25 năm sau Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD): Thúc đẩy tiến độ nhằm hiện thực hóa những nội dung đã cam kết”, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam tái khẳng định sự cam kết của mình trong việc thúc đẩy tiến độ nhằm hiện thực hóa những nội dung đã cam kết tại Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) tổ chức tại Cairo (Ai Cập) năm 1994.
Khi đó, 179 quốc gia bao gồm Việt Nam đã thông qua một chương trình hành động với tầm nhìn sâu rộng trong lĩnh vực dân số và phát triển. Các quốc gia đều đồng thuận với quan điểm cho rằng chúng ta cần đặt con người vào vị trí trung tâm, thực hiện trao quyền cho phụ nữ và cho phép mọi người dân được tự do quyết định thời điểm và khoảng cách giữa các lần sinh một cách phù hợp với hoàn cảnh của chính mình. Đây là cơ sở để đạt được các mục tiêu về phát triển bền vững.
Kể từ năm 1994 đến nay, thế giới đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Năm 1994, chỉ khoảng 15% phụ nữ đã kết hôn tại các nước kém phát triển nhất có sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Hiện tỷ lệ này là 37%. Mặt khác, 25 năm trước, tử vong của phụ nữ liên quan đến thai sản (tỷ số tử vong mẹ) tại các nước kém phát triển nhất là xấp xỉ 800/100.000 sơ sinh sống. Hiện con số này đã giảm xuống một nửa. Ngoài ra, trước đây, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh sản tại các quốc gia kém phát triển nhất là 6 con/phụ nữ. Hiện 1 phụ nữ tại các quốc gia này chỉ còn tối đa là 4 con.
Hơn một nửa số phụ nữ đã kết hôn đang sử dụng 1 biện pháp tránh thai hiện đại nào đó và tỷ suất sinh trung bình trên toàn cầu đang ở mức 2,5 ca sinh/phụ nữ. Tỷ suất sinh này bằng một nửa so với tỷ suất sinh năm 1969. Bên cạnh đó, trong hơn 50 năm qua, phong trào trao quyền cho phụ nữ nhằm giúp họ có thể tự đưa ra quyết định về việc có sinh con hay không, thời điểm sinh, khoảng cách sinh và quyết định sinh con với ai đã tạo nên những sức mạnh nhất định.
Tuy nhiên, trên thế giới hiện nay vẫn còn 214 triệu phụ nữ chưa được đáp ứng nhu cầu sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Mỗi ngày vẫn có hơn 800 phụ nữ tử vong do các nguyên nhân có thể phòng ngừa được trong giai đoạn mang thai và sinh nở. Đâu đó trong các hoàn cảnh chiến tranh hoặc thảm họa, vẫn có hàng triệu phụ nữ không được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình hoặc các dịch vụ đảm bảo việc sinh nở an toàn. Mỗi cuộc khủng hoảng nhân đạo, cho dù có nguyên nhân từ xung đột hay do thiên tai, đều phá vỡ các hệ thống hiện hành và làm tăng các nhu cầu cần được bảo vệ và nhu cầu sử dụng dịch vụ. Khủng hoảng có thể khiến phụ nữ mang thai và các bà mẹ có con nhỏ lâm vào những tình cảnh vô cùng tồi tệ. Chấn thương và tình trạng suy dinh dưỡng là những yếu tố gây nguy hiểm trong giai đoạn thai kỳ và trong nhiều trường hợp khẩn cấp, nhiều phụ nữ đã bị sẩy thai hoặc sinh non.
Thiếu các điều kiện cơ bản để đảm bảo cho phụ nữ có thể sinh con trong điều kiện sạch sẽ làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng và có thể dẫn tới tình trạng tử vong cho cả mẹ và con. Khi hệ thống cung cấp dịch vụ bị phá vỡ, các ca sinh có thể sẽ không có sự tham gia của nhân viên hộ sinh có kỹ năng hoặc không có sự trợ giúp của các dịch vụ cấp cứu sản khoa. Trong trường hợp này, nếu sản phụ phát sinh các biến chứng, nguy cơ tử vong sẽ là diều khó tránh khỏi đối với cả mẹ và bé. Sự gián đoạn trong việc sử dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình có thể dẫn tới việc mang thai ngoài ý muốn hoặc nghiêm trọng hơn là dẫn tới việc nạo phá thai không an toàn.
Ước tính năm 2019 có khoảng 35 triệu phụ nữ, trẻ em gái và thanh niên/vị thành niên có nhu cầu cần sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/ sức khỏe tình dục và các dịch vụ hỗ trợ liên quan tới bạo lực giới trong các hoàn cảnh khủng hoảng nhân đạo.
Đảm bảo không có ai bị bỏ lại phía sau
Từ năm 2016 đến nay, Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới đã và đang bước vào giai đoạn thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững với mong muốn đạt được 17 Mục tiêu Phát triển bền vững đã đề ra. Chương trình nghị sự và những mục tiêu này tập trung vào việc xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người dân, đồng thời đảm bảo không một ai bị bỏ lại phía sau.
UNFPA đã xây dựng kế hoạch chiến lược mới nhằm hỗ trợ Chương trình nghị sự 2030 và củng cố cam kết của mình tới Chương trình hành động ICPD và cam kết của mình trong việc đạt được 3 kết quả chuyển đổi vào thời điểm năm 2030: Không còn tử vong mẹ liên quan đến thai sản do các nguyên nhân có thể phòng tránh được; Không còn nhu cầu nào chưa được đáp ứng về Kế hoạch hóa gia đình; Không còn bạo lực giới và các hành vi có hại đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Bà Astrid Bant - Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam - nhấn mạnh: “Năm 2019 là năm chúng ta kỷ niệm 25 năm ngày tổ chức Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển, cũng là năm mà UNFPA kỷ niệm sinh nhật lần thứ 50. Những cột mốc quan trọng này sẽ mang đến một cơ hội to lớn hơn để chúng ta có thể một lần nữa thể hiện cam kết mạnh mẽ của mình nhằm đảm bảo rằng tất cả mọi người dân cho dù sinh sống ở bất kỳ nơi đâu cũng đều được những lợi ích của chương trình nghị sự mang tính thay đổi này”.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dân số và kế hoạch hóa gia đình - cho biết, nước ta bắt đầu bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 và dự kiến đạt đỉnh vào năm 2020, với dân số trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 70% dân số. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Mạng lưới tầm soát, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh đã từng bước được triển khai ở tất cả các tỉnh, thành phố. Đến nay, 25% bà mẹ mang thai và 35% trẻ sơ sinh được tầm soát, chẩn đoán, can thiệp và điều trị sớm một số bệnh, tật. Tuy nhiên, nhiều vấn đề dân số đang là thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của đất nước: Quy mô dân số lớn, mật độ dân số cao và tiếp tục tăng. Mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh có xu hướng tăng. Thời kỳ dân số vàng đan xen với già hóa dân số với tốc độ rất nhanh…
Bà Astrid Bant cho hay, ở Việt Nam, cần có những dữ liệu đầy đủ về dân số, bạo lực trên cơ sở giới. Qua các số liệu thu thập được, chúng ta sẽ hiểu rõ về cách áp dụng các chính sách ở địa phương để sớm điều chỉnh cho phù hợp. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, cần tập hợp nguồn lực hỗ trợ các nhóm yếu thế như phụ nữ, người dân tộc thiểu số, người già…
Còn theo bà Lưu Bích Ngọc - Chánh văn phòng Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển Nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo - trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn mới, cần lồng ghép yếu tố biến đổi dân số vào từng chính sách bộ ngành. Ngoài ra, giải pháp điều phối liên ngành cần đi vào thực chất hơn và tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội.