pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tăng cường kết nối và nâng cao năng lực Mạng lưới lãnh đạo nữ
Lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam, Đại diện Quỹ châu Á tại Việt Nam và các thành viên Mạng lưới Lãnh đạo nữ - Ủy viên BCH TƯ Hội LHPN Việt Nam khối bộ, ngành
Thúc đẩy phụ nữ tham chính
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương chia sẻ, tháng 5/2017, TƯ Hội LHPNVN Việt Nam đã thành lập và ra mắt Mạng lưới lãnh đạo nữ gồm các chị Ủy viên BCH TƯ Hội LHPN Việt Nam khối bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Mạng lưới được thành lập với mục đích kết nối, chia sẻ kinh nghiệm và phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ nữ. Đồng thời tăng cường trách nhiệm của ủy viên Ban Chấp hành tại các bộ, ngành trong việc triển khai Nghị quyết, đề xuất các vấn đề liên quan tới phụ nữ trong ngành, lĩnh vực và tham mưu công tác phối hợp giữa các ngành với Hội.
Qua 3 năm thành lập, các thành viên mạng lưới đã được tham dự nhiều hoạt động nâng cao năng lực, đặc biệt là các kỹ năng lãnh đạo, quản lý. Mạng lưới cũng là môi trường để các chị em xây dựng mối quan hệ thân thiết, gắn bó, chia sẻ giữa các thành viên ở các bộ, ngành khác nhau và hiểu rõ hơn nhiệm vụ công tác phụ nữ và bình đẳng, tiến bộ của phụ nữ.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Hà Thị Nga, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch Mạng lưới, nhấn mạnh, Hội LHPN Việt Nam đã luôn chủ động, tích cực tham mưu công tác cán bộ nữ. Từ đó góp phần tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong chính trị. Trong nhiều nhiệm kỳ, Việt Nam luôn có nữ Phó Chủ tịch nước và hiện nay có 3 Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội là nữ, có 34 đồng chí nữ giữ chức vụ từ Thứ trưởng trở lên. Ở cấp tỉnh, có 9 đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, 2 Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và 7 Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh là nữ, cùng nhiều chị đảm nhiệm các vị trí trọng trách ở Trung ương và địa phương. Các chị đã và đang khẳng định vai trò, vị trí của mình trong từng cương vị đảm nhiệm, có những đóng góp tích cực trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước.
Phát huy vai trò Ủy viên Ban Chấp hành trong hoạt động Hội và phong trào phụ nữ
Chia sẻ về hoạt động của Mạng lưới, bà Lương Ngọc Trâm - Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, Phó Chủ tịch Mạng lưới - cho biết: Các thành viên Mạng lưới đã được tham dự các lớp tập huấn, hội thảo, tọa đàm, nâng cao kỹ năng xây dựng và phát triển Mạng lưới, tạo sự gắn kết trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo nữ bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Trong 3 năm qua, đã có 8 chị được bổ nhiệm ở chức vụ cao hơn, trong đó có 3 chị được bổ nhiệm giữ vị trí Thứ trưởng và tương đương; 1 chị được bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc và 4 chị được bổ nhiệm chức vụ Vụ trưởng, Tổng cục trưởng. Đây thực sự là niềm tự hào của đội ngũ cán bộ nữ nói chung và Mạng lưới lãnh đạo nữ Ủy viên BCH TƯ Hội LHPN Việt Nam nói riêng.
Một số chị trong Mạng lưới tham gia Tổ tư vấn pháp luật và tâm lý hỗ trợ Hội LHPN Việt Nam về pháp luật và tâm lý trong xử lý các vụ việc vi phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em; hỗ trợ tâm lý, pháp lý hợp pháp cho phụ nữ và trẻ em gái bị xâm hại, có hoàn cảnh đặc biệt, yếu thế trong xã hội… Các chị cũng rất tích cực tham gia các hoạt động Hội, đặc biệt là chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" tại 1 xã của tỉnh Hà Giang, tặng Tủ sách pháp luật cho 110 xã biên giới được hỗ trợ trong Chương trình.
Với thành công của Mạng lưới, ông Michael R. DiGregorio - Trưởng Đại diện Quỹ châu Á tại Việt Nam - đánh giá, Mạng lưới là sự kết nối chặt chẽ, là minh chứng cho thấy sự ra đời phù hợp, đáp ứng tốt nhu cầu cho các thành viên trong các Bộ ngành, phù hợp xu thế phát triển trong nước và quốc tế. Quỹ châu Á mong muốn tiếp tục đồng hành cùng Mạng lưới để hiện thực hóa mục tiêu trao quyền cho phụ nữ và nâng cao bình đẳng giới.
Với vai trò là Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch Mạng lưới, bà Hà Thị Nga mong muốn Mạng lưới tập trung triển khai các nhiệm vụ:
Thứ nhất, trong quá trình tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cần quan tâm đưa các vấn đề của phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới vào nội dung góp ý. Trong kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, cần có những hoạt động thiết thực, cụ thể trong chức trách, nhiệm vụ của mình nhằm góp phần đảm bảo đạt tỷ lệ 35% nữ ứng cử viên và 30% nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân.
Thứ hai, cần phát hiện nguồn cán bộ nữ trẻ, tiêu biểu, xuất sắc để giới thiệu vào quy hoạch. Qua đó đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển và trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ, dìu dắt cán bộ nữ trẻ nhằm nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý.
Thứ ba, đề nghị các thành viên tập trung nghiên cứu, đóng góp để thực hiện Chiến lược phát triển tổ chức Hội một cách hiệu quả. Thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa Hội và các bộ, ngành để triển khai thực hiện thành công các nghị quyết BCH TƯ Hội trong cơ quan, đơn vị. Từ đó góp phần thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội phụ nữ lần thứ XII đã đề ra.
Thứ tư, với cương vị công tác của mình, các chị cần chú trọng công tác lồng ghép giới trong quá trình xây dựng và đóng góp ý kiến vào các dự thảo Luật, văn bản dưới Luật do Bộ, ngành xây dựng.
Thứ năm, Mạng lưới tiếp tục phát huy tính kết nối, tương tác, trao đổi, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa các thành viên để cùng nhau, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ công tác Hội và thúc đẩy, hỗ trợ, sự phát triển của chính mỗi thành viên ở cương vị công tác của mình.