Tăng cường thúc đẩy bình đẳng giới Việt Nam - Mexico

Thu sương (Thực hiện)
08/03/2021 - 11:56
Tăng cường thúc đẩy bình đẳng giới Việt Nam - Mexico

Bà Sara Valdes - Đại sứ Mexico tại Việt Nam

Là đồng chủ trì nhóm bình đẳng giới (gồm các Đại sứ và Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc), bà Sara Valdes (Đại sứ Mexico tại Việt Nam) đã duy trì đối thoại thường xuyên và hiệu quả về hoạt động trong lĩnh vực bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ ở Việt Nam. Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Đại sứ Sara Valdes đã có cuộc trò chuyện cùng PNVN về vấn đề quan trọng này.

PV: Được biết, Đại sứ đã có nhiều năm gắn bó với Việt Nam, bà đánh giá thế nào về vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam?

Đại sứ Sara Valdes: Trong suốt 6 năm qua, tôi có cơ hội chứng kiến những tiến triển tích cực hướng tới quá trình bình đẳng giới ở Việt Nam, trong đó phải kể đến vai trò quan trọng của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Ngoài ra, vai trò của Quốc hội về bình đẳng giới cũng rất quan trọng. Tôi cho rằng việc bà Nguyễn Thị Kim Ngân được bầu làm nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của Việt Nam, người phụ nữ đóng vai trò nổi bật, là một tín hiệu mạnh mẽ cho việc trao quyền cho phụ nữ.

Trên phương diện kinh tế, chúng ta nhận thấy ngày càng có nhiều nữ doanh nhân nổi bật đứng đầu các tập đoàn lớn của Việt Nam (BRG, Viet Jet). Điều này không có gì đáng ngạc nhiên nếu để ý rằng các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chiếm 1/4 số doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME’s) chính thức của cả nước. Do đó, doanh nghiệp nữ đóng góp đáng kể vào nền kinh tế và giải quyết việc làm tại Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà trong báo cáo gần đây nhất mang tên "Phụ nữ, Doanh Nghiệp và Luật pháp 2021", Ngân hàng Thế giới (WB) ghi nhận Việt Nam có chỉ số 81,9%, cao hơn mức trung bình của Đông Á và Thái Bình Dương (71%). Có thể nói rằng phụ nữ Việt Nam đối mặt với ít hạn chế hơn trong nhiều khía cạnh của công việc; tuy nhiên, vẫn tồn tại một số lĩnh vực cần bình đẳng hơn nữa.

PV: Là đồng chủ trì nhóm bình đẳng giới gồm các Đại sứ quán và Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc, cá nhân Đại sứ cũng như Đại sứ quán Mexico đã làm những gì để góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của Việt Nam trong vấn đề bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ? Bà kỳ vọng gì vào sự hợp tác giữa hai nước trong vấn đề quan trọng này?

Đại sứ Sara Valdes: Đại sứ quán Mexico duy trì đối thoại thường xuyên và hiệu quả với các cơ quan khác nhau của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực bình đẳng giới. Cá nhân tôi đánh giá rất cao sự hợp tác mà tôi nhận được từ phía Bộ Ngoại giao, Nhóm Phụ nữ Cộng đồng ASEAN tại Hà Nội (AWCH) cũng như với các nhóm chuyên gia khác như Hội Nữ Trí thức hay Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam. Cũng như vậy, Đại sứ quán đã theo dõi và thúc đẩy hợp tác học thuật về bình đẳng giới giữa các cơ quan, tổ chức của Mexico và Việt Nam, trong đó thúc đẩy khả năng trao tặng học bổng của Chính phủ Mexico cho sinh viên Việt Nam.

Trên phương diện đa phương, Mexico cam kết về bình đẳng giới. Mexico là trụ sở tổ chức Hội nghị Quốc tế đầu tiên về sự Tiến bộ của Phụ nữ vào năm 1975. Mexico có những điểm tương đồng quan trọng với Việt Nam và hai bên luôn ủng hộ lẫn nhau trong các sáng kiến tại các diễn đàn đa phương, như Liên hợp quốc hoặc Công ước xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW). Tôi muốn nhấn mạnh việc Mexico đồng thuận với văn kiện "Cam kết Hành động Hà Nội", kết quả của Hội nghị Quốc tế về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh được tổ chức vào tháng 12/2020. Tôi tin rằng Mexico và Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ về chủ đề này trong bối cảnh hai nước là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong năm 2021.

Mặt khác, kể từ khi tôi đến đây vào năm 2015, tôi đã tham gia tích cực vào nhóm không chính thức của các Đại sứ và Đại diện của các tổ chức quốc tế về các vấn đề bình đẳng giới. Tôi vinh dự được đồng chủ trì nhóm này cùng với Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam, Ngài Kamal Malhotra. Nhóm này đã tìm cách đồng hành cùng các tổ chức Việt Nam trong chương trình nghị sự về bình đẳng và trao quyền cho phụ nữ. Bên cạnh đó, nhóm cũng tạo ra một không gian để thảo luận về các vấn đề cụ thể, như sửa đổi Bộ luật Lao động của Việt Nam, tham gia các chiến dịch nâng cao nhận thức về bạo lực đối với phụ nữ hoặc phong trào HeforShe, cũng như chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn.

PV: Xin Đại sứ chia sẻ về Diễn đàn Bình đẳng Thế hệ tại Mexico từ ngày 29 đến 31/3/2021. Theo bà, diễn đàn này có ý nghĩa như thế nào đối với việc thúc đẩy bình đẳng giới trên toàn cầu nói chung và ở Mexico nói riêng?

Đại sứ Sara Valdes: Diễn đàn Bình đẳng Thế hệ là một cuộc họp đa phương toàn cầu nhằm đạt được bình đẳng giới một cách toàn diện. Diễn đàn được Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) khởi xướng, do Chính phủ Mexico và Chính phủ Pháp đồng tổ chức, diễn ra tại Thủ đô Mexico City từ 29 đến 31/3 theo hình thức trực tuyến và trên mạng xã hội. Tại Paris (Pháp) sẽ tổ chức vào tháng 6 tới đây.

Mục tiêu của Diễn đàn là thúc đẩy thay đổi cơ cấu thể chế cho phép đẩy nhanh việc thực hiện đầy đủ Chương trình hành động của Bắc Kinh được thống nhất cách đây 26 năm, thông qua việc huy động tất cả các bên tham gia.

Tại sự kiện tổ chức tại Mexico, dự kiến đạt được một số kết quả sau: Kêu gọi hành động toàn cầu có tầm nhìn cao với các cam kết cụ thể. Bên cạnh đó là việc khởi động các chương trình hành động của sáu liên minh (1. bạo lực giới, 2. tư pháp và quyền kinh tế, 3. quyền về tình dục và sinh sản, 4. hành động để giải quyết vấn đề khí hậu, 5. công nghệ và đổi mới, 6. phong trào và nữ quyền lãnh đạo) và đưa ra các hành động ưu tiên trong chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh (WPS) và Hành động Nhân đạo.

Đại dịch Covid-19 đã khắc sâu thêm sự bất bình đẳng trong một số lĩnh vực, đặc biệt là trong các lĩnh vực ảnh hưởng đến phụ nữ. Phụ nữ và trẻ em gái phải đối mặt với sự bất bình đẳng giới ngày một trầm trọng hơn bởi tình trạng dễ bị tổn thương do nguồn gốc xuất thân, vùng miền, dân tộc thiểu số, tôn giáo. Thêm vào đó, đại dịch đã thổi bùng lên tình trạng bạo lực đối với phụ nữ. Chính vì những điều này và các yếu tố khác mà các mục tiêu của Diễn đàn là thiết thực hơn bao giờ hết và để phục hồi sau những thiệt hại của đại dịch, phải thúc đẩy nguyên tắc bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới. Vì vậy, tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ tham dự ở cấp cao nhất trong cuộc họp của Diễn đàn sẽ diễn ra tại Mexico.

PV: Trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm