Hỗ trợ doanh nghiệp nữ chuyển đổi số

Ngự Bình
08/03/2021 - 07:23
Hỗ trợ doanh nghiệp nữ chuyển đổi số

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam

Không chỉ mang lại những lợi ích to lớn, quá trình chuyển đổi số còn đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nhân nữ. Sau đây là những chia sẻ của bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam - về việc hỗ trợ các doanh nghiệp nữ biến “thách thức” thành “cơ hội” để chuyển đổi số thành công.

PV: Thưa bà, bà đánh giá thế nào về sự phát triển của các doanh nghiệp nữ ở Việt Nam trong những năm gần đây?

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh: Đảng và nhà nước ta luôn quan tâm đến thúc đẩy bình đẳng giới và hỗ trợ phụ nữ tham gia vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và cùng nam giới góp phần phát triển kinh tế đất nước. Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các hoạt động kinh tế, trong đó có khởi sự và phát triển doanh nghiệp.

Nhờ sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự đồng hành hỗ trợ của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các hiệp hội doanh nghiệp, cộng đồng doanh nhân nữ Việt Nam đã có những bước tiến đáng ghi nhận. Tỷ lệ doanh nghiệp nữ tăng từ 4% năm 2009 lên 21% năm 2011 và 24% năm 2019 (Báo cáo của VCCI). Bên cạnh việc gia tăng về số lượng thì chất lượng và sự lớn mạnh về quy mô cũng được khẳng định với các vị trí TOP 100 tỷ phú thế giới, TOP 50 phụ nữ quyền lực của châu Á... Doanh nghiệp nữ đã có những đóng góp to lớn trong giải quyết việc làm, đóng góp vào GDP cũng như đưa ra nhiều sáng kiến, đi đầu trong các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, thực hiện trách nhiệm của xã hội.

Tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ở Việt Nam đứng thứ nhất trong Đông Nam Á theo Master card công bố năm 2019. Tuy nhiên, hầu hết vẫn là doanh nghiệp nhỏ và vừa và cực nhỏ với nhiều thách thức về công nghệ, quản trị, các tiêu chuẩn về lao động, chất lượng, môi trường...

Một nghiên cứu được thực hiện bởi Development Economics và YouGov cho thấy, cứ 5 người phụ nữ ở Việt Nam thì có 4 người muốn mở một doanh nghiệp. Nếu chỉ một nửa số phụ nữ này tìm được cơ hội để khởi nghiệp thành công, không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn giúp có 1,1 triệu doanh nghiệp mới và tạo thêm 3,9 triệu việc làm tính đến cuối năm 2021. Như vậy, nếu Việt Nam xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp thuận lợi, sẽ tạo động lực khơi dậy tiềm năng kinh doanh của phụ nữ, khai thác được thế mạnh và sự đóng góp của phụ nữ cho phát triển kinh tế đất nước.

PV: Xin bà chia sẻ những cơ hội và thách thức của các doanh nghiệp nữ khi thực hiện chuyển đổi số là gì?

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh: Có thể nói "chuyển đổi số" không chỉ là xu hướng mà đang dần trở thành hiện thực phát triển tất yếu của các nền kinh tế trên thế giới trong đó có Việt Nam. Các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nữ nói riêng đang có nhiều điều kiện thuận lợi để nhanh chóng chuyển đổi số.

Tác động của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu đồng thời lại là "cú huých lớn" khiến cho công cuộc chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng, mạnh mẽ hơn bao giờ hết, nền kinh tế vật thể chuyển dịch sang nền kinh tế số.

Chuyển đổi số mang lại lợi ích to lớn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nữ nói riêng: Thuận lợi trong giao dịch thương mại, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, rút ngắn khoảng cách địa lý, thời gian. Bên cạnh đó là việc giảm thiểu nhiều loại chi phí, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Nền kinh tế số, xã hội số phát triển cũng sẽ góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và minh bạch hơn cho các doanh nghiệp.

Quá trình chuyển đổi số cũng đồng thời đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp nữ. Chuyển đổi số đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ mới, máy móc thiết bị phù hợp, nhanh chóng nâng cao năng lực quản trị, và phải sẵn sàng nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng số… Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp nữ có quy mô nhỏ hoặc siêu nhỏ. Nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi số còn hạn chế, nền tảng công nghệ còn lạc hậu, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu.

Vì vậy, rất cần có sự hỗ trợ của Chính phủ và các tổ chức hỗ trợ trong nước và quốc tế. Qua đó giúp doanh nghiệp nữ biến "thách thức" thành "cơ hội", biến "cơ hội" thành "nguồn lực", biến "nguồn lực" thành "hành động", biến "hành động" thành "kết quả" để chuyển đổi số thành công trong một kỷ nguyên thay đổi khó lường vì dịch bệnh và biến đổi khí hậu như hiện nay.

PV: Xin bà chia sẻ về vai trò của Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (HĐDNNVN), VCCI trong việc trợ giúp các doanh nghiệp nữ trong chuyển đổi số?

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh: Để hỗ trợ doanh nghiệp nữ trong bối cảnh chuyển đổi số, HDDNNVN đã phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế triển khai các sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp nữ khởi nghiệp và phát triển kinh doanh số, thương mại điện tử tại Việt Nam. Phối hợp với các tập đoàn lớn về công nghệ, HĐDNNVN đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai các chương trình #Phụnữlàdoanhnhân, chương trình Womenwill… 

Qua đó, tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo, diễn đàn... để cập nhật thông tin, nâng cao kiến thức và kỹ năng sử dụng các nền tảng công nghệ số trong khởi nghiệp, kinh doanh, xây dựng mạng lưới và chăm sóc khách hàng... Giới thiệu doanh nghiệp nữ tham gia group 1000 – chương trình xúc tiến thương mại online, sáng kiến của Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương), tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, HĐDNNVN cũng phối hợp với một số ngân hàng thương mại xây dựng các chương trình tín dụng, dịch vụ ưu đãi hoặc các dịch vụ phi tài chính khác hỗ trợ doanh nghiệp nữ trong quá trình chuyển đổi số.

Doanh nghiệp nữ - chuyển đổi số

Ký kết hợp tác giữa Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam và Hội nữ trí thức Việt Nam tại Hội thảo "Kết nối công nghệ với sản xuất để kinh doanh hiệu quả cho các doanh nghiệp do nữ làm chủ" ngày 11/9/2020 tại Hà Nội

Chuyển đổi số là một quá trình đầy thử thách. Các doanh nghiệp nữ cần thay đổi cách nhìn, tư duy kinh doanh. Giãn cách xã hội do dịch bệnh cũng là thời gian các doanh nghiệp sống chậm lại, định vị lại doanh nghiệp. Qua đó, rà soát lại các khâu, tái cấu trúc thị trường, tái cấu trúc doanh nghiệp, lựa chọn phương án kinh doanh, lựa chọn công nghệ, đào tạo và đào tạo lại nhân viên. Xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nguồn lực và xác định lộ trình từng bước chuyển đổi phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp…

PV: Bà có đề xuất gì với Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) do phụ nữ làm chủ chuyển đổi số trong thời gian tới?

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh: Để hỗ trợ các DNNVV do phụ nữ làm chủ trong thời gian tới, Chính phủ cần ban hành các chính sách và chương trình cụ thể để tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi số của các DNNVV nói chung và DNNVV do phụ nữ làm chủ nói riêng. Cụ thể:

- Thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng Chính phủ điện tử, quốc gia số, nền kinh tế số ở Việt Nam, tạo nên sự minh bạch và bình đẳng.

- Có những chương trình, giải pháp cụ thể hỗ trợ DNNVV do phụ nữ làm chủ chuyển đổi số, như chương trình đào tạo về kỹ năng số; cung cấp các nền tảng công nghệ số miễn phí cho DNNVV do phụ nữ làm chủ.

- Khuyến khích VCCI và các Hiệp hội Doanh nghiệp khai thác các nguồn lực trong nước và quốc tế để hỗ trợ DNNVV do phụ nữ làm chủ trong chuyển đổi số và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

- Có chính sách hỗ trợ thuế đối với các doanh nghiệp kinh doanh "thuần số" giai đoạn 5 năm đầu.

Tôi hy vọng rằng với sự chỉ đạo và hành động quyết liệt của Chính phủ, sự đồng hành và hỗ trợ của VCCI và các Hiệp hội doanh nghiệp cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của mình, doanh nhân nữ sẽ không bị "lùi lại phía sau" trong nền kinh tế số.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm