pnvnonline@phunuvietnam.vn
Doanh nghiệp nữ tăng cường kết nối hoàn thiện chuỗi cung ứng hàng Việt
Kết nối sản xuất và phân phối, đưa hàng gạo Đồng Tháp ra thị trường Hà Nội. Ảnh: PVH
Thời gian qua, những thương hiệu "Made in Vietnam" ngày càng có chỗ đứng ổn định trên thị trường và được người tiêu dùng trong nước tin tưởng, ưa dùng, có thể kể tới các sản phẩm, hàng hóa trong nước sản xuất có chất lượng tốt với các thương hiệu như: Vinamilk, VinaCafe, dệt may Vinatex, Việt Tiến…. Chị Trần Thu Quỳnh, ngõ 36, An Hòa, Hà Đông (Hà Nội), cho biết: Chất lượng hàng hóa trong nước sản xuất ngày càng tốt hơn, mẫu mã đẹp, giá cả hợp với đại bộ phận người tiêu dùng. "Chúng tôi đang chuyển dần từ tâm lý "ưu tiên" sang "tự hào" với hàng Việt Nam, khi hàng hóa trong nước ngày càng chiếm được lòng "thượng đế" hơn.
"Các sản phẩm nội ngày càng xuất hiện nhiều hơn tại các chuỗi cung ứng hàng hóa như các hệ thống siêu thị lớn, cửa hàng tiện lợi, cũng như các chợ. Qua đó, hàng Việt cũng tiếp cận tốt hơn, thuận lợi hơn với người tiêu dùng" - chị Quỳnh nói.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, hàng Việt Nam chiếm tỷ trọng 90% tại các siêu thị Co.opmart, Vinmart, Intimex, Hapromart; 80% tại siêu thị AEON; 96% tại siêu thị Big C… Tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên. Thống kê cho thấy 7 tháng năm 2020, tổng mức doanh thu bán lẻ hàng hóa "Made in Vietnam" tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Phó giám đốc Saigon Co.op Hà Nội, chia sẻ: "Mỗi năm chúng tôi đều thực hiện chương trình Tự hào hàng Việt Nam. Sau khi kết thúc chương trình, mức tăng trưởng tiêu thụ hàng Việt tối thiểu là 10% trong tháng thực hiện". Không chỉ vậy, đơn vị phân phối này có chủ trương ưu tiên và tạo thuận lợi cho các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam sản xuất. Các siêu thị và cửa hàng trong hệ thống của doanh nghiệp luôn dành các vị trí tốt, thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam để người tiêu dùng dễ thấy, dễ lấy nhất. Nhờ đó, cũng góp phần làm tăng tỷ lệ tiêu thụ hàng hóa trong nước sản xuất. Cùng với đó, bà Dung cho biết thêm, Saigon Co.op còn phối hợp với các địa phương hỗ trợ vốn, kỹ thuật để nhà sản xuất yên tâm đầu tư các mặt hàng chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng.
Tại hội nghị tổng kết Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2014 - 2020 mới đây, bà Mai Thị Thùy, Chủ tịch Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, cho biết: Với thế mạnh quy tụ những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trên địa bàn Thủ đô, 6 năm thực hiện Đề án, chuỗi cung ứng hàng hóa được xây dựng và hình thành khá bền vững trong hiệp hội. Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội đã phát huy vai trò kết nối doanh nghiệp sản xuất với đơn vị phân phối, tìm kiếm đầu ra bền vững cho sản phẩm, đặc biệt là tăng cường kết nối giữa các đơn vị, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Cụ thể hơn, Hội đã tổ chức nhiều hội nghị kết nối giao thương, phiên chợ kết nối cung - cầu hàng hóa quy mô nhỏ và vừa, tạo điều kiện đưa người sản xuất đến gần người phân phối. Từ những sự kiện đơn lẻ ban đầu, Hội đã mở rộng nhu cầu theo liên kết vùng, mời doanh nghiệp các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên tham gia. Qua mỗi sự kiện, quy mô lại càng lớn và số lượng doanh nghiệp tham gia đông hơn, tạo thành những chuỗi cung ứng bền chặt hơn.
Mặc dù tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 7 tháng đầu năm giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng riêng tổng mức doanh thu bán lẻ hàng hóa 7 tháng vẫn chiếm 79,2%, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, bảo đảm phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và bảo đảm cung ứng nguyên, nhiên vật liệu, máy móc, thiết bị, hàng hóa để duy trì sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.
Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQVN, Phó Trưởng Ban chỉ đạo TƯ Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", nhận định: Các hoạt động kết nối cung cầu, kết nối từ người nông dân, công nhân, người lao động, doanh nghiệp Việt Nam từ thành thị, vùng sâu, vùng xa đến với các chuỗi hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi hiện đại, để đến nay chúng ta có một hệ thống phân phối đủ mạnh, có mặt ở khắp mọi nơi, đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của nhân dân, ngay cả trong tình trạng khẩn cấp.
Sự xuất hiện dịch bệnh COVID-19 trở lại tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Hà Nội… vừa qua đã cho thấy sự vững mạnh của hàng Việt và hệ thống phân phối trong nước, khi không còn hiện tượng khan hàng, sốt giá những mặt hàng thiết yếu.