pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hơn 420 nghìn cuộc tuyên truyền trong các cấp Hội để chị em quan tâm, tin dùng hàng Việt
Ngày 28/2, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện năm 2019 và triển khai nhiệm vụ 2020. Theo báo cáo, những năm qua, Ban Chỉ đạo các các cấp đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tổng kết đánh giá nghiêm túc, đúng thực chất việc triển khai thực hiện Cuộc vận động.
Trong đó, cộng đồng doanh nghiệp đã chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, quản lý, tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý; nhiều sản phẩm thực sự chinh phục được người tiêu dùng trong nước tin dùng và xuất khẩu tới một số nước trên thế giới.
Tại 63 tỉnh/thành, đã có hơn 100 đợt bán hàng về nông thôn với khoảng 2.000 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút gần 200 nghìn lượt người tới tham quan mua sắm, doanh thu mang lại khoảng 80 tỷ đồng; tiếp nhận theo dõi khoảng 700 đợt bán hàng về nông thôn với hơn 2.000 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút hơn 100.000 lượt người…
Đóng góp vào kết quả chung của Cuộc vận động, TƯ Hội LHPN Việt Nam tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp nhằm thúc đẩy phụ nữ sáng tạo, tham gia sản xuất sản phẩm theo chuỗi giá trị, đảm bảo an toàn, giá cả hợp lý.
Trong năm qua, Hội LHPN các cấp đã phối hợp tổ chức hơn 420.000 cuộc tuyên truyền Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam cho trên 19,7 triệu lượt cán bộ, hội viên phụ nữ các cấp. Các tỉnh/thành chủ động phối hợp với các siêu thị mở các gian hàng lưu động bán hàng vào các dịp lễ hội nhằm mang thương hiệu Việt đến cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân, điển hình như các tỉnh Nam Định, Bắc Giang, Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng…
Tại hội nghị, nhiều đại biểu chung nhận dịnh năm 2020 kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn trước tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona gây ra. Đồng thời, nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do sẽ đối diện với cuộc cạnh tranh kinh tế gay gắt, nhiều thách thức hàng hóa trong nước. Trong khi doanh nghiệp Việt Nam quy mô nhỏ, sức cạnh tranh chưa cao. Bối cảnh này là thách thức với việc thực hiện Cuộc vận động. Các đại biểu cho rằng, Cuộc vận động này cần tiếp tục chú trọng đẩy mạnh thương mại điện tử, kể cả thương mại điện tử qua biên giới để tạo điều kiện cho hàng Việt Nam tiêu thụ thuận lợi.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư TƯ Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, nhấn mạnh việc thực hiện Cuộc vận động trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa việc giám sát tiêu thụ hàng hóa, nông sản của Việt Nam trong các Trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống và tình trạng doanh nghiệp lợi dụng uy tín hàng Việt Nam, dán mác hàng Việt Nam trên hàng hóa có xuất xứ nước ngoài để tiêu thụ, trục lợi, làm ảnh hưởng xấu nhiều mặt đối với nền kinh tế đất nước.
Hàng hóa Việt Nam không chỉ hướng tới đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng trong nước, theo ông Trần Thanh Mẫn, cần phải huy động sự vào cuộc của hơn 4 triệu kiều bào Việt Nam tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, phát triển các kênh phân phối tới người Việt Nam ở nước ngoài; đồng thời phải sử dụng hiệu quả thương mại điện tử xuyên biên giới và phải thay đổi hình thức tiếp thị quảng cáo và tài liệu tuyên truyền sao cho phù hợp với điều kiện thực tế tại mỗi địa phương, để hàng Việt ngày càng lan tỏa, vươn xa…