Hỗ trợ thiết lập kênh phân phối, đưa hàng Việt đến với hội viên phụ nữ

PV
24/12/2019 - 14:51
Hỗ trợ thiết lập kênh phân phối, đưa hàng Việt đến với hội viên phụ nữ
Với hơn 19 triệu hội viên, thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam đã giữ vai trò nòng cốt trong việc tập hợp, đoàn kết và vận động chị em tích cực tham gia thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Đồng thời, mỗi người phụ nữ Việt Nam dù ở vai trò người sản xuất hay người tiêu dùng cùng lan tỏa tinh thần: "Xanh hóa sản xuất, xanh hóa tiêu dùng".

Theo Phó Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo, để thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" thành công cần thu hút sự tham gia của phụ nữ trên cả 3 phương diện: sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Trong đó, riêng với hoạt động hỗ trợ thiết lập kênh phân phối, đưa hàng Việt đến người tiêu dùng, Bên cạnh các hoạt động truyền thông, "Ngày Phụ nữ khởi nghiệp" được Trung ương và các tỉnh, thành Hội Phụ nữ tổ chức hàng năm với nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển kinh doanh, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm Việt của phụ nữ khởi nghiệp trong khuôn khổ Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025". 

Nhiều sản phẩm chất lượng cao do phụ nữ sản xuất đã được tôn vinh, được người tiêu dùng lựa chọn sử dụng, như: gạo hữu cơ của Hợp tác xã Đồng Phú (Hà Nội); nước mắm truyền thống của Hợp tác xã Phú Khương (Hà Tĩnh); rau an toàn sản xuất theo công nghệ cao của Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Trung Thành (Yên Bái); quýt Lai Vung, xoài Cao Lãnh (Đồng Tháp)... Các hoạt động này góp phần thực hiện Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP), đang được các tỉnh, thành hưởng ứng mạnh mẽ.

Thông qua hệ thống mạng lưới doanh nhân nữ của Hội LHPN Việt Nam với 538 hội, hiệp hội, câu lạc bộ doanh nhân nữ trên toàn quốc, trong đó có 24 hiệp hội, hội doanh nhân nữ và trên 5.000 câu lạc bộ, tổ, nhóm phụ nữ kinh doanh "ưu tiên dùng hàng Việt" đã kết nối sản xuất với tiêu dùng, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, giúp người dân được dùng hàng Việt, nhất là vùng sâu, vùng xa.

Hỗ trợ thiết lập kênh phân phối, đưa hàng Việt đến với hội viên phụ nữ - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch TƯ Hội LHPNVN Đỗ Thị Thu Thảo thăm gian hàng của phụ nữ Nam Định sản xuất

Tiêu biểu, Hội LHPN thành phố Hà Nội đã làm tốt khâu kết nối, xây dựng mạng lưới 55 câu lạc bộ phụ nữ từ thành phố tới cơ sở, thu hút 2.175 phụ nữ tham gia sản xuất kinh doanh nâng cao chất lượng, giá trị hàng Việt. Hỗ trợ trên 300 nữ doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, phát triển các hợp đồng tiêu thụ hàng Việt trị giá hàng tỷ đồng tại thị trường Lào, Trung Quốc, Hàn Quốc. Mở rộng kết nối giữa doanh nhân nữ Hà Nội với các Trung tâm, Hội LHPN các tỉnh Hòa Bình, Hưng Yên, Bắc Cạn, nhằm hỗ trợ doanh nhân nữ tiêu thụ sản phẩm Việt.

Hội LHPN nhiều tỉnh, thành phố đã phối hợp với ngành công thương, các hiệp hội, Hội doanh nhân nữ, Hội doanh nghiệp nữ vừa và nhỏ tổ chức hơn 5.000 đợt bán hàng lưu động đưa "Hàng Việt về nông thôn", đưa "Hàng Việt về vùng sâu, vùng xa". Hội LHPN TP.HCM đã đi đầu liên kết với các doanh nghiệp, tập đoàn, siêu thị trong địa bàn, tích hợp ưu đãi trong Thẻ hội viên nhằm gia tăng quyền lợi cho hội viên; phối hợp thành lập các điểm bán hàng tại khu dân cư, mở các điểm bán hàng bình ổn giá. Nhiều tỉnh tổ chức điểm phân phối hàng…

Hội LHPN Việt Nam cam kết khuyến khích, thúc đẩy hội viên, doanh nhân nữ nâng cao nhận thức, áp dụng các quy trình sản xuất và công nghệ thân thiện với môi trường, tạo dựng một nền sản xuất, tiêu dùng sạch, nâng cao chất lượng cuộc sống. Mỗi người phụ nữ Việt Nam dù ở vai trò người sản xuất hay người tiêu dùng hãy cùng nhau lan tỏa tinh thần: Xanh hóa sản xuất, xanh hóa tiêu dùng và lối sống, xây dựng một xã hội văn minh, phát triển bền vững.

Hỗ trợ thiết lập kênh phân phối, đưa hàng Việt đến với hội viên phụ nữ - Ảnh 2.

Lan tỏa sản xuất xanh, tiêu dùng xanh trong hội viên phụ nữ

Ở phía doanh nghiệp nữ, bà Mai Thị Thùy, Chủ tịch Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, cho rằng: Để người tiêu dùng ưu dùng hàng Việt, nhiều doanh nghiệp sản xuất Việt đang vấp phải là việc đổi mới dây chuyền sản xuất, tiếp cận công nghệ mới để nâng cao chất lượng sản phẩm tăng sức cạnh tranh. Những doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đang khó khăn trong việc tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm...

Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả và vai trò của tổ chức Hội phụ nữ trong thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", các cấp Hội Phụ nữ cũng đã đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn như cần nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp, nhà sản xuất trong bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, cải tiến chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm.

Đồng thời cho rằng các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa trên thị trường, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm