pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tăng lương tối thiểu: Thống nhất thời điểm tăng lương từ 1/1/2026

Lương tối thiểu vùng vẫn chưa đảm bảo đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của công nhân. Ảnh minh hoạ
Thống nhất thời điểm, chưa thống nhất mức tăng
Tại phiên họp thứ nhất của Hội đồng Tiền lương quốc gia diễn ra mới đây, mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2026 chưa được các bên thống nhất. Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia Nguyễn Mạnh Khương cho biết: Các bên chưa thống nhất được phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2026. Các bên sẽ tiếp tục thảo luận ở phiên họp tiếp theo dự kiến đầu tháng 8/2025.
Tại phiên họp lần này, đại diện cho người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất 2 phương án tăng lương tối thiểu vùng.
Phương án 1: Điều chỉnh mức lương tối thiểu tăng từ 320 đến 450 nghìn đồng, bình quân tăng 9,2% so với năm 2024 - 2025
Phương án 2: Điều chỉnh mức lương tối thiểu tăng từ 290 đến 410 nghìn đồng, bình quân tăng 8,3% so với năm 2024 – 2025
Thời điểm điều chỉnh mức lương tối thiểu từ ngày 1/1/2026.

Các phương án điều chỉnh lương tối thiểu do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia, cho biết việc tăng lương tối thiểu sẽ tiếp tục được thương lượng. Trong đó, nguyên tắc đề xuất điều chỉnh lương theo hướng hài hòa, vừa đảm bảo quyền lợi người lao động, vừa tạo điều kiện để doanh nghiệp có cơ hội phục hồi, phát triển trong bối cảnh còn nhiều thách thức.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, thực hiện Nghị định số 74/2024/NĐ-CP, hầu hết các doanh nghiệp đã thực hiện việc điều chỉnh tiền lương tại doanh nghiệp theo mức tăng bình quân 6%. Khảo sát trong tháng 3, 4/2025, tại 10 tỉnh, thành phố, có 93,25% người lao động trong các doanh nghiệp tham gia khảo sát được điều chỉnh tiền lương tối thiểu theo quy định.
Phía người sử dụng lao động, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia đưa mức đề xuất điều chỉnh từ 3% đến 5%.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, "mức này là vừa phải, nhằm tăng cường dư địa để doanh nghiệp có khả năng thích ứng, có điều kiện khen thưởng người lao động mẫn cán, đặc biệt là triển khai hiệu quả Nghị quyết 57 về tăng năng suất lao động và đổi mới sáng tạo".
Bên cạnh đó, các bên thống nhất thời điểm tăng lương là ngày 1/1/2026. Tuy nhiên, các mức đề xuất tăng lương của các bên đưa ra còn sự chênh lệch rất lớn và chưa đi đến thống nhất trong phiên họp đầu tiên này.
Gần 30% công nhân, được hỏi, có mức lương phải sống tằn tiện, chi tiêu kham khổ
Theo các chuyên gia, lương tối thiểu vùng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ thu nhập tối thiểu cho người lao động; được xác định dựa trên mức sống tối thiểu, khả năng chi trả của doanh nghiệp, và năng suất lao động. Tuy nhiên, thực tế đời sống công nhân hiện nay đang phải đối diện với tình trạng giá cả leo thang, lạm phát ăn mòn thu nhập.
Chị Chu Thị Quỳnh, công nhân may mặc tại phường Dương Nội (Hà Nội), cho biết: Gần đây, điện sinh hoạt tăng giá, lại đúng vào thời điểm nắng nóng, oi bức kéo dài. Gia đình chị có con nhỏ, nên không dám tiết kiệm điện cho điều hòa, quạt điện.
Nhà chỉ có 3 người, nhưng tiền điện mỗi tháng ít nhất cũng 500 ngàn đến 1 triệu đồng. Đến nay giá điện lại tăng thêm, riêng chi phí này cũng tăng thêm 20% mỗi tháng. Điều đáng lo hơn là chi phí cho lương thực thực phẩm, tiền nhà trọ, học phí, ăn uống, sinh hoạt cũng lần lượt tăng theo; khiến cho số lương công nhân ít ỏi của vợ chồng chị không còn tích lũy để phòng khi biến cố, ốm đau.

Niềm vui của công nhân khi nhận lương. Ảnh minh hoạ
Theo khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện trong tháng 4/2025, có 54,9% người lao động được hỏi cho biết tiền lương, thu nhập của họ vừa đủ chi tiêu cơ bản của gia đình; 26,3% phải tằn tiện, chi tiêu kham khổ; 7,9% không đủ sống, phải làm thêm các công việc khác để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống; thâm chí nhiều trường hợp người lao động phải vay mượn để chi trả cho các nhu cầu phát sinh đột xuất.
Về nội dung này, bà Thái Thu Xương, đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, cho biết: Từ năm 2023 đến nay, giá điện được điều chỉnh tăng 4 lần với tỷ lệ tăng 17%, trong khi đó lương tối thiểu vùng của công nhân chỉ tăng một lần với mức 6%. Vì vậy, nhiều người lao động không đủ trang trải cho nhu cầu chi tiêu hằng ngày, nói gì đến việc tiết kiệm, hay đầu tư cho tương lai.
Theo đó, đại biểu Thu Xương nhấn mạnh: Mức lương tối thiểu cần thực sự đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động, đúng với tinh thần trong Bộ luật Lao động. "Cử tri không đòi hỏi những lời hứa lớn lao, họ chỉ mong được sống trong một xã hội – nơi niềm tin được vun đắp, công bằng được thực thi và giá trị thực sự được tôn vinh. Vì vậy, mong rằng Quốc hội, Chính phủ sớm tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động".
Tại Nghị định số 74/2024/NĐ-CP của Chính phủ, áp dụng từ ngày 1/7/2024, mức lương tối thiểu ở vùng I là 4,96 triệu đồng/tháng; vùng II là 4,41 triệu đồng/tháng; vùng III là 3,86 triệu đồng/tháng; vùng IV là 3,45 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Sàn lương Châu Á công bố năm 2024 cho thấy, mức lương đủ sống tại Việt Nam phải là 12,1 triệu đồng/người/tháng; cho thấy lương tối thiểu vùng hiện nay và lương đủ sống thực tế vẫn còn khoảng cách khá xa.