pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tảo hôn vùng đồng bào DTTS còn nhiều vì được "bỏ qua" hoặc "xử lý nội bộ" theo phong tục

Bà Kim Thị Minh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Tây Ninh, phát biểu
Chương trình Hội thảo khoa học với chủ đề "Tiếp cận liên ngành trong phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng dân tộc thiểu số - Vì tương lai của trẻ em", do Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức, đã thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà khoa học và cán bộ Hội. Tại hội thảo, các đại biểu đã thẳng thắn chia sẻ những thực trạng đáng lo ngại cũng như hệ lụy nghiêm trọng từ tình trạng kết hôn, mang thai và sinh con sớm.
Những hệ lụy dai dẳng sau "lời ru buồn"
Những phân tích và dẫn chứng được trình bày không chỉ làm rõ bức tranh hiện tại, mà còn mở ra nhiều góc nhìn đa chiều, giúp người tham dự - cả trực tiếp và trực tuyến - hiểu sâu sắc hơn về vấn đề. Từ đó, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp thiết thực nhằm hướng tới mục tiêu lâu dài: xây dựng một môi trường xã hội an toàn, bình đẳng, tôn trọng và bảo vệ quyền trẻ em dân tộc thiểu số – đặc biệt là quyền được học tập, quyền được bảo vệ và quyền tự lựa chọn tương lai của chính mình.
Phát biểu đề dẫn tại chương trình, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Giám đốc Phân hiệu Học viện phụ nữ Việt Nam, chỉ ra rằng, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là hai hiện tượng xã hội nghiêm trọng, tồn tại dai dẳng trong nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số ở Việt Nam, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dân số, quyền trẻ em, sự phát triển kinh tế - xã hội và bình đẳng giới. Những hủ tục này không chỉ làm gián đoạn quá trình học tập, hạn chế cơ hội phát triển của trẻ em gái mà còn để lại hệ lụy lâu dài về sức khỏe sinh sản, tăng nguy cơ trẻ khuyết tật, tử vong mẹ và trẻ sơ sinh, vòng xoáy nghèo đói, và sự tái sản sinh bất bình đẳng thế hệ.
"Trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để phòng, chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tình trạng tảo hơn có giảm nhưng nếu so sánh với mục tiêu của Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025" ở nhiều nơi chưa đạt được. Điều đó cho thấy vấn đề này không thể giải quyết bằng cách tiếp cận đơn ngành, hay bằng những giải pháp tuyên truyền đơn lẻ. Thay vào đó, cần có một chiến lược can thiệp tổng thể, liên ngành, mang tính hệ thống và lâu dài", bà Nguyễn Thị Thu Hương cho hay.

T.S Dương Đức Minh phát biểu tại chương trình.
BS CK II, Phạm Quốc Hùng, Trưởng phòng, phòng công tác xã hội, Bệnh viện Hùng Vương, cho biết: Với tư cách là Hội viên danh dự Hội LHPN Việt Nam và là bác sĩ sản khoa, ông đã chứng kiến không ít trường hợp các em gái sinh con khi còn rất trẻ. Khi cùng đoàn công tác đến vùng biên cương, tôi càng đau lòng trước thực trạng tảo hôn và những hệ lụy nặng nề mà nó để lại.
BS CK II, Phạm Quốc Hùng cho biết: Tại bệnh viện Hùng Vương (TPHCM) đã ghi nhận rất nhiều trường hợp trẻ em nữ mang thai. Nhiều em mới 15-16 tuổi đã bỏ học, rời quê tìm việc làm, thuê nhà trọ sống chung như vợ chồng. Các em không tổ chức kết hôn chính thức do sợ bị chính quyền xử phạt, mà âm thầm chung sống và sinh con, nghĩ rằng mình đã đủ lớn để tự quyết định cuộc sống.

BS CK II, Phạm Quốc Hùng, Trưởng phòng, phòng công tác xã hội, Bệnh viện Hùng Vương, phát biểu tại chương trình
Về thể chất, trẻ vị thành niên chưa phát triển đầy đủ, nên mang thai và sinh con ở lứa tuổi này tiềm ẩn nhiều rủi ro sản khoa như sinh khó, phải sinh mổ, thậm chí băng huyết, đe dọa tính mạng cả mẹ và con. Đứa trẻ sinh ra thường thiếu dinh dưỡng do "người mẹ trẻ em" phải giấu diếm việc mang thai, nhiều em vừa mang thai vừa phải lao động nặng nhọc, không được chăm sóc dinh dưỡng tốt, làm tăng nguy cơ thai nhi bị suy dinh dưỡng hoặc dị tật bẩm sinh.
"Về tâm lý, các em gái có thể bị sang chấn tinh thần nặng nề, cả trong các trường hợp phải bỏ thai hoặc giữ thai. Thậm chí nhiều em sinh con xong rồi lặng lẽ để lại con ở bệnh viện. Áp lực từ gia đình, sự thiếu hỗ trợ từ phía bạn tình hoặc gia đình bên bạn tình càng khiến các em dễ rơi vào trạng thái căng thẳng, trầm cảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển tâm lý lâu dài", BS CK II, Phạm Quốc Hùng chỉ rõ.
Một số đại biểu còn chỉ ra nhiều hệ luỵ khác như: Kéo theo là nghèo đói, bất bình đẳng giới, bạo lực gia đình và mất ổn định trong cuộc sống. Riêng đối với hôn nhân cận huyết thống, hậu quả còn nặng nề hơn khi con cái sinh ra có nguy cơ cao mắc các bệnh di truyền, khuyết tật, làm suy giảm chất lượng dân số…
Biết là "lời ru buồn", sao vẫn chưa ngưng?
Bà Kim Thị Minh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Tây Ninh, thẳng thắn chỉ ra rằng: Tây Ninh là tỉnh có nhiều dân tộc sinh sống, trong đó đông nhất là người Khmer, Chăm và Hoa, sống chủ yếu ở xã biên giới và đời sống còn khó khăn.
Tình trạng tảo hôn ở Tây Ninh tuy không nhiều nhưng vẫn còn tồn tại. Việc tảo hôn đang bị "hợp thức hóa" một cách âm thầm. Nhiều trường hợp con em họ mang thai thì cha mẹ đồng thuận cho con ra ở trọ, đợi đủ tuổi mới quay về đăng ký kết hôn. Điều này gây nhiều khó khăn cho công tác tuyên truyền, không chỉ đối với cán bộ Hội mà còn cả các ban, ngành liên quan.
Bà Minh nêu rõ nguyên nhân tảo hôn còn tồn tại do: Với người Khmer, quan niệm "trưởng thành là phải lập gia đình" rất phổ biến, đặc biệt với nữ giới, dẫn đến tình trạng tảo hôn để "giữ thể diện" khi con yêu sớm. Với người Chăm theo Hồi giáo trong xã hội mẫu hệ, việc kết hôn thường do gia đình quyết định, nhiều gia đình cho con lấy chồng/vợ sớm để "giữ đạo" và bảo vệ danh dự. Người Hoa lại coi trọng gia phong, với tư tưởng "cha mẹ đặt đâu con ngồi đó" và tảo hôn thường nhằm gắn kết quan hệ huyết thống hoặc lợi ích làm ăn.
Ở góc độc pháp luật, Việt Nam đã xây dựng hệ thống pháp luật khá toàn diện liên quan đến hôn nhân và gia đình, trong đó Luật Hôn nhân và Gia đình (2014) nghiêm cấm tảo hôn và hôn nhân giữa những người có quan hệ huyết thống gần. Luật Trẻ em (2016), Luật Bình đẳng giới (2006), Luật Phòng chống bạo lực gia đình (2007, sửa đổi 2022) đều có các điều khoản bảo vệ quyền lợi trẻ em gái và ngăn ngừa thực trạng kết hôn sớm không tự nguyện. Tuy nhiên, các trong thực tiễn, hệ thống luật này vẫn chưa phát huy hiệu quả đồng bộ ở vùng dân tộc thiểu số.

Luật Sư Nguyễn Hồ ZDu, Giám đốc điều hành công ty Luật Magnolia Law
Luật Sư Nguyễn Hồ ZDu, Giám đốc điều hành công ty Luật Magnolia Law, bày tỏ: "Pháp luật đã có, nhưng đang bị vô hiệu hóa bởi điểm nghẽn thực thi".
Luật Sư Nguyễn Hồ Zdu phân tích: Chế tài pháp luật còn quá nhẹ, thiếu sức răn đe. Trách nhiệm pháp lý chưa rõ ràng, khi một trẻ vị thành niên bị gả chồng sớm, không có quy định cụ thể về chủ thể chịu trách nhiệm là cha mẹ ? Trưởng bản ? Người tổ chức lễ cưới ? Hay cán bộ địa phương… Điều này dẫn đến sự lúng túng, đùn đẩy hoặc bỏ lọt trách nhiệm, luật có nhưng không ai chịu thực thi đến cùng.
Nhiều vụ tảo hôn chỉ bị phát hiện sau khi đám cưới đã diễn ra, thậm chí sau khi các em đã sinh con, lúc đó mọi biện pháp can thiệp gần như không còn hiệu quả. Chính quyền địa phương thường chọn "giải pháp mềm" như hòa giải, hợp thức hóa, hơn là xử lý vi phạm.
Bên cạnh đó, năng lực thực thi pháp luật ở cơ sở còn yếu, cán bộ chưa hiểu sâu luật, người dân thì không đọc được luật do rào cản ngôn ngữ - pháp lý - văn hóa. Nhiều trường hợp vi phạm vẫn được "bỏ qua" hoặc "xử lý nội bộ" theo phong tục.