Tạo mọi nguồn lực giúp người dân miền “đất võ, trời văn” thoát nghèo

Bình Nhi
06/12/2022 - 14:25
Tạo mọi nguồn lực giúp người dân miền “đất võ, trời văn” thoát nghèo

Nguồn vốn chính sách đã giúp nhiều gia đình đầu tư sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao

Bảo đảm nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu của người nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách là mục tiêu các cán bộ tín dụng chính sách tỉnh Bình Định luôn đau đáu thực hiện.

Tấm gương vươn lên thoát nghèo

Ông Đinh Văn Kem là một tấm gương sáng làm kinh tế trong cộng đồng dân tộc Ba na ở thôn An Toàn. Năm 2009, ông Kem cùng vợ và 3 đứa con vẫn sống trong cảnh nghèo đói. Sống trong rừng đặc dụng không được phát rẫy làm ruộng, diện tích canh tác hữu hạn, nên nhiều năm gia đình vẫn phải trông chờ gạo cứu đói 50kg/khẩu/năm. Nhìn con cái mỗi ngày mỗi lớn và cuộc sống cùng cực, ông quyết tâm vay vốn Ngân hàng CSXH theo chương trình hộ nghèo. Với 20 triệu đồng vay được, ông mua một con bò về nuôi. Nhưng khí hậu rét, bò không thích ứng được bị chết. Không nhụt chí, ông Kem làm lụng tích cóp trả ngân hàng rồi tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng vốn hộ nghèo để nuôi 1 con trâu và chăn nuôi thêm lợn.

Tạo mọi nguồn lực giúp người dân miền “đất võ, trời văn” thoát nghèo - Ảnh 1.

Nguồn vốn chính sách đã giúp nhiều gia đình đầu tư chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao

Đến năm 2020, ông Kem đã trả nợ Ngân hàng CSXH và bước ra khỏi danh sách hộ nghèo. Từ kinh nghiệm chăn nuôi tích lũy, ông tiếp tục vay 95 triệu đồng chương trình hộ mới thoát nghèo, rồi vay tiếp 90 triệu đồng chương trình giải quyết việc làm tháng 9/2021 để mở rộng đàn trâu và heo đen theo sản phẩm OCOP của huyện An Lão. Ông cũng đăng ký vay vốn Ngân hàng CSXH thêm 20 triệu đồng chương trình Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn về làm nhà vệ sinh cũng như dẫn nước sạch sinh hoạt, nâng cao chất lượng sống. Hiện nay, ông có đàn trâu 25 con, cùng với khoản thu từ chăm quản 50ha rừng phòng hộ và khai thác mật ong, cuộc sống của gia đình ông có của ăn, của để.

Một đồng vốn cũng quý, cũng trở thành động lực để các hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên trong cuộc sống. Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Bình Định Đoàn Trung Thành cho biết: Bảo đảm nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu của người nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách là mục tiêu mà các cán bộ tín dụng chính sách luôn đau đáu thực hiện.

Tạo mọi nguồn lực giúp người dân miền “đất võ, trời văn” thoát nghèo - Ảnh 2.

Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bình Định giải ngân nguồn vốn ưu đãi kịp thời cho người dân ngay tại Điểm giao dịch xã

4 tổ chức chính trị - xã hội cùng vào cuộc giúp hơn 116.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo

Để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã thực hiện phương thức cho vay ủy thác thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội, gồm: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác là cầu nối giữa Nhà nước với nhân dân thông qua mạng lưới 2.365 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại tất cả các thôn, xóm trong toàn tỉnh với 138.368 thành viên tự nguyện tham gia. Đến nay, tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội của chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh chiếm tỷ lệ 99,7% tổng dư nợ. Trong đó, dư nợ ủy thác qua Hội Phụ nữ tỉnh là gần 2.400 tỷ đồng, chiếm 49,9% tổng dư nợ.

Tạo mọi nguồn lực giúp người dân miền “đất võ, trời văn” thoát nghèo - Ảnh 3.

Bên cạnh việc giải ngân vốn tại các Điểm giao dịch xã, cán bộ chi nhánh NHCSXH tỉnh Bình Định luôn đến tận hộ vay để kiểm tra, động viên bà con

Qua 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, đặc biệt sau 8 năm đưa Chỉ thị số 40-CT/TW vào cuộc sống, đồng vốn của chi nhánh NHCSXH tỉnh Bình Định được đầu tư đúng đối tượng, có hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn để người dân phát triển sản xuất kinh doanh từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng. Nguồn vốn chính sách đã được hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn sử dụng mua sắm vật tư, con giống phục vụ chuyển dịch đúng hướng cơ cấu sản xuất, trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm, đánh bắt hải sản, cải tạo vườn tạp, khôi phục mở mang ngành nghề thủ công nghiệp.

Từ đó, đã giúp hơn 116.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút tạo việc làm cho gần 81.000 lao động, trong đó có hơn 2.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, tạo điều kiện cho gần 88.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, xây dựng 202.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn. Nguồn vốn chính sách xã hội đã trở thành công cụ hữu hiệu góp phần cho tỉnh Bình Định thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững với những con số khá ấn tượng trong giai đoạn 2016 - 2021 và tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 13,35% xuống còn 3,13; góp phần tích cực cho công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội bền vững.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm