Tạo môi trường để trẻ luôn được yêu thương

Hải Linh (ghi) - Ảnh: NVCC
23/07/2022 - 13:52
Tạo môi trường để trẻ luôn được yêu thương

Hãy cho trẻ hoạt động vui chơi bổ ích

Cô Lê Thanh, Hiệu trưởng trường mầm non Golden Kids (Hà Nội), chia sẻ một số bí quyết chăm sóc, giáo dục trẻ nhỏ.

Yêu thương con

Trẻ em không bao giờ cố tình có lỗi và cũng không bao giờ muốn mình bị người lớn xem là một đứa trẻ hư. Những hành động, hành vi cử chỉ của trẻ đều có lý do: có thể do cơ thể chưa hoàn thiện trong quá trình điều khiển động tác, tinh thần mệt mỏi vì thiếu ngủ thiếu chất hoặc do tính cách riêng của mỗi em bé từ khi mới sinh... 

Vì vậy dù trẻ có hành xử thế nào, mong các bậc cha mẹ hãy luôn yêu thương và kiên nhẫn hướng dẫn cho con những hành vi đúng. Đừng cáu gắt, nóng giận và gán cho con những "nhãn" như quậy phá, hư hỏng, lì lợm, bướng bỉnh.... sẽ gây tổn thương sâu sắc, ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tự tin vào bản thân.

Tôn trọng con

Mỗi đứa trẻ là một tính cách, với những phẩm chất, tiềm năng riêng biệt. Xin đừng xem trẻ là những sinh vật nhỏ bé, yếu ớt và phải dựa dẫm hoàn toàn vào người lớn hoặc xem con là vật sở hữu riêng.

Cũng xin đừng lấy quyền của người lớn và với cái nhìn thiển cận để ép buộc trẻ, cấm cản trong mọi chuyện, từ ăn uống, ngủ nghỉ đến chơi đùa, hoặc xâm phạm đến cơ thể của con. Đưa ra những phán xét gây tổn thương đến tinh thần trẻ, vùi dập đi những tiềm năng bên trong cần được khai mở của con.

Tấm gương cho con

Trẻ em như tờ giấy trắng, chúng bắt chước và hấp thu tất cả mọi thứ xung quanh mình. Muốn giáo dục trẻ, người lớn trước hết phải tự làm gương cho con. Muốn tạo ra đứa trẻ tốt, trước hết cha mẹ hãy làm tấm gương tốt. Con làm điều này, điều kia không phải vì chúng ta bắt trẻ làm, mà vì trẻ nhìn thấy người lớn làm, con sẽ được truyền cảm hứng rất nhanh từ chúng ta.

Bảo vệ nhu cầu của con

Trẻ được ăn, được ngủ, được chơi, được chạy nhảy, vui đùa, tìm hiểu thế giới xung quanh để phát triển thể chất và tinh thần bằng cách riêng của mình. Hãy thiết lập chế độ ăn ngủ hợp lý và đảm bảo giờ giấc sinh hoạt của trẻ được nhất quán, cũng như cho trẻ đi học đúng giờ. Điều này tạo ra nhịp điệu vững chắc bên trong con người trẻ để trẻ vui tươi và tự tin.

Hạn chế đưa con đến những nơi ồn ào náo nhiệt như đám tiệc, rạp chiếu phim, chương trình ca nhạc, tấu hài... Giác quan của trẻ còn rất non nớt, nhạy cảm và cần được bảo vệ, không cho bị kích động thái quá cho đến khi phát triển hoàn thiện. Hơn nữa, những hoạt động trên quá xa lạ và gây ảnh hưởng tiêu cực đến thế giới vốn bình yên của trẻ. 

Thay vì đó, cha mẹ hãy tạo nhiều cơ hội để trẻ tiếp xúc với thiên nhiên và hạn chế tối đa việc cho trẻ xem tivi hay bất cứ màn hình công nghệ nào. Thời gian ngồi trước màn hình công nghệ lấy hết thời gian chơi bổ ích khác và nhồi vào đầu trẻ những hình ảnh mà sau đó chúng phải vất vả để tiêu hóa qua những trò chơi quá khích.

Những bí quyết để trẻ em được sống trong môi trường an toàn của gia đình - Ảnh 2.

Hãy cho trẻ một môi trường êm đềm, an ổn trong tình yêu thương ấm áp, chân thành 

Đừng lấy mất tuổi thơ của con

Hiện nay, con trẻ được dạy chữ ngày càng sớm và ngày càng dưới nhiều hình thức mang nhãn mác 'học mà chơi". Khái niệm chơi ở đây được hiểu hoàn toàn khác với nhu cầu chơi thực sự của trẻ nhỏ, là hoạt động được chính trẻ quyết định, điều khiển theo mục đích chơi của mình. Qua chơi, trẻ học được vô số thứ trong thế giới riêng. Khi con phải ngồi lại học chữ, dù có là dưới hình thức kể chuyện, hát, nhảy múa, tô màu, vẽ, cắt giấy.... thì thời gian chơi quý giá này đã bị lấy mất.

Bảo vệ một thế giới tốt đẹp trong con

Trong thế giới trẻ thơ, tất cả đều tốt đẹp, mọi thứ đều an ổn, mọi người đều yêu thương nhau, mọi câu chuyện đều kết thúc có hậu. Chúng ta chưa cần cho con biết mặt trái của thế giới, về cái ác, thiên tai, chiến tranh, thù hằn, cướp bóc, nạn đói... Rồi chúng ta sẽ cho con biết khi chúng đủ cứng cáp trong tâm. Xin đừng đưa những câu chuyện thường ngày của người lớn như kiếm tiền, đi chơi, cãi vã, đánh ghen, trộm cắp,... vào thế giới của con.

Giữ trẻ tránh xa những phim ảnh game bạo lực của phe thiện ác phục thù nhau, của đấu súng, đánh gươm... Tránh đưa con mình vào những hoạt động có tính chất hơn thua như giải thưởng này huy chương nọ, hoặc so sánh con mình với bạn để khích tính tự ái với mong muốn điều đó giúp trẻ tiến bộ hơn.

Bởi những điều này ít có khả năng giúp trẻ cố gắng để tiến bộ một cách tích cực. Ngược lại nó gieo mầm cho những ganh ghét, tranh đua, thắng thua, tạo ra cái nhìn thiếu nhân ái giữa người với người, bôi đen tâm hồn trong sáng của trẻ. Đây là nền tảng chắc chắn nhất để trẻ lớn lên hạnh phúc, mạnh mẽ, có thể đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm