pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tập trung 7 vấn đề phục hồi thị trường lao động sau đại dịch Covid-19
Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH
Tiếp tục nội dung làm việc Kỳ họp thứ 2, chiều 8/11, Quốc hội thảo luận về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; công tác phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021…
Giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu nêu, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: Thời gian qua, nước ta luôn kiên định việc phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội. Hệ thống an sinh, xã hội đã cơ bản đạt được các yêu cầu về quyền an sinh của người dân. Hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam cũng đã từng bước hình thành ba chức năng cơ bản: phòng ngừa giảm thiểu và khắc phục rủi ro.
Trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động nặng nề tới đời sống người dân, Quốc hội và Chính phủ đã chỉ đạo ban hành nhiều chính sách hỗ trợ. Đồng thời các tỉnh cũng ban hành nhiều chủ trương với các gói ngân sách lớn, như hàng triệu túi an sinh để người dân an tâm ở nhà chống dịch…
Trong đó, có 3 gói hỗ trợ lớn, với nhiều chính sách chưa có tiền lệ, cho thấy kết quả tích cực; cụ thể: Gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42 đã có trên 14 triệu đối tượng thụ hưởng. Gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 qua 4 tháng triển khai đã phê duyệt 25,9 ngàn tỷ đồng; hỗ trợ cho 26,71 triệu đối tượng.
Gói hỗ trợ cho người lao động và sử dụng lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết của Chính phủ và Quốc hội, qua đó đã rà soát, hỗ trợ 363.000 người sử dụng lao động; hỗ trợ tiền cho trên 8 triệu người lao động (chiếm 85 % lực lượng lao động) với 20,644 ngàn tỷ đồng.
Về thị trường lao động, theo ông Đào Ngọc Dung, hơn một tháng qua đã có nhiều tín hiệu khả quan khi chủ trương lao động, sản xuất thích ứng linh hoạt, an toàn, hiệu quả.
Theo báo cáo tại các tỉnh phía Nam, phục hồi sản xuất tại các khu công nghiệp chế xuất đạt từ 50% đến 80%. Số lao động phục hồi đạt tới 70 - 75%; cá biệt có địa phương đạt tới 90 % so với nhu cầu lao động.
Trưởng ngành Lao động cũng đưa ra dự báo, "vào đầu quý II/2022, nếu không có diễn biến dịch phức tạp thì khả năng thị trường lao động phục hồi trở lại như bình thường". Đồng thời, Bộ này đã xây dựng chương trình phát triển thị trường lao động, đi đôi với vấn đề an sinh xã hội.
Theo đó, Chương trình chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn phục hồi và giai đoạn bứt phá với những cơ chế, chính sách đề xuất cụ thể, trong đó tập trung 7 Vấn đề lớn:
Thứ nhất, hỗ trợ trực tiếp tiền mặt cho một số đối tượng, lực lượng lao động để góp phần phục hồi, kích cầu tiêu dùng.
Thứ hai, hỗ trợ hộ kinh doanh người lao động vay vốn ưu đãi, khôi phục, duy trì phát triển sản xuất, giải quyết việc làm.
Thứ 3, nâng cao hiệu quả ứng dụng về dịch vụ công, việc làm hiệu quả, đổi mới, đáp ứng cung cầu lao động; phát triển lao động trực tuyến, giao dịch việc làm.
Thứ 4, hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại, phát triển hệ thống đào tạo chất lượng cao.
Thứ 5, đầu tư phát triển các cơ sở chăm lo đối tượng yếu thế, tổn thương vì dịch bệnh.
Thứ 6, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động, chuyển đổi số trong lĩnh vực dân cư và kết nối với lao động.
Thứ 7, tập trung chăm lo phát triển nhà ở xã hội cho người nghèo, công nhân và những người lao động nhập cư.
Thời gian qua đã có nhiều chính sách hỗ trợ được ban hành và triển khai. Cụ thể, với đối với người yếu thế, ngay từ đầu năm 2021, đã có Nghị định 20 thay thế Nghị định 136, về nâng mức hỗ trợ bình quân cho người yếu thế lên hơn gấp 3 lần; cá biệt có những đối tượng được nâng 100% mức hỗ trợ.
Với người có công, Chính phủ đã ban hành Nghị định 75 và đảm bảo 7/12 nhóm đối tượng được nâng mức hỗ trợ hàng tháng, với khoảng trên 1.000 tỷ/năm.
Hiện nay, các chính sách giảm nghèo đa chiều bao trùm bền vững đang được triển khai khần trương, đảm bảo đúng tiến độ mà Quốc hội quy định; Tiến hành điều chỉnh các chính sách tiền lương, hưu trí, nhất là quan tâm đến lực lượng nghỉ hưu trước năm 1995...