Tập trung các giải pháp gỡ nút thắt thể chế, tạo niềm tin cho doanh nghiệp

PVH
29/05/2024 - 10:21
Tập trung các giải pháp gỡ nút thắt thể chế, tạo niềm tin cho doanh nghiệp

Đại biểu Nguyễn Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang, thảo luận

Thảo luận về kinh tế - xã hội sáng 29/5, các đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại là lần đầu tiên trong vòng 5 năm qua ghi nhận số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm thấp hơn số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7, sáng 29/5, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận tại hội trường 3 nội dung về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.

Thảo luận về những kết quả kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội chung nhận định, năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, kinh tế xã hội tiếp tục duy trì đà tăng trưởng phục hồi, nằm trong nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất thế giới, kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát tốt lạm phát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm, giải ngân vốn đầu tư công và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, nền kinh tế còn tồn tại, hạn chế như tổng cầu trong nước còn yếu, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm tốc mạnh, logistic trong nông nghiệp, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản còn gặp nhiều khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang, cho biết: Về số liệu số doanh nghiệp rút lui và gia nhập vào thị trường, đại biểu Nguyễn Việt Hà nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên trong vòng 5 năm qua ghi nhận số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm thấp hơn số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Hệ luỵ từ đại dịch Covid 19 khiến cho cung cầu từ khâu sản xuất đến tiêu thụ của các doanh nghiệp bị gián đoạn, đứt gãy dẫn đến hoạt động doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, trong đó đại biểu Nguyễn Việt Hà đặc biệt quan tâm đến khó khăn trong thị trường đầu ra của doanh nghiệp như doanh nghiệp thiếu đơn hàng từ thị trường quốc tế; Cầu tiêu dùng trong nước tăng ở mức thấp…

Để góp phần tháo gỡ thực trạng khó khăn trên của doanh nghiệp, đại biểu đề xuất cần thực hiện các chính sách để phát huy tối đa nội lực của thị trường trong nước, trong đó tăng cường vai trò của các chính sách tài khoá như các chính sách đã thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua gồm: miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất… Thực hiện chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa; vận động phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam…

Tập trung các giải pháp gỡ nút thắt thể chế, tạo niềm tin cho doanh nghiệp- Ảnh 1.

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu, thảo luận

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu, cho rằng: để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5%, thì việc tạo điều kiện để các doanh nghiệp ổn định, đầu tư phát triển là yếu tố hết sức quan trọng, trong đó vấn đề tạo dựng niềm tin của doanh nghiệp trong thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cần phải được quan tâm trên hết.

Theo đó, đại biểu Quốc Khánh đề nghị Chính phủ khẩn trương đưa các chính sách mới vào cuộc sống, như những dự án Luật có tác động trực tiếp tới sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp vượt khó và phát triển. Đặc biệt, đại biểu đồng tình với việc các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực sớm hơn để tổ chức thực hiện, góp phần giải quyết căn bản nút thắt về thể chế.

Còn đại biểu Nguyễn Văn Thi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, cho rằng, hoạt động của doanh nghiệp và thu hút vốn đầu tư khu vực tư nhân vào nền kinh tế còn hạn chế. Vốn đầu tư khu vực ngoài Nhà nước năm 2023 chỉ bằng 1/5 mức tăng giai đoạn 2015-2019; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và số doanh nghiệp giải thể đều tăng cao so với năm 2022; lần đầu tiên trong 5 năm qua số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm thấp hơn số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Đây là những yếu tố tác động hết sức tiêu cực đến nền kinh tế.

Do đó, đại biểu Văn Thi, đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá đầy đủ hơn vấn đề "sức khỏe" của doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp tư nhân và có giải pháp hiệu quả hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm