pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tất bật mưu sinh mùa nước nổi
Người dân tất bật mưu sinh trong mùa nước nổi
"Bến cá" ở đây là một khu vực ngay ven sông được tận dụng từ vài thanh gỗ, cây tràm dựng nên, phía trên có thêm tấm bạt để che nắng, che mưa. Chị Nhất cho biết, từ 4 giờ sáng, chồng chị - anh Trần Văn Trường - đã chạy vỏ lãi để thu hoạch sản vật mùa nước nổi từ dớn, lưới được đặt trước đó.
Đến khoảng 7 giờ, chiếc vỏ lãi với đầy cá, tôm sẽ về đến "bến cá". Lúc này, chị Nhất có mặt để phân loại rồi bỏ vào từng túi lưới được đặt ngay dưới lòng sông.
"Cá được phân loại kỹ, giá bán cũng khác nhau và tùy vào từng thời điểm. Như cá linh đầu mùa có giá từ 70.000 đến 80.000/kg, nay còn 30.000 đồng/kg. Cá được các thương lái, bạn hàng đến lấy tận nơi", chị Nhất chia sẻ.
Gắn bó với nghề đánh bắt cá nhiều năm nay, anh Trường cho biết, khoảng đầu tháng 7 âm lịch hằng năm, khi nước lũ đỏ au từ thượng nguồn đổ về là anh lại ra đồng đánh bắt tôm, cá. So với trước đây, tôm cá mùa nước nổi ngày càng ít hơn. "Năm nay nước về sớm, mực nước cao hơn so với mọi năm", anh Trường chia sẻ.
Không chỉ khu vực kênh Vĩnh Tế mà những cánh đồng ở Vĩnh Ngươn (thành phố Châu Đốc), xã Nhơn Hội (huyện An Phú) của tỉnh An Giang hay huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp)… thời điểm này cũng mênh mông nước.
Anh Nguyễn Văn Thành (ngụ xã Phú Cường, huyện Tam Nông, Đồng Tháp) cho biết, nước ngập đồng mang theo nhiều tôm, cá về nên bà con tranh thủ ra đồng giăng câu, giăng lưới, đặt dớn…
"Mùa nước nổi là mùa được mong chờ nhất của bà con vùng đầu nguồn sau mùa lúa, ai ai cũng tất bật với công việc mưu sinh. Như gia đình tôi nhờ mùa nước nổi mà mỗi ngày có thể kiếm được 400.000-500.000 đồng", anh Thành cho hay.
Không chỉ đánh bắt cá, tôm, vài năm trở lại đây, nhiều người nông dân ở An Giang, Đồng Tháp còn làm du lịch trong mùa nước nổi.