pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tây Ninh: Chương trình xây dựng nông thôn mới tác động tích cực đến đời sống của hội viên, phụ nữ
Hội viên, phụ nữ tỉnh Tây Ninh tham gia trồng mới cây bằng lăng
Bà Lưu Thanh Hằng - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Tây Ninh - cho biết, xây dựng nông thôn mới là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước nhằm thực hiện đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở nước ta nói chung, tỉnh Tây Ninh nói riêng.
Với sự chung tay của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân và cộng đồng xã hội, số lượng xã đạt nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tăng thêm mỗi năm, làm thay đổi bộ mặt của nông thôn, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế-xã hội của nhiều xã và tác động tích cực đến đời sống của hội viên, phụ nữ trên địa bàn. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân, phụ nữ nông thôn từng bước được nâng lên.
Nhiều tuyến đường "Sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn", chợ, trường học, cơ sở y tế khang trang điểm tô khắp đường làng, ngõ xóm giúp chị em thuận tiện trong việc đi lại, sản xuất, kinh doanh, chăm sóc sức khỏe, phát triển kinh tế gia đình...
+ Được biết, trong thời gian qua, các cấp Hội LHPN tỉnh Tây Ninh đã triển khai có hiệu quả Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", góp phần thực hiện tốt các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Vậy bà có thể chia sẻ về những kết quả nổi bật của hoạt động này?
Bà Lưu Thanh Hằng: Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" tham gia xây dựng nông thôn mới được các cấp Hội, cán bộ, hội viên, phụ nữ trên địa bàn tỉnh quan tâm triển khai, thực hiện hiệu quả, trong đó kết quả nổi bật có thể kể đến ở hai lĩnh vực hoạt động chính.
Thứ nhất, về hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức: Các cấp Hội đa dạng, linh hoạt hình thức tuyên truyền, truyền thông như thông qua các cuộc họp Câu lạc bộ/tổ/nhóm hội viên, phụ nữ, website, fanpage Hội LHPN tỉnh, nhóm zalo, facebook, tổ chức tập huấn, hội thi, sinh hoạt chuyên đề..., đảm bảo phù hợp từng nhóm đối tượng và điều kiện thực tiễn của địa phương; kịp thời phát hiện, tuyên dương, nhân rộng các điển hình, gương tập thể, cá nhân phụ nữ tiêu biểu trong tham gia xây dựng nông thôn mới, thực hiện Cuộc vận động.
Các cấp Hội LHPN tỉnh Tây Ninh triển khai thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", góp phần xây dựng nông thôn mới
Từ năm 2021 đến nay, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 27 cuộc truyền thông trong cộng đồng liên quan nông thôn mới, mỗi cuộc thu hút trên 80 hội viên, phụ nữ tham dự; tổ chức 3 lớp tập huấn Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), 6 cuộc thi/liên hoan/ngày hội về công tác gia đình, an toàn giao thông. Đã có 549 tập thể, 930 cá nhân được các cấp Hội biểu dương, trong đó khen thưởng 57 tập thể, 84 cá nhân tiêu biểu.
Thông qua các hoạt động giúp cán bộ, hội viên, phụ nữ nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của thực hiện Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", xây dựng nông thôn mới đối với đời sống của các tầng lớp phụ nữ nói riêng và người dân nói chung. Qua đó, ý thức hơn về vai trò, trách nhiệm của bản thân và cộng đồng trong tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, vận động các thành viên trong gia đình tích cực tham gia thực hiện Cuộc vận động, đóng góp vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Thứ hai, về công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững: Các cấp Hội đặc biệt quan tâm thực hiện, kết nối, vận động nguồn lực chăm lo, trợ giúp hội viên, phụ nữ, trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống thông qua hoạt động thăm, tặng quà, xây tặng Mái ấm tình thương, thẻ bảo hiểm y tế, trao học bổng, vốn, xây dựng các mô hình giúp nhau, mô hình hỗ trợ sinh kế bền vững...
Trong 3 năm qua, Hội đã vận động, trao trên 57.000 phần quà trị giá gần 20 tỷ đồng; phối hợp trao tặng 59.102 phần quà với tổng trị giá 25,2 tỷ đồng cho các gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam anh hùng và hội viên, phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; xây tặng 105 Mái ấm tình thương với tổng trị giá 7,315 tỷ đồng, sửa chữa 18 căn nhà với tổng trị giá 330 triệu đồng; trao tặng 10.901 suất học bổng với tổng trị giá 7,010 tỷ đồng cho các em học sinh nghèo hiếu học, vượt khó…
Thông qua các hoạt động đa dạng thực hiện các tiêu chí của Cuộc vận động, các cấp Hội đã giúp thêm 2.760 hộ đạt gia đình 5 không, 3 sạch; 920 hộ thoát nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều, góp phần tích cực vào hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
+ Theo bà, các cấp Hội LHPN trên địa bàn tỉnh đã đóng góp có hiệu quả vào tiêu chí nào nhất trong Chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương?
Thông qua các hoạt động, các cấp Hội đã góp phần thực hiện hiệu quả 11/19 tiêu chí ( tiêu chí 2, 9, 10, 11, 12, 14, 15, 16, 17, 18, 19) của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng xã nông thôn mới.
Trong đó tiêu chí 9 về nhà ở, tiêu chí 10 về thu nhập, tiêu chí 11 về hộ nghèo, tiêu chí 12 về lao động có việc làm đều có liên quan trực tiếp đến công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững của Hội và các cấp Hội đã triển khai thực hiện hiệu quả với các kết quả nổi bật như trên.
"Tất cả các tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới khi thực hiện đạt, vượt sẽ tối ưu hóa các hoạt động, dịch vụ, giúp hội viên, phụ nữ được tiếp cận thông tin kịp thời, đầy đủ; mang lại hiệu quả thiết thực trong việc sẻ chia, gắn kết cộng đồng. Từ đó giúp chị em an tâm học tập, lao động sáng tạo, phát triển bản thân, xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững".
Bà Lưu Thanh Hằng - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Tây Ninh
+ Đối với các địa bàn giáp biên giới, các cấp Hội LHPN tỉnh Tây Ninh đã có cách làm mới, sáng tạo gì để góp phần xây dựng nông thôn mới tại các địa bàn đặc thù này?
Tây Ninh có đường biên giới dài giáp Vương quốc Campuchia, tình hình đời sống nhân dân nơi đây còn nhiều khó khăn, vẫn còn một số hội viên, phụ nữ chưa có nhà ở kiên cố, chưa có việc làm ổn định, thu nhập thấp, thiếu nguồn vốn phát triển kinh tế, việc đầu tư, tạo điều kiện cho con em trong độ tuổi đi học còn nhiều hạn chế...
Từ năm 2018 đến nay, thông qua Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" do TƯ Hội LHPN Việt Nam phát động, các cấp Hội trên địa bàn tỉnh quan tâm hỗ trợ, vận động, kết nối nguồn lực chăm lo cho tổ chức Hội, hội viên, phụ nữ các xã biên giới thông qua thực hiện các công trình giao thông, sinh hoạt cộng đồng, mô hình sinh kế; tổ chức các hoạt động an sinh xã hội như xây dựng Mái ấm tình thương, thăm tặng quà hội viên, phụ nữ và học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ vốn khởi nghiệp, trao học bổng, thẻ Bảo hiểm y tế... Tính đến nay, tổng số tiền vận động hỗ trợ thực hiện Chương trình trên 55 tỷ đồng.
Một trong những điểm nhấn của công tác Hội trong việc hỗ trợ các xã biên giới xây dựng nông thôn mới là việc duy trì, nâng cao chất lượng và nhân rộng các mô hình sinh kế phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ như mô hình tổ phụ nữ may hàng gia công, tổ phụ nữ đan ghế, giỏ nhựa giả mây; tổ phụ nữ chăn nuôi bò sinh sản… Thông qua hoạt động của các mô hình đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên.
+ Tỉnh Tây Ninh phấn đấu đến năm 2030, 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Vậy các cấp Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động trọng tâm nào để góp phần cùng địa phương đạt được mục tiêu này?
Các cấp Hội sẽ tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5, không 3 sạch", "Gia đình 5 có, 3 sạch" tham gia xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Theo đó, sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền các nội dung liên quan góp phần vun đắp, gìn giữ giá trị tốt đẹp và phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam sâu rộng trong các tầng lớp phụ nữ, cộng đồng dân cư gắn với Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", phong trào thi đua "Phụ nữ Tây Ninh tự tin, trách nhiệm và tiến bộ", rèn luyện phẩm chất đạo đức "Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang"; đưa Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của UBND tỉnh vào nội dung sinh hoạt thường xuyên của chi Hội, tổ/nhóm phụ nữ, đảm bảo hàng năm có từ 85% trở lên hội viên, phụ nữ được tuyên truyền, tiếp nhận thông tin về nông thôn mới và các tiêu chí của Cuộc vận động.
Hội viên, phụ nữ tỉnh Tây Ninh tham gia tích cực vào Chương trình xây dựng nông thôn mới
Gắn kết chặt chẽ các nội dung thực hiện tiêu chí của Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" với các hoạt động, phong trào Hội và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đồng thời, nhân rộng và nâng cao chất lượng các Câu lạc bộ/tổ/nhóm phụ nữ hoạt động hiệu quả. Từ đó thu hút ngày càng đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia thực hiện Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", tham gia tổ chức Hội; tiếp tục huy động nguồn lực hỗ trợ các hộ gia đình chưa đạt "5 không, 3 sạch" hoặc "5 có, 3 sạch".
Tăng cường công tác giám sát và phản biện trong xây dựng nông thôn mới; tiếp tục phát huy vai trò giám sát của hội viên, phụ nữ đối với quá trình xây dựng và thực hiện các chính sách pháp luật trong xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, Hội cũng sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác phát hiện, bồi dưỡng, biểu dương, khen thưởng, nhân điển hình các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong thực hiện Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", tạo sự lan tỏa sâu rộng, mạnh mẽ trong cộng đồng, góp phần tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Trân trọng cảm ơn bà!