Teen bức xúc khi mẹ tuyên bố "có quyền biết mọi thông tin của con”

01/11/2017 - 20:05
“Mẹ cháu thường xuyên vào facebook của cháu để đọc inbox. Chỉ cần cháu xưng mày tao với bạn là mẹ cháu đã làm loạn lên… Mẹ rất vô lý khi nói với cháu rằng “tao là mẹ, tao phải có quyền biết mọi thứ về con cái”, Đoàn Tuyết Mai (lớp 8, Nam Định) bức xúc.
kiem-soat-fb.jpg
Nhiều mẹ cho mình quyền kiểm soát nhật ký của con. Ảnh minh họa

Mai cảm thấy ấm ức khi hầu như không có khoảng trời riêng. Em hiển nhiên phải kết bạn với mẹ trên facebook và như thế mọi status em đăng, mọi bình luận của em đều bị mẹ kiểm soát. Chỉ cần trêu chọc bạn bè trên facebook là Mai bị mẹ bắt gỡ ngay xuống. Bực nhất là những đoạn nói chuyện của em với bạn ở message, inbox cũng bị mẹ kiểm soát từng câu chữ.

"Đôi khi, bạn bè nói ngôn ngữ teen với nhau nhưng mẹ cho rằng thế là mất dạy, hư hỏng. Bạn bè xưng mày tao với nhau, mẹ cũng chửi mắng ầm ĩ bảo mất lịch sự, vô văn hóa. Chỗ riêng tư nhất để em và bạn chia sẻ tâm tư, buồn vui của tuổi mới lớn mà cũng bị mẹ kiểm soát. Em cảm thấy mình không khác gì tù nhân bị giam lỏng, bị mẹ cầm tù cả tinh thần”, Mai than thở.

Hậm hực quá nên nhiều khi Mai phản ứng: Tại sao mẹ lại xâm phạm đời tư của con. Không ai có quyền đọc nhật ký của người khác. Thế nhưng, cô chỉ nhận được lời giải thích rất “củ chuối” của mẹ: Tao đẻ ra mày, tao phải có quyền biết mọi thứ về mày. Bố mẹ không biết con cái đang nghĩ gì thì làm sao mà dạy được con… Mẹ vừa nói, vừa đưa tay giật phắt điện thoại trên tay cô để vào inbox, tin nhắn của con bất cứ khi nào bà muốn.

Dù thích một bạn trai trong lớp, nhưng Mai không dám bày tỏ, dám nhắn tin chuyện trò. “Ở tuổi em, các bạn thích nhau là chuyện rất bình thường. Thế nhưng, mẹ lúc nào cũng dằn mặt em: Cấm yêu đương ở tuổi này. Yêu ở tuổi này rồi không học được gì, lại ễnh bụng ra. Chỉ cần tao bắt gặp mày thích đứa nào thì tao đến tận trường làm loạn lên cho mày và nó mất mặt”. Những lời đe dọa của mẹ chẳng khác gì quả bom có thể phá hủy mọi sự tự trọng, sĩ diện trong Mai. Thế nên, em chỉ biết nín lặng nghe theo dù trái tim, tinh thần nhiều lúc muốn nổi loạn.

Mai cho rằng, bằng cách như vậy, mẹ chỉ kiểm soát được bước chân của con và đây là cách mà mẹ đã đẩy con ra rất xa mẹ. “Mẹ làm như thế này mẹ không bao giờ biết con nghĩ gì, muốn gì trong đầu. Có chuyện vui buồn gì, người em không muốn cho biết nhất chính là mẹ. Bởi lúc nào mẹ cũng đòi hỏi con gái ngoan theo cách nghĩ quá xưa của mẹ. Nếu thấy con có chút biểu hiện khác, mẹ sẽ giáo huấn con một bài dài dằng dặc”.

con-day-thi-3-phunutoday.jpg
Can thiệp thô bạo vào cuộc sống của con khiến cho khoảng cách giữa mẹ và con ngày càng cách xa. Ảnh minh họa

Không ít cha mẹ kiểm soát con tuổi dậy thì như trường hợp của Mai. Theo TS Vũ Thu Hương (ĐHSP Hà Nội), làm như thế là cha mẹ đã can thiệp thô bạo vào cuộc sống của con. “Các bậc phụ huynh cần hiểu rằng, dù muốn hay không, chắc chắn sẽ đến lúc bọn trẻ rời xa chúng ta. Chúng có mọi thứ riêng, cuộc sống, cảm xúc, suy nghĩ và quan niệm sống khác chúng ta. Chúng sẽ tồn tại thế nào trên đời, đó là câu trả lời mà cả chúng ta lẫn các con đều phải lo lắng. Thay vì can thiệp thô bạo vào cuộc sống của con nhân danh tình yêu, các cha mẹ hãy dồn tình yêu đó cho sự tôn trọng con thật sự. Chỉ có sự tôn trọng và niềm tin của cha mẹ mới giữ cho con không làm những điều tổn hại đến bản thân”

Còn chuyên gia tâm lý Đặng Phương cho biết, ở Việt Nam, trẻ bị cấm đoán và kiểm soát quá nhiều - người lớn lấy lý do đó là yêu và bảo vệ trẻ - nên quá trình trưởng thành diễn ra rất chậm. Hơn thế, văn hoá bị tiêm nhiễm vào đầu trẻ từ bé cho tới lớn rằng "hãy làm một người bình thường (tức là đừng khác số đông)" tạo nên những đứa trẻ và những người lớn chẳng có thang giá trị cho riêng mình.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm