Thách thức đối với phụ nữ dân tộc thiểu số khi khởi nghiệp

Bài và ảnh: An Khê
29/05/2024 - 14:53
Thách thức đối với phụ nữ dân tộc thiểu số khi khởi nghiệp

Nhiều chị em phụ nữ DTTS đã khởi nghiệp có hiệu quả, gắn liền với những thế mạnh ở địa phương

Khởi nghiệp chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng, bởi ngay từ ý tưởng đến cách thức triển khai đều có rất nhiều thách thức, đặc biệt là đối với phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) khởi nghiệp.

Luật sư Vũ Thị Thu Hường (Công ty Luật E &D) chia sẻ, phụ nữ DTTS phải đối mặt với không ít rào cản như định kiến giới, trách nhiệm gia đình, cơ hội học tập và việc làm. Thế nhưng, với ý chí, quyết tâm vươn lên, chị em phụ nữ DTTS đã mạnh dạn, tự tin thực hiện có hiệu quả ý tưởng khởi nghiệp gắn liền với những thế mạnh ở địa phương.

Thách thức đối với phụ nữ dân tộc thiểu số khi khởi nghiệp- Ảnh 1.

Luật sư Vũ Thị Thu Hường (Công ty Luật E &D)

Do đó, để tạo môi trường khởi nghiệp thuận lợi cho phụ nữ DTTS, nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để phụ nữ DTTS phát huy khả năng, sự đóng góp trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó phải kể đến Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 theo Quyết định 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính Phủ. Qua đó đã giúp nâng cao nhận thức, tạo động lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tạo sinh kế mang tính chủ động cho phụ nữ - luật sư Thu Hường cho biết.

Tuy nhiên, để có thể xây dựng và phát triển mô hình khởi nghiệp, cần lưu ý các nội dung sau:

- Loại hình khởi nghiệp. Hiện nay, pháp luật doanh nghiệp quy định rất nhiều loại hình gồm: Công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, hộ kinh doanh, tổ hợp tác. Mỗi loại hình đều có mô hình cơ cấu tổ chức, hoạt động, có các ưu, nhược điểm khác nhau. Tùy vào từng đặc điểm của địa phương, ngành nghề kinh doanh, hướng đi phát triển nghề nghiệp mà người khởi nghiệp lựa chọn loại hình phù hợp và thành lập theo quy định pháp luật.

- Về vốn: Đối với người mới khởi nghiệp thì vốn là điều đáng lưu tâm vì không phải ai cũng chuẩn bị đầy đủ số vốn để kinh doanh, thậm chí trong quá trình kinh doanh, số vốn đầu tư cũng có thể bị thâm hụt, không có lãi. Do đó, cần tìm hiểu các phương thức tiếp cận vốn tín dụng tại địa phương. Đối với các mô hình phụ nữ khởi nghiệp thì Nhà nước sẽ kết hợp với các tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng xây dựng phương án vay vốn, cơ cấu khoản vay phù hợp với nhu cầu của việc khởi nghiệp và phát triển mô hình khởi nghiệp.

- Về xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ: Để nhận diện thương hiệu của mình, người khởi nghiệp cần lựa chọn và đăng ký nhanh nhất có thể nhãn hiệu, logo, các tài sản sở hữu trí tuệ khác liên quan trực tiếp đến giá trị cốt lõi của mô hình khởi nghiệp. Điều này có ý nghĩa trong việc nhận diện thương hiệu, tránh những nhãn hiệu, logo thuộc quyền sở hữu của người khác hoặc gây nhầm lẫn với các thương hiệu khác. Đồng thời xây dựng và tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trước các đối thủ cạnh tranh, bảo vệ khỏi nguy cơ bị bên thứ ba xâm phạm; tạo ra lợi thế cạnh tranh vượt trội so với các đối thủ trên thị trường, thúc đẩy hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đặc biệt với những mô hình khởi nghiệp về nông sản địa phương thì cần lưu ý đăng ký chỉ dẫn địa lý để đảm bảo các quyền về sở hữu trí tuệ và phát triển thương hiệu đặc sản địa phương.

- Về quản trị nhân sự, đối tác: Với các mô hình khởi nghiệp về nông sản thường là các hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể với nhiều lao động nữ, đa phần là người dân địa phương, có thể trình độ hiểu biết sẽ bị hạn chế. Do đó, việc tạo công ăn việc làm cho họ là việc cần được chú trọng nhưng bên cạnh đó, cũng cần phải phổ biến, quán triệt các quy định về thái độ làm việc và pháp luật về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của họ; tránh tình trạng vì quen biết nên không có thái độ lao động chuẩn mực. 

Với các đối tác là người dân địa phương cũng cần chú ý khi làm việc phải có đầy đủ văn bản, hợp đồng theo quy định, đảm bảo khi xảy ra các tình huống hoặc xảy ra rủi ro sẽ không phát sinh tranh chấp hoặc giải quyết tranh chấp theo đúng nội dung văn bản đã ký kết.

- Ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Với nhiều mô hình khởi nghiệp liên quan đến nông nghiệp, công nghiệp thì việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất là việc làm phù hợp, cần phải được đẩy mạnh, nhân rộng để tối ưu hóa thời gian, công sức, chi phí nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, số lượng.

- Hoạt động liên kết, phát triển mạng lưới và xúc tiến thương mại: Để phát triển mô hình khởi nghiệp, tạo ra kết quả kinh doanh hiệu quả, thì cũng cần phải xây dựng mạng lưới, liên kết với các bên đối tác để quảng cáo, xúc tiến thương mại sản phẩm kinh doanh đến tay người tiêu dùng. Hiện nay, việc đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử cũng trở nên phổ biến, làm giảm đi các hạn chế về không gian địa lý, tạo cơ hội cung cấp thông tin, phân phối sản phẩm đến nhiều nơi.

Ngoài ra, Nhà nước, Chính phủ cũng tập trung phát triển, triển khai thêm các chính sách pháp luật khác như: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 với 10 dự án thành phần được giao cho các Bộ, ngành tham gia chủ trì, quản lý và tổ chức thực hiện theo hướng đầu tư tổng thể, toàn diện phát triển vùng DTTS và miền núi.

Với vai trò là tổ chức đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, Hội LHPN Việt Nam đã luôn đồng hành cùng các lực lượng phụ nữ, nhất là phụ nữ ở địa bàn khó khăn, phụ nữ DTTS, miền núi. Hội cũng là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các hoạt động, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể khác để hợp sức phát triển mô hình khởi nghiệp, tạo sinh kế ổn định cho phụ nữ DTTS.

"Bên cạnh đó, chính bản thân chủ mô hình khởi nghiệp cũng cần phải tìm tòi, học hỏi và tổ chức cho các lao động của mình các cơ hội nâng cao nhận thức, kỹ năng; tham gia các diễn đàn về khởi nghiệp, về hoạt động kinh doanh để chia sẻ và nắm bắt những thông tin mới, hữu ích; đề nghị nhận tư vấn pháp lý tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị có chuyên môn để đảm bảo quá trình hoạt động tuân theo quy định pháp luật - luật sư Thu Hường nói.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm