pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thái Bình: Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn gặp khó khăn

Trẻ em ở thành phố Thái Bình đọc sách báo do các đoàn thể, các ban ngành trao tặng để nâng cao kiến thức, kỹ năng trong cuộc sống
Những vụ việc đau lòng, tai nạn thương tích của trẻ em vẫn xảy ra
Theo bà Phạm Thị Xuân Huệ, mặc dù công tác tuyên truyền phòng chống tai nạn thương tích trẻ em đã được các địa phương trong tỉnh rất quan tâm nhưng hàng năm, đặc biệt những ngày đầu mùa hè, thời tiết nắng nóng, nhiều trẻ em tìm đến sông, biển, ao, hồ để tắm giải nhiệt và đã xảy ra những vụ đuối nước thương tâm.
Theo báo cáo của Hội LHPN huyện Tiền Hải: Ngày 20/4/2024, tại xã Đông Trà và xã Tây Ninh, huyện Tiền Hải đã xảy ra 2 vụ đuối nước, cướp đi sinh mạng của 3 em học sinh lớp 4, đều sinh năm 2014. Hội LHPN các cấp đã thăm hỏi, động viên gia đình.

Trẻ em vẫn luôn là đối tượng được Hội LHPN tỉnh Thái Bình quan tâm, chăm sóc, bảo vệ
Một vụ việc đau lòng khác làm rúng động dư luận tại địa phương, là vụ chú rể xâm hại cháu gái là học sinh lớp 7 tại phường Bồ Xuyên, Thành phố Thái Bình. Cháu N. là học sinh lớp 7, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Từ nhỏ cháu thường xuyên được mẹ gửi ở nhà em gái (dì ruột của cháu) nhờ trông nom và dạy bảo. Chính từ sự gần gũi này, đối tượng là chồng của dì ruột đã nhiều lần thực hiện hành vi xâm hại tình dục cháu. Khi biết được sự việc xảy ra trên địa bàn, Hội LHPN thành phố Thái Bình, phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH thành phố Thái Bình, phòng Tư pháp thành phố và chính quyền địa phương liên hệ với gia đình để thăm hỏi, động viên và tư vấn trợ giúp pháp lý. Hội LHPN tỉnh đã báo cáo vụ việc với Trung ương Hội LHPN Việt Nam. Vụ án này hiện vẫn đang trong quá trình điều tra, xét xử. Người mẹ của cháu N. vẫn chưa một ngày dịu đi nỗi đau mỗi khi nhắc đến chuyện con gái nhỏ bị xâm hại.
Giáo dục giới tính còn hạn chế ngay trong mỗi gia đình
Từ những vụ việc trên, bà Phạm Thị Xuân Huệ thẳng thắn bày tỏ: Các vụ đuối nước thường xảy ra đối với trẻ em do bản tính hiếu động, tò mò; cũng do sự bất cẩn, thiếu quan tâm giám sát của gia đình có trẻ nhỏ, không lường trước hết được sự nguy hiểm của tai nạn này cho con em mình. Ngoài ra, còn có các yếu tố khác như môi trường sống không an toàn, kiến thức phòng tránh, sơ cứu của người dân địa phương còn hạn chế, nhiều trẻ không biết bơi…

Trên địa bàn thành phố Thái Bình đã có nhiều sân chơi hiện đại thu hút trẻ em, góp phần phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ trên địa bàn
"Đặc biệt, các vụ việc về xâm hại tình dục trẻ em, chúng tôi cho rằng, giáo dục giới tính, kỹ năng sống cho trẻ còn nhiều hạn chế. Thậm chí ngay trong gia đình còn nhận thức chưa đầy đủ về giáo dục giới tính, thậm chí còn né tránh, chưa biết cách tiếp cận để giáo dục cho trẻ. Hơn nữa, việc bùng nổ thông tin thời đại số dẫn đến đối tượng và cả nạn nhân có thể truy cập, tiếp cận những thông tin độc hại trên các trang mạng xã hội, dễ bị kích thích bởi các văn hóa phẩm đồi trụy, sử dụng các chất kích thích, ma túy gây ra các ảo giác… Còn do đối tượng xâm hại trẻ em bị suy thoái về đạo đức, dẫn đến việc phạm tội; hoạt động phạm tội ngày càng tinh vi, không hợp tác với cơ quan điều tra, gây khó khăn trong quá trình phát hiện, điều tra và xử lý. Bên cạnh đó, đối tượng lợi dụng các trang mạng xã hội để tiếp cận, rủ rê lừa gạt thậm chí cưỡng bức nạn nhân. Cộng đồng, người thân, nạn nhân lại chưa mạnh dạn tố giác tội phạm, sợ bị mọi người kỳ thị, xa lánh".
Trao đổi thêm về vấn đề này, Thượng tá Khổng Ngọc Oanh, Đội trưởng Đội phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em (Phòng 5), Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, thừa nhận: Những năm gần đây, tội phạm xâm hại phụ nữ, trẻ em, đặc biệt là các hành vi xâm hại tình dục, bạo lực học đường, bạo lực gia đình luôn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng và có diễn biến phức tạp.
Theo Thượng tá Khổng Ngọc Oanh, rất nhiều vụ xâm hại mà nạn nhân là trẻ em dưới 10 tuổi để lại những hậu quả lâu dài không thể khắc phục được. Bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em đã và đang len lỏi vào nhiều gia đình, nhà trường, bệnh viện, thậm chí cả trung tâm bảo trợ trẻ em. Nhiều vụ cha xâm hại con, ông, cậu, chú xâm hại cháu; giáo viên, nhân viên nhà trường, cán bộ y tế xâm hại học sinh và bệnh nhân của mình… ảnh hưởng nghiệm trọng đến các quyền và sự phát triển bình thường của mỗi trẻ em. Và điển hình là vụ việc của cháu N. ở Thành phố Thái Bình, bị chú rể xâm hại là vô cùng đau xót, gây bức xúc dư luận.
100% cơ sở Hội tổ chức truyền thông kiến thức về an toàn cho phụ nữ và trẻ em
Để khắc phục và giảm thiểu tai nạn thương tích, bảo vệ quyền lợi của trẻ em, bà Phạm Thị Xuân Huệ, Trưởng Ban Gia đình xã hội - Kinh tế, Hội LHPN tỉnh Thái Bình, cho biết: Hàng năm, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Thái Bình xây dựng các văn bản chỉ đạo các cấp Hội về công tác gia đình, trẻ em. 100% cơ sở Hội tổ chức truyền thông kiến thức về an toàn cho phụ nữ và trẻ em trong gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em, kiến thức, kỹ năng nuôi dạy, chăm sóc con cho cán bộ, hội viên phụ nữ, xuất bản 38.700 tờ gấp phòng chống xâm hại trẻ em…
Các cấp Hội phối hợp với ngành giáo dục & đào tạo, các nhà trường tuyên truyền tại các buổi nói chuyện dưới cờ về các kiến thức, kỹ năng sống; kiến thức về pháp luật phòng chống xâm hại tình dục, tệ nạn xã hội, chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn cho hàng trăm ngàn học sinh tiểu học, THCS, THPT, giúp các em tự bảo vệ, đảm bảo an toàn cho bản thân.
Chỉ đạo các cấp Hội cơ sở chú trọng xây dựng hàng trăm mô hình đảm bảo an toàn cho trẻ em như: Mô hình Câu lạc bộ "Mẹ và con gái", "Bạn gái"; "Chi hội phụ nữ an toàn cho phụ nữ và trẻ em trong gia đình", "Cha mẹ trong chăm sóc và phát triển trẻ em", "An toàn cho phụ nữ và trẻ em", "Gia đình có ngôi nhà an toàn"… lồng ghép các nội dung sinh hoạt về an toàn cho trẻ em trong các mô hình câu lạc bộ khác.

Các cấp Hội LHPN tỉnh Thái Bình luôn kịp thời thăm hỏi trẻ em có hoàn cảnh khó khăn
Các cấp Hội duy trì tốt công tác báo cáo, phản ánh kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại liên quan đến trẻ em. Hội có ý kiến với các ngành chức năng giải quyết nghiêm các vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em. Cán bộ Hội các cấp tích cực tham gia tư vấn, trợ giúp pháp lý, tham gia hội thẩm nhân dân, tham dự các phiên tòa, kịp thời lên tiếng, kiến nghị các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của trẻ em.
Gia đình phải nhận diện các nguy cơ, thủ đoạn gây tai nạn, thương tích cho trẻ
Để công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tốt hơn trong thời gian tới, bà Phạm Thị Xuân Huệ cho rằng, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và toàn xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Trong tuyên truyền, cần chú trọng đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền, như: xây dựng các sản phẩm truyền thông trực quan phù hợp như video, clip ngắn mang tính cảnh báo, xuất bản các tờ gấp… để làm sao chính gia đình, người chăm sóc trẻ và trẻ em phải nhận diện các nguy cơ, thủ đoạn, hậu quả và kỹ năng phòng tránh xâm hại, xử lý các tình huống các tai nạn thương tích không may xảy ra, đảm bảo an toàn cho chính mình và người thân…Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội, phát huy hiệu quả các trang website, mạng xã hội trong công tác tuyên truyền. Tăng cường hoạt động truyền thông có sự tham gia, đồng hành của nam giới, phát huy vai trò của hội viên danh dự trong công tác chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Các cháu bé mồ côi được Hội LHPN tỉnh Thái Bình kêu gọi mạnh thường quân nhận đỡ đầu, hỗ trợ các em vượt lên hoàn cảnh
Hội LHPN các cấp cũng kịp thời nắm bắt các nguy cơ, phản ánh vụ việc xâm hại phụ nữ, trẻ em, tai nạn thương tích. Hướng dẫn kỹ năng, khuyến khích trẻ em mạnh dạn lên tiếng bảo vệ chính mình, tố cáo hành vi xâm hại. Cung cấp số điện thoại Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111. Kịp thời thăm hỏi nạn nhân bị bạo lực, xâm hại, tai nạn rủi ro. Hỗ trợ trẻ và gia đình trong quá trình tố cáo hành vi xâm hại; lên tiếng, kiến nghị xử lý các vụ việc xâm hại trẻ. Đồng thời, tăng cường hoạt động phối hợp với các ngành Công an, Tư pháp, Tòa án, Viện Kiểm sát… để góp phần đảm bảo an toàn cho trẻ em.
VỤ GIA ĐÌNH, BỘ VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH PHỐI HỢP THỰC HIỆN