pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thái Nguyên: Bé trai 6 tuổi bị xe container cán đứt cẳng chân ngay trước cổng trường học
Các bác sĩ đang thay băng, đánh giá vết mổ cho bé M.K sau phẫu thuật
Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương ương, gia đình cho biết, khi tan học, bé M.K chạy qua đường trước, ông đi theo sau, đúng lúc xe container đánh lái tránh xe máy đỗ hai bên đường trước cổng trường nên đã cán qua chân của bé. Tai nạn khiến bé M.K bị đứt rời 1/3 dưới chân trái.
Sau khi được sơ cứu và băng ép vết thương tại bệnh viện địa phương, bé M.K được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục điều trị vào giờ thứ 6 sau tai nạn. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, qua thăm khám các bác sĩ nhận thấy chân trái của trẻ bị tổn thương phức tạp, đứt rời cẳng bàn chân trái, mất nhiều máu, da xanh, niêm mạc nhợt. Ngay trong đêm, các bác sĩ khoa Cấp cứu và Chống độc, cùng khoa Chỉnh hình, khoa Gây mê hồi sức đã hội chẩn và quyết định vừa truyền máu vừa phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhi.
ThS.BS Nguyễn Vũ Hoàng – Khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhi cho biết: “Phần tổn thương của trẻ quá lớn, dập nát quá nặng nên không thể bảo toàn được toàn bộ chân trái, chúng tôi chỉ có thể cố gắng bảo tồn phần chân còn lại dài nhất có thể cho trẻ”.
Trong quá trình phẫu thuật, sau khi khâu cầm máu, thắt các động mạch và thần kinh, bơm rửa sạch và cắt lọc vết thương, các bác sĩ nhận định còn phần xương bánh chè và khớp gối của trẻ có thể bảo tồn được. Do đó, ekip đã quyết định cắt cụt 1/3 trên cẳng chân, tận dụng phần tổn thương còn lại để tạo hình mỏm cụt, đặt sonde dẫn lưu mở rộng các đường dẫn lưu của da, với mong muốn có thể bảo tồn được khớp gối và phần chân còn lại dài và sinh lý nhất, để sau khi vết thương ổn định, trẻ lắp chân giả có thể vận động tốt hơn.
Hiện tại, sau hơn một tuần điều trị, bệnh nhi tỉnh táo, không sốt, mỏm cụt khô. Trẻ vẫn tiếp tục được dùng V.A.C và thay băng định kỳ để đánh giá phần da che phủ vết thương. Thời gian tới nếu vết thương tiến triển tốt, trẻ sẽ được tháo V.A.C và vá phần da khuyết hổng. Sau khi lành thương vài tuần, trẻ sẽ được tư vấn tập phục hồi chức năng và lắp chân giả phù hợp với lứa tuổi.
Lặng người nhìn con thơ đang nằm trên giường bệnh, mẹ bé M.K không kìm được những giọt nước mắt “Con không nối lại được chân, nhưng nhờ các bác sĩ tận tình cứu chữa nên giữ được khớp gối để sau này lắp chân giả con có thể di chuyển dễ dàng, thuận lợi hơn… Tuy nhiên, con còn quá nhỏ, bây giờ chân như vậy cũng sẽ thiệt thòi với bạn bè cùng trang lứa Đây là một bài học lớn đối với gia đình tôi cũng như với tất cả mọi người. Tôi mong ông, bà, bố, mẹ cần giám sát chặt chẽ, dắt tay con khi qua đường. Người tham gia giao thông cần đi đúng làn đường. Các trường có điểm đỗ xe đúng nơi quy định, không nên để phương tiện tràn lan 2 bên lề đường gây cản trở giao thông, khuất tầm nhìn khiến lái xe không kịp phản ứng, dẫn đến tình huống đáng tiếc như con tôi”.
Câu chuyện của bé M.K chỉ là một trong nhiều trường hợp trẻ phải gánh chịu hậu quả nặng nề về cả thể chất và tinh thần do các chấn thương nghiêm trọng vì tai nạn giao thông. Điều này cũng một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc bảo đảm an toàn cho trẻ khi tham gia giao thông, đặc biệt là trước các cổng trường học.