pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tham gia gameshow truyền hình vì muốn truyền sự tự tin đến các mẹ đơn thân
Trong một gameshow truyền hình về hẹn hò mới phát sóng, trường hợp của nhân vật nữ chính đi tìm tình yêu - chị Huyền Trang đã nhận được rất nhiều sự quan tâm từ khán giả. Một trong số ba chàng trai đến chương trình để hẹn hò với Huyền Trang đã tuyên bố là giám đốc nhưng chỉ chi cho bạn gái 25 ngàn đồng mỗi ngày, mỗi tháng 800 ngàn đồng 'tình phí'. Kết quả, nam giám đốc bị bà mẹ đơn thân Huyền Trang từ chối.
Tuy nhiên, ngoài câu chuyện hẹn hò, chuyện mẹ đơn thân mở lòng tìm hạnh phúc mới... Thì từ khóa con gái Huyền Trang bị khiếm thính đã khiến cộng đồng mạng xúc động trước ý chí mạnh mẽ và tình yêu dành cho con gái của bà mẹ một con này.
Chị Nguyễn Thị Huyền Trang sinh năm 1987, gây chú ý khi từ chối nam giám đốc trong chương trình hẹn hò.
Huyền Trang quê ở Buôn Ma Thuột, chị và bố con gái chính là mối tình đầu hiếm hoi có thể cùng nhau đi đến hôn nhân. Từ tình yêu tuổi 18, Huyền Trang nuôi dưỡng tình cảm trong 5 năm mới về chung một nhà với người cô xem là "cả bầu trời".
Theo Huyền Trang chia sẻ, khi ấy vì cả hai còn khá trẻ nên cô đã quyết định kế hoạch và đến 27 tuổi mới sinh con gái đầu lòng. Tình yêu thời thanh xuân những tưởng sẽ càng đẹp hơn khi có một thiên thần nhỏ nhưng khi con gái 14 tháng tuổi, cả hai quyết định ly hôn vì rất nhiều mâu thuẫn trong cuộc sống.
Vốn theo nghề về chăm sóc sắc đẹp từ những ngày còn ở quê, sau ly hôn, ra đi tay trắng, Huyền Trang quyết định phải thoát ra khỏi vỏ bọc an toàn là cuộc sống ở quê cùng bố mẹ. Cô một mình vào TP Hồ Chí Minh kiếm việc làm, mang theo con gái và bắt đầu xây dựng cuộc sống mới.
Cuộc sống hai mẹ con nơi đất Sài thành vốn đã không hề dễ dàng, đến một ngày Huyền Trang phải đau đớn chấp nhận sự thật con gái bị khiếm thính sau một quãng thời gian đưa con đi khám khắp nơi nhưng không tìm ra nguyên nhân, chuỗi ngày vất vả của bà mẹ đơn thân mới chính thức bắt đầu.
Hiện tại khi bé Hoài An đã được 7 tuổi, cuộc sống hai mẹ con có thể tạm gọi là ổn định, chị mới thoải mái chia sẻ về hành trình nuôi dạy con của mình.
Trên sóng truyền hình, chị có nhắc đến việc con bị khiếm thính nhưng không chia sẻ quá nhiều về bé. Chị có thể nói thêm về bệnh của bé không?
Năm con 2 tuổi vẫn chưa nói được, tôi cũng lo và có đưa con đến bác sĩ khám, nhưng bé nhà tôi được cái là phản xạ khá nhanh, bé chỉ cần nhìn khẩu hình miệng mọi người là có thể đoán được nội dung họ muốn nói. Cũng chính vì vậy mà các bác sĩ đều bảo con hoàn toàn bình thường và chỉ là hơi chậm nói so với những đứa trẻ khác thôi. Đến khi con gần 3 tuổi, tôi được giới thiệu đến một bác sĩ chuyên khoa nhi đã có nhiều năm làm việc ở nước ngoài. Sau khi dành khoảng 30 phút chơi với con, bác sĩ kết luận rằng tai bé có vấn đề.
Bé Hoài An có năng khiếu về hội hoạ, thích màu sắc. Rất ngoan và đã tự lập từ nhỏ.
Tuy nhiên, là một người mẹ khi nghe tin con mình có một chỗ nào đó không bình thường so với những đứa trẻ khác là một điều vô cùng khó chấp nhận. Ai nói gì tôi cũng không tin, tôi vẫn nghĩ là bác sĩ có sự nhầm lẫn. Thời điểm đó, ai quan tâm con tôi mà dùng những từ như: điếc, khiếm thính… tôi đều rất khó chịu và cảm thấy rất sốc.
Phải nửa năm sau tôi mới chấp nhận được chuyện con tôi có vấn đề bất bình thường. Khi đó, tôi nhận thấy mình phải đủ tỉnh táo, phải có tinh thần, là một người mẹ mà còn không dám đối diện sự thật thì con tôi biết phải làm sao. Từ đó tôi quyết tâm phải mạnh mẽ và bắt đầu tìm hiểu đủ mọi cách để chữa bệnh cho con. Được ai chỉ đi đâu tôi đều đưa con đi đó, từ chữa tây y, đông y, diện chẩn... Tôi làm bao nhiêu tiền cũng để chạy chữa cho con nhưng không nơi nào tìm ra nguyên nhân.
Ngầy ấy năm vẫn không tìm ra nguyên nhân bé bị khiếm thính, vậy chị có tìm hiểu được phương pháp nào khả thi nhất để chữa cho con chưa?
Hoài An phải đeo máy trợ thính cả hai tai, khi có máy, bé nghe được khoảng 30% so với người bình thường.
Hiện tại, chỉ còn một phương pháp tối ưu nhất là cấy ốc tai điện tử cho con. Tuy nhiên theo tôi tìm hiểu thì chi phí một ca cấy sẽ từ 700 triệu đồng trở lên, tôi vẫn chưa đủ khả năng để dùng phương pháp này cho con nên hiện bé vẫn dùng máy trợ thính.
Thật ra ngay cả việc mua 1 cặp máy trợ thính cho con với tôi cũng đã khó khăn rồi. Vì tôi phải tự lực nuôi con nên chi phí mua máy trợ thính cho con với tôi là cả sự cố gắng mới mua được. Tôi nhớ một cặp máy tầm trung bình có giá gần 70 triệu đồng, vì chưa đủ điều kiện nên tôi chỉ có thể mua cho con được 1 bên tai. Bên còn lại vì trung tâm bé học thấy thương hoàn cảnh của con nên đã cho tôi mượn để con được nghe rõ hơn. Phải mất đến vài tháng sau tôi mới mua được trọn bộ trợ thính cho con.
Hiện tại cũng có rất nhiều tổ chức thiện nguyện hoặc nhiều chương trình hỗ trợ chi phí cho những trường hợp như bé, chị có thử tìm hiểu chưa?
Có chứ, tôi hay tìm hiểu, tham gia các hội nhóm và biết có nhiều chương trình thiện nguyện, chữa bệnh cho các bé miễn phí hoặc được các nhà hảo tâm hỗ trợ một phần. Mẹ tôi chính là người đã dẫn cháu đi khắp nơi để tìm kiếm cơ hội được hỗ trợ chi phí mỗi lần tôi tìm đọc được thông tin đang có chương trình.
Tuy nhiên, cứ mỗi lần đến nơi, nhìn thấy rất nhiều mảnh đời còn bất hạnh hơn mình, những đứa trẻ còn mắc những căn bệnh nghiêm trọng hơn cháu mình, mẹ tôi lại đành ra về vì không nỡ giành lấy một suất của những hoàn cảnh đó. Và thế là đến giờ tôi vẫn luôn tự nhủ mình phải cố gắng nhiều hơn nữa mới hy vọng tạo ra phép màu cho Hoài An của tôi.
Hoài An đã 7 tuổi, vấn đề tai nghe kém có ảnh hưởng đến cuộc sống và học tập của con không?
"Tôi không mong con sau này phải có tương lai sáng lạn, chỉ cần con được làm điều con thích, sống bình yên, hạnh phúc"
Về cuộc sống thường ngày thì con hoàn toàn bình thường, con có thể giao tiếp tự nhiên với những câu đối thoại ngắn. Chỉ là người nói chuyện với bé sẽ phải nói to hơn một chút vào tai trái của bé vì tai trái bé nghe được rõ hơn.
Còn về học tập thì đến bây giờ tôi vẫn không cho con học ngôn ngữ của người khiếm thính, tôi cho con học ở trung tâm để các cô dạy con nói. Đến bây giờ bé có thể nói được những câu giao tiếp thông thường như những đứa trẻ 3 - 4 tuổi khác. Đến năm ngoái, cô giáo của bé có trao đổi với tôi là nên cho bé hòa nhập cộng đồng vì bé chỉ bị khiếm thính thôi còn những kỹ năng khác đều rất tốt. Khi đó niềm vui cũng có nhưng nỗi lo của tôi cũng chồng chất thêm trước quyết định cho con hòa nhập cộng đồng.
Con có cơ hội được sống trong môi trường bình thường như bao đứa trẻ khác, tại sao chị lại lo lắng?
Điều tôi lo nhất chính là phải chuẩn bị làm sao để khi con hòa nhập cộng đồng được tốt nhất. Để chuẩn bị thật kĩ cho con, tôi chạy khắp nơi lo tiền để có thể nâng cấp cho con một loại máy trợ thính tốt hơn. Cũng như lần trước, tôi chỉ có thể mua được 1 bên cho bé vì loại máy này lên đến 120 triệu đồng. Rồi may mắn lại đến với mẹ con tôi khi cô giáo ở trung tâm cho biết bệnh viện đang có chương trình tặng máy trợ thính cho các bé. Các cô khuyên tôi làm đơn, biết đâu có cơ hội nhận máy dù không tốt bằng loại tôi định mua cho con. Đến khi tôi may mắn được suất, nơi trung tâm con học đã đồng ý mua lại chiếc máy đó bằng giá thị trường để tôi có thể lo thêm chi phí, mua cho con được trọn bộ máy trợ thính.
Đưa con vào Sài Gòn lập nghiệp từ khi bé còn rất nhỏ, vậy thời gian chị đi làm, chăm con ra sao?
Khi vào Sài Gòn, tôi mất 3 ngày để tìm công việc, sắp xếp chỗ ở trước sau đó về bế con đi cùng. Thời gian đầu hai mẹ con rất vất vả, mẹ tôi thấy thương cháu quá nên đã vào Sài Gòn ở cùng tôi để chăm cháu. 3 tháng đầu tiên khi chuyển môi trường sống từ ở quê vào thành phố, tôi stress đến mức bị khủng hoảng về tinh thần.
Tôi xin được công việc, mỗi ngày đi làm lúc 8 giờ sáng và 10 giờ tối mới tan ca làm để về với con. Nhịp sống quá hối hả, mỗi ngày cứ lặp đi lặp lại công việc khiến tôi ngày càng mệt mỏi. Đêm nào về nhà, tôi cũng thấy con vẫn ngồi mút tay, ngủ gục ở cửa phòng trọ chờ mẹ mà nhói lòng. Rồi đến gần 1 năm trở lại đây, tôi may mắn khi có những người bạn thương tôi như chị em trong nhà, tôi bây giờ làm quản lý nên thời gian cũng thoải mái hơn. 6 giờ tối là tôi đã có thể về với con, chơi cùng con và dành nhiều thời gian bù đắp cho con hơn.
Bé Hoài An rất tình cảm, thường xuyên thể hiện tình cảm dành cho mẹ.
Nói một chút về cơ duyên chị tham gia chương trình hẹn hò. Câu chuyện con gái bị khiếm thính có bao giờ gây khó khăn hơn cho chị trong việc tìm hiểu một người mới không?
Thật ra tôi tham gia chương trình hẹn hò không hoàn toàn vì muốn tìm tình yêu mới đâu. Tôi muốn dùng hình ảnh của mình, sự tự tin của tôi bây giờ để các bà mẹ đơn thân khác cũng sẽ tự tin như tôi. Còn chuyện con gái tôi cũng không là vấn đề gì vì chắc chắn người đàn ông thương tôi thì cũng phải chứng minh được họ thương con tôi nữa. Hơn hết để tìm được một người đủ cảm thông, biết sẻ chia, hiểu tôi và có thể yêu thương cả con gái tôi cũng không phải dễ. Tuy nhiên, tôi vẫn suy nghĩ tích cực trong tình yêu, tôi không cố gắng đi tìm tình yêu mà cho rằng mọi chuyện đều là chữ “duyên”. Tôi luôn trong tư thế khi duyên đến sẽ đón nhận một cách tự nhiên.
Cảm ơn chị về những chia sẻ này!